Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phiên thảo luận tổ: Nhiều kiến nghị đảm bảo an sinh xã hội

21:45, 10/12/2018

Với trách nhiệm cao trước cử tri, tại 8 tổ thảo luận (kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa XVII) các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận về các kết quả phát triển KT - XH, QP - AN năm 2018,, mục tiêu tăng trưởng năm 2019 của tỉnh nhà cùng nhiều vấn đề đảm bảo an sinh xã hội mà cử tri quan tâm.

Trong buổi thảo luận, đại biểu bày tỏ sự vui mừng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh nhà, đồng thời thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh Nghệ An năm 2019. 

Xem xét mục tiêu tăng trưởng năm 2019.

Đại biểu Trần Duy Ngoãn (thị xã Hoàng Mai) cho rằng, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019 so với tổng thu ngân sách năm 2018 đã đạt 13.141,6 tỷ đồng thì chỉ tăng 357 tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 được tỉnh đề ra là 9 – 9,5% và thu nhập bình quân đầu người từ 38 triệu đồng (năm 2018) lên 42 – 43 triệu đồng (năm 2019), liệu có mâu thuẫn.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết: Những năm gần đây, Nghệ An có đặc thù riêng như: dựa vào mốt số ngành, hoạt động doanh nghiệp như gỗ, tôn, xi măng đóng góp nhiều nhưng không tăng thu (giai đoạn này đang là nền tảng để doanh nghiệp bứt phá trong thời gian tới); Nông nghiệp tăng trưởng lớn nhưng lĩnh vực này được miễn thuế hay một số đơn vị đầu tư khu công nghiệp VSIP, Hemaraj thuộc diện thu hút, ngành may mặc… không tăng thu nên tỉnh thống nhất mức tăng trưởng năm 2019.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý trao đổi tại buổi thạo luận tổ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý: năm 2019, tỉnh sẽ phối hợp cục thuế và các ngành liên quan đề ra phương án cụ thể bám sát thực tế, trong đó phải thực hiện giảm chi để bù thu

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý: Bên cạnh kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2018 khả quan, việc BHXH, BHYT nợ đọng lớn, UBND tỉnh, Sở y tế, bảo hiểm đang bàn bạc để đưa ra phương án giải quyết, đặc biệt trong năm 2019 sẽ triển khai các giải pháp và hình thức xử lý quyết liệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Dung (thị xã Cửa Lò) đề xuất: cần phải có giải pháp hữu hiệu để tăng nguồn thu cho tỉnh, trong đó có giải pháp chống thất thu thuế. Về đầu tư công, nguồn ngân sách của tỉnh nhìn chung là khó khăn, cần phải cân đối để đầu tư công có hiệu quả, nhất là tại các vùng trọng điểm giúp cho các dự án có tính thúc đẩy, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được hoàn thành.

Quản lý quy hoạch đô thị đang có vấn đề.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường (TP Vinh) đề nghị: đối với công tác quản lý đô thị cần phải có quan điểm rõ ràng. Hiện nay, việc quản lý quy hoạch đô thị đang có vấn đề. Xây dựng các chung cư, hầu hết các dự án không thực hiện như quy hoạch ban đầu cho thấy việc quản lý dự án sau khi duyệt không nghiêm dẫn đến cuộc sống người dân ở các khu chung cư khá bức bách. Bà Hường đề nghị UBND tỉnh, Sở Xây dựng cần phải siết chặt quản lý; rà soát lại để có giải pháp khắc phục, cùng với đó nghiên cứu không cấp phép xây dựng chung cư mới tại các điểm không còn quỹ đất. Việc hậu kiểm thanh tra, kiểm tra về sử dụng đất đai còn buông lỏng, còn thể hiện sự đùn đẩy trách nhiệm xử lý giữa các cấp, các ngành.

120  công trình của 70 dự án xây dựng chung cư đã tạo ra áp lực không nhỏ cho TP Vinh trong giải quyêt
Dự án xây dựng chung cư đã tạo ra áp lực không nhỏ cho TP Vinh về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc quy hoạch các dự án nhà ở, chung cư không có gì sai, tuy nhiên quá trình thực hiện có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Đầu năm 2018, Sở Xây dựng đã tham mưu thành lập đoàn thanh tra liên ngành thực hiện thanh tra trên địa bàn thị xã Cửa Lò và Thành phố Vinh và đã phát hiện được nhiều sai phạm. Sở đã có báo cáo số liệu cụ thể về danh sách các chung cư sai phạm, lỗi sai phạm và đã ra quyết định xử lý. Việc chủ đầu tư ban giao căn hộ không đúng với cam kết ban đầu xảy ra ở chung cư Bảo Sơn, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, đối với những chung cư có từ 20 tầng trở lên thì thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, ở thành phố Vinh, chung cư Bảo Sơn do Bộ Xây dựng cấp giấy phép và trực tiếp nghiệm thu nên Sở không thể trực tiếp xử lý sai phạm. Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết thêm: vừa qua, Sở đã tiến hành rà soát lại và đưa ra 6 dự án ra khỏi quy hoạch chung cư nội đô.

Bội chi quỹ bảo hiểm y tế.

Đại biểu Nguyễn Như Khôi
Đại biểu Nguyễn Như Khôi bày tỏ băn khoăn về tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế. 

Đại biểu Nguyễn Như Khôi (Huyện Quỳnh Lưu) bày tỏ băn khoăn về tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Hệ thống phòng khám sản nhi của bệnh viện Sản nhi Nghệ An và tuyến huyện đang có nhiều bất cập. ĐB Khôi dẫn chứng: ở Bệnh viện sản nhi Nghệ An quy mô 700 giường nhưng đến nay đã kê đến 1.200 có thời điểm 1400 giường 1 lúc. Bên cạnh đó, hệ thống sản nhi ở các huyện còn kém nên bệnh nhân chuyển đi tuyến tỉnh nhiều dẫn đến quá tải. Vấn đề này cần được ưu tiên quan tâm.

Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An luôn trong tình trạng quá tải
Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An luôn trong tình trạng quá tải

Đại diện sở y tế giải tình thêm về quỹ bảo hiểm y tế: 23 cơ sở khám chữa bệnhđã sử dụng hết 100%, 14 cơ sở dụng dụng hết 15%. Nguyên nhân là: Nghệ An là 1 trong những đơn vị tuyến tỉnh phát triển kỹ thuật cao so với các tỉnh lân cận, các chi phí chung so sánh với các tỉnh xung quanh ta chi ở mức thứ 4 cả nội và ngoại trú. Các kỹ thuật lớn tuyến trung ương  triển khai được nên số lượng khám điều trị không phải chuyển tuyến trên cao, ở một số huyện đã triển khai được dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí tương đối nhiều. Sở y tế, Uỷ ban tỉnh và bảo hiểm đã họp để đưa giải pháp đảm bảo quỹ khám cho bệnh nhân trong tháng tới. Đối với chất lượng khám ở các tuyến huyện, sản nhi còn yếu, gây áp lực cho bệnh viện sản nhi. Khuôn viên chật hẹp, cơ sở cũ xuống cấp nên tình trạng quá tải là có thật. Ngành y tế cũng đang tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ y bác sỹ còn thiếu để có số lượng chuyên khoa tuyến dưới, giảm tuyến trên.

Cụ thể hóa chính sách dân tộc.

Liên quan đến chính sách phát triển ưu tiển của người dân tộc, đại biểu Ngô Đức Thuận - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho biết, hiện nay nhà nước đang có cơ chế vận động người dân tộc thiểu số chuyển đổi nghề nghiệp nhằm phát triển kinh tế, xã hội. Tại điều 6, quyết định  38/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh có quy định: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (cùng với các hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư còn lại) tại Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh. Tuy nhiên, để một số hộ dân miền núi, vùng sâu vùng xa có nhu cầu thuê đất để kinh doanh khi thực hiện quyết định này sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc lập dự án đưa đến bộ phận một cửa và giao cho chủ đầu tư.

Đại biểu Ngô Đức Thuận, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu: Cần cụ thể hóa chính sách dân tộc để người dân dễ tiếp cận
Đại biểu Ngô Đức Thuận, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu: Cần cụ thể hóa chính sách dân tộc để người dân dễ tiếp cận

Đại biểu Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cũng đề nghị UBND tỉnh cần sửa đổi chính sách ưu tiên đối với 6 huyện miền núi cao, đặc biệt phải phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền.

Đánh giá công tác giảm nghèo bền vững.

Băn khoăn về tình hình văn hóa – xã hội năm 2018, đại biểu Lữ Đình Thi, huyện Quế Phong cho rằng: Trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi xóa đói giảm nghèo đang còn manh mún, nhỏ lẻ và hiệu quả chất lượng chưa cao. Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, tỉnh cần có biện pháp giải quyết tập trung dứt điểm và có cơ chế riêng đối với vùng đặc thù.

 Vợ chồng ông Đinh Đăng Bình thoát nghèo nhờ từ dự án hỗ trợ giảm nghèo
Nhiều  gia đình ở khu vực miền núi đã thoát nghèo nhờ từ dự án hỗ trợ giảm nghèo
 

Đại biểu Vương Quang Minh (huyện Quỳ Châu) đề xuất đánh giá việc rà soát hộ nghèo và cận  nghèo. Hiện nay, các tiêu chí phân loại hộ nghèo và cận  nghèo còn nhiều bất cập, dựa theo điểm theo căn cứ tài sản hiện có chứ không kiểm tra chất lượng tài sản . Vì vậy, cần có sự thay đổi cách chấm điểm hiện nay.

Cần thận trọng khi sáp nhập, xã, xóm.

Đây là vấn đề được đại biểu Nguyễn Như Khôi (huyện Quỳnh Lưu) nêu ra: Vấn đề sáp nhập xóm, bản và xã không hề đơn giản. Theo quy mô có thể có 3-4 xóm sáp nhập lại thành 1 xóm, sẽ đặt ra vấn đề: sự lãng phí của các thiết chế văn hóa khi chúng ta đã xây dựng xong trong nông thôn mới, khi nhập lại đâu sẽ là trung tâm, đâu là xóm trung tâm? Các xóm còn lại có lãng phí không? Quy mô của 1 xóm lại không đáp ứng đủ sinh hoạt cho 3 xóm khi sáp nhập, chưa kể đến công tác nhân sự, cán bộ.

ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc sở Nội vụ giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến ngành đó là vấn đề sáp nhập huyện, xã, bản, cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, thực hiện nghị quyết TW6, hiện nay Nghệ An cũng đang tiến hành. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính, sự nghiệp, từ đầu năm, sở nội vụ đã triển khai theo chỉ đạo của Trung ương đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.
Ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Sự sáp nhập phải thận trọng, xem xét sự phù hơp từng địa phương, thời điểm để có lộ trình sáp nhập hợp lý

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc sở Nội vụ giải trình: Việc sáp nhập các đơn vị hành chính, sự nghiệp, từ đầu năm, sở nội vụ đã triển khai theo chỉ đạo của Trung ương đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Quan điểm của tỉnh là không sáp nhập vội vàng, trên cơ sở thiếu dưới 50% cả 2 tiêu chí diện tích và dân số từ nay đến 2021 thì địa bàn cấp huyện có 1 đơn vị đó là Thị xã Cửa Lò; còn cấp xã hiện nay có 22 xã thiếu cả 2 tiêu chí. Lộ trình từ nay đến 2021, Nghệ An sẽ tiến hành sáp nhập 22 xã. Sự sáp nhập phải thận trọng, xem xét sự phù hơp từng địa phương, thời điểm để có lộ trình sáp nhập hợp lý.

Tháo điểm nghẽn cho tái cơ cấu Nông nghiệp.

Đại biểu Phan Văn Tuyên - Chủ tịch huyện Yên Thành bày tỏ lo lắng khi nhiều diện tích đất bỏ không trong vụ Đông. Ông lý giải: Nông dân nhìn vào thực tế, nếu có lợi thì mới làm. Tại huyện Yên Thành, mấy năm gần đây, chỉ một số xã vùng sản xuất được ngô và rau màu vụ đông, còn lại bỏ không. Bởi vậy, ông đề nghị, ngành nông  nghiệp cần có cây, con phù hợp để tăng giá trị sử dụng đất vụ Đông.

Đại biểu Hoàng Quốc Hào thực sự trăn trở về việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Mặc dù có nhiều chính sách nhưng vẫn điệp khúc “được  mùa rớt giá” vẫn diễn ra thường xuyên khiến cho nông dân lao đao, thậm chí trắng tay sau một mùa vụ.

Sản phẩm rau sạch
Tăng cường kết nối để giải bài toán đầu ra cho sản phẩm nông sản địa phương 
 

Trả lời việc bế đầu ra cho nông sản, Ông Nguyễn Tiến Lâm - PGĐ Sở NN&PTNT thừa nhận, bởi chưa có cơ chế đủ mạnh để thu các Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nên các sản phẩm nông nghiệp luôn trong tình trạng bấp bênh. Bởi vậy, giải quyết việc bao tiêu chuỗi sản phẩm nông nghiệp rất cần bàn tay của Doanh nghiệp nên cần có chính sách rõ ràng để thu hút Doanh nghiệp ở lĩnh vực này.

HTX là nơi khâu nối người nông dân với KHCN và DN nhưng hoạt động còn mang tính hình thức, do vậy, đại biểu Phạm Văn Tuyên yêu cầu ngành NN phải tham mưu về cơ chế chính sách cho HTX hoạt động hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Tiến Lâm - PGĐ Sở NN&PTNT: Tất cả vấn đề được đại biểu nêu ra chính là các “điểm nghẽn” của công cuộc tái cơ cấu Nông nghiệp cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tháo gỡ.

Khiếu kiện đất đai vẫn “xoay vòng”

Nhiều bất cập trong xử lí sai phạm đất đại từ cấp xã, huyện đến tỉnh nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc. Đại biểu Thái Văn Thành – Phó hiệu trưởng trường ĐH Vinh đặt câu hỏi: Do quy trình quản lý hay năng lực quản lý của cán bộ? Nêu do quy trình thì phải xây dựng lại quy trình. Nếu do năng lực cán bộ thì cần phải thay thế hoặc cho đi đào tạo.

Ông Võ Văn Ngọc - PGĐ Sở TN&MT thừa nhận: Công tác khiếu nại đất đai kéo dài là một thực trạng bởi chính sách đất đai có nhiều bất cập, nó là vấn đề mang tính lịch sử.  Còn đối  với vấn đề cấp đất trái thẩm quyền, cần thiết có một hệ thống giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này.

Giải quyết dứt điểm việc thu hồi đất lâm trường.

Tính đến ngày 15/8/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ và tham mưu, trình UBND tỉnh Nghệ An ban hành các Quyết định thu hồi đất để giao cho UBND các huyện, thị xã quản lý, sử dụng của 10 Công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 9.957,36 ha.

Đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất lâm trường
Đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất lâm trường

Đối với phần diện tích đất còn lại (chủ yếu của Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Sông Hiếu chưa đến kỳ thu hoạch cây trồng trên đất tại các huyện: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong), Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành các thủ tục hồ sơ (đo đạc bản đồ xác định diện tích đất cụ thể, thống nhất ranh giới, mốc giới,…) để tham mưu UBND tỉnh Nghệ An thu hồi đất theo quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế, tiến độ thu hồi đất lâm trường làm rất chậm. Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Đình Minh (huyện Quỳ Hợp) yêu cầu: Vướng ở đâu, cấp nào, cần gỡ ngay ở đó để đẩy nhanh tiến độ, bởi từ nguồn tài nguyên này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề an sinh xã hội, đăc biệt là tại các huyện miền múi.

Nhiều rào cản trong cấp đổi Giấy chứng nhận QSD đất:

Đại biểu Trần Xuân Quang- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Lộc phản ánh bất cập tình trạng luân chuyển cán bộ địa chínhxã 3- 5 năm thực hiện luân chuyển trong khi công tác quản lý đất đai đòi hỏi phải am hiểu về địa bàn, nguồn gốc sử dụng đất nhưng cứ thay đổi thường xuyên rất khó khăn cho đội ngũ này. Đề nghị nhà nước nên tổng kết đánh giá 5 năm qua xác định có nên luân chuyển hay không. Đại biểu Trần Xuân Quang cũng cho rằng công tác cấp đổi GCNQSĐ áp dụng còn nhiều rào cản, quá trình quy trình cấp đổi GCNQSD đất vẫn còn hiện tượng tiêu cực nhưng xử lý còn thấp, cần tăng cường xử lý chặt chẽ.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ 4.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ 4.

Xung quanh công tác quản lý đất đai, ông Đinh Xuân Quế Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn phản ánh tình trạng “lãng phí” đất đai ở các dự án đầu tư. Dẫn chứng thực trạng huyện Nam Đàn còn nhiều dự án, nhiều đơn vị không có nhu cầu sử dụng đấtvới diện tích đất lớn, ở vị trí “đất vàng” đang nằm im nhiều năm chưa sử dụng. Trong khi huyện rất cần quỹ đất để thu hút đầu tư. Đề nghị tỉnh cần tăng cường quản lý, sử dụng quỹ đất phù hợp.

Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đề nghị tỉnh cần có chính sách “mở” giải quyết cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhà nước mới quản lý đất đai được.

Cần quy trách nhiệm cho hậu xả lũ

Đưởng do lũ lụt, nhất là sau cơn bão số 3,4 và đợt lũ vừa qua, kể cả nhân dân các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông, hiện nay chưa có giải pháp khắc phục. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hải (Tương Dương) cần phải đề cập đến hành lang xả lũ. Bởi nếu không kiểm soát được hành lang xả lũ thì diện tích ngập là rất lớn. Vì vậy, tỉnh cần rà soát đánh giá lại, nếu diện tích nào bị ngập thường xuyên thì phải có phương án di dời. Để giảm thiểu tình trạng ngập lụt hạ du đề nghị các Bộ ngành nên điều chỉnh quy trình xả lũ theo QĐ 2125, bởi phương án xả lũ liên hồ chứa chưa được điều chỉnh một cách phù hợp.

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ đã gây ảnh hưởng lớn tới các huyện vùng hạ du vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ đã gây ảnh hưởng lớn tới các huyện vùng hạ du vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua

Vấn đề gây bức xúc đối với các địa phương bị thiệt hại do xả lũ đó là hiện nay là các nhà máy thủy điện mặc dù đã có hỗ trợ nhưng chưa đủ để khắc phục. Huyện mặc dù đã cấp đất rồi huy động các lực lượng để làm nhà ở, nhưng nhân dân không đủ điều kiện kinh tế để dựng lại nhà. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện chưa nhận trách nhiệm về mình mà chỉ mới đưa ra các phương án hỗ trợ.

Ô nhiễm môi trường các KCN đang ở mức báo động

Đại biểu Trần Xuân Quang (Nghi Lộc) cho biết tại các buổi tiếp xúc, cử tri Nghi Lộc rất bức xúc trước tình trạng khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên, vùng giáp ranh giữa Nghi Lộc và Cửa Lò tình trạng các nhà hàng khách sạn ở T.X Cửa Lò xả thải vào mương ở các xã Nghi Khánh, Nghi Hợp. Người dân phản ánh nhiều qua các đợt tiếp xúc cử tri.

Đại biểu Trần Xuân Quang- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Lộc phát biểu
Đại biểu Trần Xuân Quang- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Lộc phản ánh tình trạng ô nhiễm tại khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên.

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Hồng – Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh cho biết HĐND tỉnh vừa tổ chức cuộc giám sát về công tác bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp cho thấy nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ nhất là hệ thống xử lý nước thải. Nhiều nhà máy chưa có hệ thống xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đại biểu Nguyễn Quang Hồng đề nghị UBND tỉnh quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo đời sống cho người dân.

Trả lời về phản ánh ô nhiễm môi trường khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định đây là nội dung được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo. Qua kiểm tra đã tạm dừng hoạt động nhà máy Ecovi và chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị TP. Vinh tạm dừng vận chuyển một số loại rác ra Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Theo lộ trình 2/2018, tỉnh sẽ thực hiện di dời một số hộ dân xung quanh Khu Xử lý chất thải Nghi Yên ra khu ở mới.

Gia tăng hành vi mua bán người.

Khi mà hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em chưa có hiệu dừng lại, thì gần đây, ở huyện biên giới Kỳ Sơn đã xuất hiện hành vi mua bán bào thai với cái giá rất rẻ mạt. Đó là một hành vi mất nhân tính cần được cảnh tỉnh – Đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) nói.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ 6
Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ 6

Theo đại biểu Lục Thị Liên, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật chưa đủ mà cần có một chế tài đủ mạnh đối với loại tội phạm mua bán người.

Các đại biểu cũng thảo luận về từ ngữ đối với các văn bản Nghị quyết sẽ được thông qua tại Kỳ họp; vấn đề vi phạm ATVS thực phẩm; hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường; vấn đề về tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, công tác khai thác khoáng sản, khai thác đá còn buông lỏng...

Nhóm PV