Cần phải quy trách nhiệm rõ cho hậu xả lũ
Mặc dù thiệt hại nặng nề do đợt xả lũ vừa qua tuy nhiên đến nay việc khắc phục hậu quả vẫn chưa được thỏa đáng. Về phía các huyện thì quy trách nhiệm cho các nhà máy thủy điện. Song, theo các địa phương ngoài hỗ trợ cho các hộ dân thì đến nay về phía các nhà máy thủy điện vẫn chưa có động thái gì.
Chiều nay (10/12), các đại biểu HĐND tỉnh tổ số 5 gồm các đơn vị bầu cử Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn do đồng chí Vi Hòe – Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn chủ trì đã thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ 5. |
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, nhiệm vụ và giải pháp năm 2019, chỉ đạo của UBND tỉnh với nhiều đổi mới, nâng cao trách nhiệm các thành viên UBND tỉnh phụ trách ngành, lĩnh vực; thể hiện sự quyết tâm quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể.
Tuy nhiên, phản ánh tại buổi thảo luận tại tổ, đại biểu Lầu Bá Chày, huyện Kỳ Sơn bức xúc qua tiếp xúc cử tri xã Mường Ải, đi thực tế ở các xã Mường Típ, Mường Ải và Mỹ Lý, do ảnh hưởng của các cơn bão số 3, 4 vừa qua đã bị sạt lở rất nặng nề, đe dọa tới tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh cần sớm vào cuộc, quy hoạch, khảo sát tại 3 địa phương này, di dời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, để bà con sớm ổn định cuộc sống.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hoàng - Đại biểu Kỳ Sơn phản ánh do ảnh hưởng cơn bão số 3, 4 Kỳ Sơn bị thiệt hại nặng nề với 6 người chết, hàng loạt công trình, CSHT bị tàn phá, 14 điểm sạt lở đến nay không lưu thông được, tổng thiệt hại hơn 200 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện nay 3 điểm chính tại Mường Típ, Mường Ải và Mỹ Lý có nguy cơ về sạt lở lớn, trong đó bản Vàng Pao, xã Mường Típ có hơn 300 hộ nằm ngay dưới cung sạt lở do ảnh hưởng cơn bão số 3, 4, đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của các hộ dân này. Mặc dù huyện đã khảo sát, lập dự án tái định cư để trình các cơ quan ban, ngành nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Đồng tình với đánh giá của UBND tỉnh, đó là đời sống một bộ phận dân cư vùng DTTS vô cùng khó khăn, nhất là vùng bị ảnh hưởng do lũ lụt, nhất là sau cơn bão số 3,4 và đợt lũ vừa qua, kể cả nhân dân các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông, hiện nay chưa có giải pháp khắc phục. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hải (Tương Dương) cần phải đề cập đến hành lang xả lũ. Bởi nếu không kiểm soát được hành lang xả lũ thì diện tích ngập là rất lớn. Vì vậy, tỉnh cần rà soát đánh giá lại, nếu diện tích nào bị ngập thường xuyên thì phải có phương án di dời. Để giảm thiểu tình trạng ngập lụt hạ du đề nghị các Bộ ngành nên điều chỉnh quy trình xả lũ theo QĐ 2125, bởi phương án xả lũ liên hồ chứa chưa được điều chỉnh một cách phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Văn Hải (Tương Dương) kiến nghị cần phải kiểm soát hành lang xả lũ. |
Vấn đề gây bức xúc đối với các địa phương bị thiệt hại do xả lũ đó là hiện nay là các nhà máy thủy điện mặc dù đã có hỗ trợ nhưng chưa đủ để khắc phục. Huyện mặc dù đã cấp đất, huy động các lực lượng để làm nhà ở, nhưng nhân dân không đủ điều kiện kinh tế để dựng lại nhà. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện chưa nhận trách nhiệm về mình mà chỉ mới đưa ra các phương án hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của thủy điện trong vấn đề này. “Vừa rồi 2 thủy điện trên địa bàn là Bản Vẽ và Khe Bố có hỗ trợ người dân địa phương 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là hỗ trợ, chúng tôi muốn ở đây là trách nhiệm rõ ràng”, ông Hải nói.
Về lĩnh vực quản lý các dự án đầu tư thủy điện, mặc dù đã ngừng, nhưng vẫn còn 1 số dự án đã quy hoạch đang thực hiện, ông Hải cũng đề nghị Bộ Công thương đưa ra khỏi quy hoạch những thủy điện hiệu quả không cao. “Thủy điện có 3 chức năng. Thứ nhất là cắt lũ, thứ hai là chống hạn rồi mới đến phát điện. Nhưng hiện nay, 2 chức năng trước dường như bị bỏ qua, chỉ quan tâm đến phát điện”, Bí thư Huyện ủy Tương Dương bức xúc nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lương Thanh Hải – Trưởng ban Đại biểu Tương Dương khẳng định các nhà máy thủy điện khi xây dựng đã được thiết kế chi tiết trong đó có tính đến tần suất lũ 100 năm, 50 năm và 30 năm và mực nước xả lũ sau đập cao nhất để chính quyền biết không quy hoạch và xây dựng CSHT ở mức đó. Đại biểu Lương Thanh Hải phản ánh mặc dù trong thiết kế nhà máy đều có nhưng tại sao các nhà máy không công bố cho các địa phương biết mức xả lũ, để có giải pháp di dời dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng?
Làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu về nội dung thủy điện xả lũ trên sông Nậm Nơn, theo đại diện sở Công thương cho biết; UBND tỉnh đã có QĐ số 4347 về thành lập đoàn liên ngành do Sở NN&PTNT chủ trì, trong đó sở Công thương cũng có trong thành phần tham gia. Về các ý kiến của đại biểu liên quan đề vấn đề này, đại diện Sở Công thương cũng thông tin thêm: các chỉ số về mức nước hồ chứa của các dự án thủy điện trong cả nước đều được công khai minh bạch trên trang web của Bộ Công thương.
Về phía hạ du thời kỳ sau xả lũ và thời kỳ hiện nay, chênh nhau tới 13 mét, có nghĩa là những phạm vi hành lang an toàn xả lũ hiện nay phải trên 13 m, thậm chí là trên 15, 16 mét. Không riêng gì bản Vẽ mà tất cả các dự án thủy điện đều có tất cả các phương án phòng chống lũ cho hạ du được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó sở NN&PTNT là cơ quan tham mưu.
Đại biểu Lương Thanh Hải (Tương Dương) phản ánh mặc dù trong thiết kế nhà máy đều có nhưng tại sao các nhà máy không công bố cho các địa phương biết mức xả lũ? |
Trước đó, nhà máy thủy điện Nậm Nơn đã hỗ trợ kinh phí di dời 34 hộ nằm trong vùng lòng hồ thủy điện ở Tương Dương, nếu UBND tỉnh vừa rồi không kịp thời di dời thì đợt xả lũ vừa rồi thì ngoài thiệt hại về tài sản sẽ thiệt hại rất lớn đến tính mạng người dân. Dù do nguyên nhân nào, do biến đổi khí hậu hay do tần suất lũ theo tính toán như đợt lũ vừa rồi thì 50 năm mới lặp lại một lần, có nghĩa là vùng hạ du của các nhà máy thủy điện đều nằm trong hành lang thoát lũ. Vì vậy, đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị với các Bộ, ban ngành của Chính phủ đề xuất xây dựng dự án di dời các hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm. Về việc điều chỉnh để thay đổi vận hành liên hồ chứa theo kiến nghị cử tri, theo QĐ 2125 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ TNMT chủ trì tham mưu xây dựng quy trình.
Giải pháp để đạt các chỉ tiêu KTXH đã đề ra?
Các đại biểu cũng băn khoăn về một số chỉ tiêu đó là một số khoản thu chưa đạt, đặt ra thách thức rất lớn, vì vậy phải có giải pháp căn cơ để đạt được các chỉ tiêu KTXH đã đề ra.
Trong đó, một số khoản thu cân đối lớn của tỉnh chưa đạt dự toán như: thu từ các doanh nghiệp TW; doanh nghiệp địa phương; DN có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh..ảnh hưởng đến việc bố trí các nhiệm vụ chi và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế, vướng mắc. Đầu tư cho phát triển nông nghiệp còn thấp, việc nhân rộng các mô hình sản xuất còn hạn chế..
Đại biểu Lương Thanh Hải đưa ra đề nghị tỉnh cần kiểm tra DN lớn nạp thuế ít so với các DN nhỏ nhưng nạp thuế cao
Ông Trần Văn Mão – Phó Trưởng đoàn ĐBQH đặt vấn đề: vì nguồn lực chưa có nhiều nên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, các địa phương còn lúng túng với việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Vấn đề này cũng đặt ra cho các vị đại biểu HĐND cần phải có những giải pháp quan tâm tới NN, nông thôn để thúc đẩy nông nghiệp phát triển
Đồng tình với của đại biểu Vy Văn Sơn ( Con Cuông), ông Trần Văn Mão cho rằng lâu nay tỉnh triển khai hội nghị xúc tiến đầu tư, tuy nhiên chưa đánh giá hiệu quả đem lại. Việc triển khai các dự án đầu tư còn nhiều bất cập về trình tự thủ tục, do đó cần phải tìm được kết quả nguyên nhân cũng như những mặt tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục.
Đại biểu Vy Văn Sơn đề nghị tỉnh cần đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và phương pháp xúc tiến đầu tư 2019. |
Các ý kiến cũng cho rằng cùng với tìm các giải pháp để thực hiện đạt các chỉ tiêu KTXH, thì vấn đề quy hoạch còn nhiều bất cập. Tại các buổi tiếp xúc, các cử tri vẫn đang có nhiều ý kiến bức xúc, do đó các đại biểu HĐND cần nắm bắt được để đưa ra thảo luận, phân tích, mổ xẻ làm rõ. Từ đó, tạo ra bước đột phá lớn trong phát triển KTXH, tạo đà năm 2019 và những năm tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hải (Tương Dương) nêu ý kiến: Giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tăng, thu ngân sách đạt cao, UBND tỉnh có nhiều đổi mới trong chỉ đạo điều hành và quản lý vốn đầu tư. Về kết quả phát triển DN, đạt chỉ số cao minh chứng cho CCHC và cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, nợ đọng thuế đang lớn. Theo báo cáo có đến 924 tỷ có khả năng thu, nhưng chưa xác định thời gian thu. Bên cạnh đó, nợ đọng xây dựng cơ bản rất nhiều. Trong đó, khó khăn là các dự án vốn của TW, nhất là trái phiếu chính phủ thì đến giờ phút này cũng không có khả năng quyết toán vốn đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách dân tộc và miền núi, thực hiện QĐ33 và 1776 đối với địa bàn miền núi, Mục tiêu của 2 QĐ này là ổn định dân cư và di dời khẩn cấp ra khỏi vùng lũ. Thế nhưng, một số dự án dở dang đã kéo dài thời gian nhiều năm nay, đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Do nguồn vốn nhỏ giọt, dự án đang dở dang đã kéo theo đời sống người dân tại các vùng dự án không ổn định, khó khăn.
Đại biểu Lầu Bá Chày (Kỳ Sơn) đề nghị các Sở, Ngành có biện pháp đẩy nhanh tiến độ, giao rừng cho đồng bào ổn định sản xuất. |
Đại biểu Lầu Bá Chày ( Kỳ Sơn) nêu ý kiến, đến nay NĐ75 của CP về phát triển rừng đã thực hiện, tuy nhiên đối với Kỳ Sơn tiến độ đang chậm. Đề nghị các sở ngành có biện pháp đẩy nhanh tiến độ, giao rừng cho đồng bào ổn định sản xuất, phát triển rừng để đảm bảo mục tiêu của Đảng, Nhà nước.
Tình trạng lao động bỏ quê hương đi làm ăn xa
Theo ông Lương Văn Hải – Trưởng ban Dân tộc, hiện nay số người dân ở các huyện miền núi đi làm ăn xa trong nước và nước ngoài rất lớn, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa thực hiện công tác đánh giá tác động xã hội, những mặt được và những hệ lụy hạn chế sau này. Những khuyến cáo, chỉ đạo của cơ quan tỉnh huyện về tình trạng này cũng chưa được quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Hải, đại biểu Tương Dương phản ánh vấn đề lao động đi lao động chui ở nước ngoài, đặc biệt là tình trạng phụ nữ lấy người nước ngoài và về sinh con trên địa bàn huyện Tương Dương gia tăng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ đói nghèo, lạc hậu và mất ANTT tại địa phương. Tình trạng lao động bỏ quê hương đi làm ăn xa nhiều, do đó trên địa bàn thiếu hụt lao động dẫn đến ruộng đất bỏ hoang, thu nhập từ nông ngư nghiệp thấp..
Đại biểu Vi Hòe ( Kỳ Sơn) - tổ trưởng tổ 5 tiếp thu đầy đủ các ý kiến và tổng hợp báo cáo trong phiên họp ngày mai. |
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu còn đóng góp, kiến nghị các vấn đề về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nợ đọng trong xây dựng cơ bản, chính sách thu bác sỹ về công tác tại xã, đề nghị nâng cấp các nhà máy nước ở các huyện miền núi vì hiện nay vừa quá tải vừa xuống cấp..
Kết thúc buổi thảo luận, đồng chí Vi Hòe tiếp thu đầy đủ các ý kiến và tổng hợp báo cáo trong phiên họp ngày mai.
Hiến Chương - Văn Nhân