Chát mặn hạt muối An Hòa
Được mùa muối nhưng... nỗi lo diêm dân nhân đôi
|
Năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài thuận lợi cho người làm muối. Mới chỉ hơn nửa năm mà Tân Thịnh đã thu hoạch hơn 4000 tấn, đạt 2/3 sản lượng muối kế hoạch cả năm nhưng chỉ mới tiêu thụ được chưa đầy 2000 tấn. Chờ đợi công ty Muối của nhà nước thu mua tạm trữ thì chưa thấy đâu, muối thành phẩm không thể lưu kho vì không còn chỗ chứa, mở đường cho thương lái vào cuộc. Vậy là hầu hết muối làm ra đều bị ép giá bởi diêm dân không chủ động được nguồn tiêu thụ mà muối thì làm ra từng ngày, không thể không bán. Nắng nóng đồng nghĩa với được mùa muối, nhưng muối trắng đồng mà lo.
Bình quân thu nhập của lao động sản xuất muối rất thấp. Nếu so sánh, sản xuất muối chỉ bằng 28% thu nhập từ sản xuất nông nghiệp và 20% thu nhập của ngư nghiệp. Công việc khó khăn vất vả mà thu nhập không đủ sống. Có lẽ vậy mà ngày càng có nhiều người không còn mặn mà với nghề muối. Nhiều người bỏ nghề, rời làng phiêu bạt nơi đất khách, những mong kiếm được miếng cơm manh áo, lao động bám trụ trên đồng muối chỉ còn chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.
Bỏ ruộng muối, chị Hoàng Thị Hoa ở Tân Thịnh ra Hà Nội làm thuê, để lại đứa con cho ông bà ngoại nuôi khi vừa 4 tháng tuổi, nay đã học lên lớp 6. Hết giờ học, em Hồ Thị Mai lại phụ giúp ông bà làm muối. Cuộc sống nghèo nàn, ông bà của Mai dù tuổi đã cao cũng phải bám vào nghề mà làm, mà sống bởi không làm không có cái ăn hàng ngày. Những tưởng bươn chải để thoát nghề muối, để có thu nhập khá hơn giúp gia đình, vậy mà mười năm rồi, cuộc sống của cha mẹ và đứa con của chị có lẽ vẫn không khác gì nhiều như ngày chị bước chân ra đi.
Người lớn bỏ muối đi làm ăn xa, những đứa con lại thay họ làm muối |
Diêm dân ở An Hòa không chỉ có khổ vì muối, mà còn cái khổ vì thiếu nước sinh hoạt hàng ngày. Giống cái thời bao cấp, không nước, không điện - bà con đi làm về nhìn nhau mà lau nước mắt. Không biết bao giờ đời sống của bà con diêm nghiệp nơi đây mới thoát được cảnh bĩ cực này. Ở thời điểm giữa năm 2010, để đổi 1 kg gạo với loại thường giá 6.000 đồng, diêm dân phải bán tới gần 20 kg muối. Chống chọi với nắng nóng gay gắt, nước sinh hoạt hàng ngày không có, muốn có nước để nấu ăn, tắm rửa hàng ngày bà con ở đây phải mất 300kg muối mới mua được một tẹc nước ngọt sạch chừng 180 lít.
Ở làng muối muốn thoát khỏi cái nghèo, chỉ có 2 con đường duy nhất hoặc là học kiếm nghề thật chắc, hoặc bỏ quê đi làm thuê làm mướn. Rất nhiều gia đình ở đây cố gắng tằn tiện hết sức để đầu tư cho con cái ăn học, những mong con cháu thoát cảnh mấy đời làm muối. Gia đình bà Trần Thị Sáu có 3 người con, chồng là thương binh nên bà gần như là lao động chính lăn lộn với đồng muối. Cũng vì cái nghề vất vả này mà ông bà quyết tâm phải hướng cho mấy đứa con thoát ly gia đình, thoát ly nghề muối bằng học hành để có việc làm đến nơi đến chốn. Không phụ mong ước, kỳ vọng của cha mẹ, năm 2004 gia đình ông bà trở thành gia đình đầu tiên của xóm có con đỗ Đại học và lần lượt, cả 2 người còn lại cũng đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.
Ở Tân Thắng, không mấy gia đình được thỏa ước nguyện như bà Sáu, trong xóm ngày càng có nhiều người bỏ nghề, bỏ làng đi tìm việc nơi khác. Tính chung cả làng muối đã mất đi 50% lao động mà đa số là những lao động trẻ, khoẻ mạnh. Những người còn lại gắn bó với nghề muối khi không còn nghề gì để sống hay việc gì để làm. Những người muốn bứt phá thì không có vốn để làm, mà vay mượn được thì cũng chẳng biết đầu tư gì trên đất sản xuất muối vì không phải chỗ nào cũng có thể nuôi thủy sản. Vậy là diêm dân An Hòa lại chỉ biết gắn bó với muối. Cái nghề luôn phụ thuộc đất trời, phụ thuộc chính sách…, cái nghề mà chỉ bằng ý chí, bằng sự cần cù, hay nghị lực chịu khó, chịu khổ… cũng không thể thoát nghèo. Vì thế ở các làng muối dường như không tồn tại, không có khái niệm làm giàu từ nghề truyền thống mà chỉ là đủ ăn, cố gắng không đói, không thiếu… và vẫn nghèo, nghèo mãi...
Nghề làm muối mỗi năm chỉ có 3 tháng chính vụ, đó là lúc trời nắng nhiều nhất, làm được nhiều muối nhất. Những tháng còn lại thì phải phụ thuộc vào thời tiết nên công việc cũng bấp bênh, thất thường phụ thuộc theo ông trời. Làm muối thu nhập được rất thấp, nhưng vốn đầu tư vào đó cũng không phải là ít. Theo tính toán cứ 3 năm sản xuất thì phải mất 1 năm bỏ tiền công vào tu sửa các ô muối, giếng nước và máng nước, phai, xe đẩy... Chưa kể đến các chi phí bỏ ra ban đầu. Rồi đến chuyện đóng thuế, nào là thuế ruộng, thuế thuỷ lợi...cũng rất tốn. Người dân An Hòa ước ao làm sao giá muối làm sao trở về như năm 2008, thu nhập bình quân của lao động làm muối đạt đỉnh cao gần 20 triệu đồng/năm. Nếu bỏ rẻ thì giá một cân muối ít nhất cũng được 900 đồng đến 1.000 đồng, thì mới mong cầm cự để bám trụ sản xuất lâu dài. Thế nhưng ước mong là ước mong, đều nằm ngoài ý muốn của người sản xuất.
Ngày qua ngày, trong nắng gay gắt, bỏng rát của mùa hè, người dân nơi đây phải “bán mặt cho muối, bán lưng cho trời” nhưng mỗi cân muối chỉ bán được với cái giá rẻ mạt. Đời sống nhân dân làm muối nói chung, ở Tân Thịnh, Tân Thắng nói riêng khó khăn đủ bề, bởi giá muối lên xuống thất thường, năm 2010 đã tụt dốc chỉ còn 500 đồng một kg muối, bằng 1/3 giá năm 2008 và bằng nửa giá muối năm 2009. Muối làm ra không bán được, mặc cho tư thương ép giá, cân đong thua thiệt đủ đường. Điện mất, nước sinh hoạt không đủ, các nhu yếu phẩm khác đều tăng giá, rồi tiền thuốc men chữa bệnh, học hành của con cái, tiền đóng góp các loại quỹ nhà nước, quỹ địa phương, đoàn thể … đủ các thứ đều nhìn từ hạt muối.
Từ năm 2001, Tân Thịnh xây dựng dự án sản xuất muối sạch với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng trong đó Nhà nước hỗ trợ 370 triệu đồng, mở ra hướng làm ăn mới, tưởng chừng như vận may đã đến. Đầu tư làm ra hạt muối sạch thì giá thành cao hơn nhưng lại chưa có một cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất, nhất là tiêu thụ sản phẩm. Giá cả thì trôi nổi phụ thuộc vào thương lái, sản phẩm làm ra dân tự giao thương là chủ yếu nên cơ cực đủ đường.
Một ngày không có muối, cơ thể con người sẽ mất cân bằng... |
Đổi mới đã mang lại nhiều quyền lợi cho nông dân. Nhưng ở Tân Thịnh, Tân Thắng… không mấy ai dám mơ tưởng tới BHXH nông dân – nguồn phúc lợi khi ở tuổi xế chiều. Bởi miếng ăn hàng ngày còn chưa được dư dả, lấy đâu ra làm của để dành. Hầu hết trẻ em sinh ra trong muối, lớn lên từ muối và rồi có lẽ chúng gắn kết cả đời mình trong vị mặn của muối. Dẫu biết rằng muốn thoát nghèo còn có con đường học tập. Nhưng đời cha mẹ làm muối vất vả, nghèo khó, lũ trẻ chưa nhớ hết bài học vừa xong đã phải bám đồng, đi nại làm muối.
Năm nay, Hoàng Văn Thắm lên 7 tuổi. Ở lứa tuổi chỉ biết ăn, biết học, biết chơi thì Thắm đã phải phơi nắng trên đồng giúp mẹ làm muối khi bố đi làm ăn xa. Dẫu những công việc phải làm là của 1 người đàn ông trưởng thành trên thân hình của 1 đứa trẻ, nhưng trong em là 1 ước mơ thật trong sáng: sẽ lớn lên từ hạt muối. Cả cuộc đời làm muối, ông Hoàng Văn Tuấn, ông nội của Thắm chưa bao giờ tích cóp đủ tiền để mua nổi 1 khuyên vàng tặng người vợ già. Nhưng ông không lấy làm buồn vì ông biết rõ: Dẫu không có vàng, 2 vợ chồng ông vẫn sống mạnh khỏe, nhưng một ngày không có muối, cơ thể con người sẽ mất cân bằng. Và sự sống lại luôn cần có muối. Phải chăng đó cũng là lý do mà ông Tuấn không muốn rời xa nghề làm ra hạt muối của mình dẫu còn đó biết bao điều chát mặn. Và Thắm - đứa cháu lên 7 của ông, liệu rồi đây ước mơ bé bỏng ấy có thành hiện thực? Hay mai này, Thắm lại cứ phải bước chân vào ô nại chằng buộc quẩn quanh với muối - cuộc đời một diêm dân như ông - miệt mài sớm khuya trên cánh đồng muối với ước ao một ngày nào đó hạt muối sẽ đem lại sự mặn mòi của biển, sự yên lành và no đủ như cái tên “An Hòa” mà người xưa kỳ vọng danh xưng cho mảnh đất này.
(Bài: Việt Anh; Ảnh: Trần Lan Anh)