Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, phát triển nhanh và bền vững

15:36, 12/09/2010
Cách đây 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, một cao trào cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1930-1931 đã diễn ra trên cả đất nước - mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Nghệ An là nơi diễn ra cuộc tổng diễn tập đầu tiên.
 
  

Một góc TP Vinh hôm nay

 

 
Mở đầu cho cao trào này là sự kiện Ngày quốc tế Lao động 1-5-1930. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ tỉnh Nghệ An, công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng hàng nghìn nông dân các vùng lân cận thị xã Vinh đã rầm rộ biểu tình thị uy phất cao cờ đỏ búa liềm, giơ cao khẩu hiệu đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố chính trị. Trên đà phát triển mạnh mẽ đó, ngày 1-8-1930 đã nổ ra cuộc tổng bãi công của công nhân các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy nhân Ngày quốc tế chống chiến tranh đế quốc. Tiếp đó, ở nông thôn nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ đã bùng ra: Ngày 30-8 ở Nam Ðàn, ngày 1-9 ở Thanh Chương, ngày 7-9 ở Can Lộc... phong trào lan rộng khắp Nghệ An và Hà Tĩnh.
 
Từ tháng 9-1930, phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ. Khẩu hiệu đấu tranh chính trị kết hợp với kinh tế, hình thức diễn ra đấu tranh quyết liệt, quần chúng vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy tiến công vào chính quyền địch ở các địa phương. Tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình ngày 12-9-1930 của hai vạn nông dân Hưng Nguyên kéo đến huyện lỵ đòi yêu sách. Trước khí thế cách mạng của quần chúng mạnh như nước vỡ bờ, thực dân Pháp đã dùng máy bay ném bom giết hại 217 người, làm bị thương 125 người. Hành động dã man đó đã đổ thêm dầu vào lửa, ngay tối hôm đó, một đoàn biểu tình khác đã kéo đến phá huyện lỵ Nam Ðàn, cắt dây điện tín và chống lại lính khố xanh.
 
Tiếp đó suốt hai tháng 9 và 10-1930 ở các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Hương Sơn... nông dân đã vũ trang khởi nghĩa, kéo đến đốt huyện lỵ, phá nhà giam, ga xe lửa... Công nhân Vinh - Bến Thủy bãi công suốt hai tháng để ủng hộ phong trào nông dân. Khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng đã làm cho bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến tay sai ở nhiều huyện tê liệt, tan rã. Trước thực tế đó, các tổ chức đảng ở địa phương đã lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý xã hội. Các Ban chấp hành Nông hội xã do các chi bộ Ðảng lãnh đạo đứng ra quản lý mọi mặt đời sống chính trị xã hội ở nông thôn, mặc nhiên làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô-viết. Lần đầu tiên nhân dân ta thật sự nắm chính quyền ở một số địa phương. Xô-viết đã tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của nó, đó là một chính quyền của dân, do dân và vì dân.
 
Là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Xô-viết Nghệ Tĩnh trước hết là sự hội tụ của ý chí kiên cường, bất khuất của người dân Nghệ Tĩnh. Ý chí đó được nhân lên gấp bội bằng sự lãnh đạo của Ðảng bộ và những đảng viên cộng sản hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Ý chí đó đã kết tinh thành bản chất, làm nên truyền thống, là tài sản tinh thần vô giá của chúng ta.
 
Phát huy truyền thống quê hương Xô-viết, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta, Nghệ An đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu qua các thời kỳ cách mạng. Với sự nỗ lực của Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, được sự chỉ đạo, động viên khích lệ và giúp đỡ của Ðảng và Nhà nước, Nghệ An đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong việc chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, phát triển nhanh và bền vững. Ðến nay, kinh tế tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng ngành nông nghiệp đạt 28,87%; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 33,47%; tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 37,66%; sản lượng lương thực hằng năm đạt hơn một triệu tấn. Thu ngân sách hằng năm tăng khá, dự ước năm 2010 đạt 4.700 đến 5.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng khá, hình thành nhiều khu công nghiệp và đô thị mới. Hiện nhiều nhà máy được xây dựng, đi vào sản xuất và phát huy tác dụng tốt, như: Nhà máy đường Nghệ An T&L, Xi-măng Hoàng Mai, Sữa Vinamilk, Dầu Tường An, Chè Ngọc Lâm, Anh Sơn, gạch Granit Trung Ðô, bao bì Sabeco, Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam, Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ An, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ... Và có nhiều nhà máy đang được xây dựng, như: Nhà máy sữa TH, Nhà máy Thủy điện Hủa Na, Nhà máy xi-măng Tân Thắng, xi-măng Ðô Lương, xi-măng Tân Kỳ, v.v. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch, thương mại, thông tin, vận tải... có bước phát triển khá.
 
Ðảng bộ và nhân dân Nghệ An đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để cải thiện, chăm lo đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 14 triệu đồng/người/năm. Số nhà ở của nhân dân được ngói hóa nhanh, cơ bản xóa xong nhà tạm cho bốn loại đối tượng chính sách, 97% số hộ được sử dụng điện chiếu sáng và xem truyền hình, giao thông đi lại thuận lợi. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã có bước phát triển vượt bậc. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ năm 1998, phổ cập giáo dục THCS năm 2006, có 552 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia. Số học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, nhiều năm là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Cùng với giáo dục, sự nghiệp y tế, văn hóa, thể dục - thể thao đạt được những kết quả quan trọng. Ðội ngũ y, bác sĩ được đào tạo và phát triển khá nhanh. Ðến nay, 85% số trạm y tế xã đã có bác sĩ, toàn tỉnh có 68,27% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế và 79% số dân được dùng nước sạch. Các dịch bệnh cơ bản đã được ngăn chặn có hiệu quả. Sức khỏe của nhân dân được chăm lo tốt hơn. Hoạt động văn hóa, thông tin có nhiều khởi sắc, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Truyền thống văn hóa xứ Nghệ được kế thừa và phát huy, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Hệ thống thông tin liên lạc được phủ sóng tận vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Các hoạt động văn học - nghệ thuật phát triển đúng hướng. Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Các chính sách xã hội được chăm lo ngày càng tốt hơn, mức sống của nhân dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.
 
Mặc dù đạt được kết quả quan trọng trên một số lĩnh vực, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nghệ An chưa tương xứng với một tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng, có tiềm năng về tài nguyên, nhân lực. Nghệ An vẫn là một tỉnh đang trong tình trạng nghèo. Thực trạng kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, đang là một thách thức lớn đối với Ðảng bộ và nhân dân Nghệ An. Ðể làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển nhanh và bền vững, Nghệ An cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, năng động, sáng tạo, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh và của từng vùng, khuyến khích thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong tỉnh, ngoài tỉnh và nguồn đầu tư nước ngoài nhằm tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quan tâm hơn đến các vùng đặc thù; xây dựng Ðảng bộ vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ðẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" sâu rộng, thiết thực vàhiệu quả.
 
VỚI thế và lực mới, phát huy truyền thống quê hương Xô-viết Anh hùng, Ðảng bộ và nhân dân Nghệ An kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nắm bắt và vận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo và kém phát triển và mau trở thành tỉnh khá của cả nước.
 
(Trần Văn Hằng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An)