Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Những người con của bản mường

14:41, 10/09/2010
Thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh BĐBP về việc tăng cường hiệu quả công tác BP trên 2 tuyến biên giới, từ năm 2003, BCH BĐBP Nghệ An đã thành lập các tổ đội công tác địa bàn tại những vùng trọng điểm khó khăn. Sau 7 năm triển khai hoạt động, các tổ đội công tác địa bàn thực sự đã khẳng định được vai trò của mình trong nhiệm vụ giúp đỡ chính quyền, nhân dân khu vực biên

 

Người Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) đã xem họ là một thành viên, một gia đình của bản làng. Người già, người trẻ ở bản Cò Phạt vẫn còn nhớ, chỉ cách đây chưa đầy 10 năm, dân Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng mỗi năm chỉ được ăn lúa một mùa. Vào độ giáp hạt, nhà nhà thiếu đói, dân Đan Lai phải ăn khoai, sắn thay cơm! Biết là đói khổ nhưng người Đan Lai không thể tự mình đứng lên được. Kiến thức khoa học thiếu, kinh nghiệm sản xuất không có, điều kiện địa hình, khí hậu vô cùng khắc nghiệt đã đẩy tộc người Đan Lai đi vào ngõ cụt, không lối thoát...

 

Cho đến một ngày, tổ đội công tác biên phòng Khe Khặng đã vào đây.

 

Người Đan Lai chỉ lờ mờ hiểu được rằng, bộ đội vào cắm bản là để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh  biên giới. Bởi thế, lâu lâu họ lại thấy bộ đội làm việc với ban quản lý bản, với cái chi bộ có 4 đảng viên của bản Cò Phạt. Thế rồi dân bản Cò Phạt lại thấy đêm nào cũng vậy, nhà tổ đội đỏ đèn đến tận khuya.

 

BĐBP giúp người Đan Lai trồng lúa nước

 

Và một điều lạ mà người Đan Lai nhìn thấy đầu tiên: Bộ đội cầm súng đã xuống ruộng cầm cày. Nhà bà La Thị Liễu là hộ đầu tiên ra sức cùng bộ đội biên phòng cày xới đám đất hoang ở ngay đầu bản. Đối với đồng bào Đan Lai, việc vận động họ từ bỏ tập tục phát nương làm rẫy bằng cách thức tuyên truyền suông là một điều khó có thể thực hiện. Chỉ có cách chứng minh cho họ thấy, trồng lúa nước năng suất cao hơn lúa rẫy, nuôi nhốt gia súc sẽ hiệu quả kinh tế hơn nuôi thả trong rừng… bằng việc làm cụ thể. Như vậy, họ mới thay đổi dần được tập quán canh tác, chăn nuôi của mình. Vụ mùa năm ấy, người Đan Lai ở Cò Phạt đã được nhìn thấy hạt gạo từ cây lúa nước. Tổ đội công tác đã đem giống lúa của người Kinh vào đây để gieo trồng thử. Để trồng được cây lúa nước ở vùng này, bộ đội vất vả lắm. Chưa nói chuyện phá đá, mở đất thì việc dẫn nước về ruộng cũng là một thách thức. Vậy mà bộ đội làm được. Người Đan Lai cứ ngỡ bộ đội ăn cơm gạo của nhà nước thì không biết làm nông nghiệp, nhưng quả tình “khuyến nông viên bộ đội” làm việc gì cũng giỏi. Năm ấy, nhà bà Liễu không thiếu đói nữa.

 

Một hộ, hai hộ, rồi ba, bốn... Các hộ dân ở Cò Phạt bắt đầu tìm đến với anh em trong tổ công tác để được giúp đỡ. Chẳng ai có nguyện vọng mà bộ đội không giúp cả. Bám bản, gần dân, cần mẫn và đầy trách nhiệm, anh em trong tổ công tác đã thực sự trở thành những khuyến nông viên trên địa bàn đứng chân. Người dân chưa nhận thức rõ hiệu quả của việc trồng lúa nước, các anh vận động bằng cách chỉ cho họ thấy những mô hình đã thành công. Ai muốn tham gia làm thử, các anh hướng dẫn chi ly từ khâu chọn giống, bắc mạ đến khâu gieo cấy, chăm bón, thu hoạch. Diện tích lúa nước của bản Cò Phạt đã tăng lên nhanh chóng. Toàn bản đã trồng được hơn 8 hécta. Đây là một kỳ tích mà chỉ có quân - dân ở bản Cò Phạt mới đạt được.

 

Ban ngày, bộ đội xuống ruộng cùng bà con dân bản, đêm đến, các anh lại cùng mọi người quây quần để bàn định, trao đổi về những kế hoạch sản xuất làm sao thu được hiệu quả cao. Bây giờ thì ai ở trong bản cũng đã có thể hiểu được rằng: bộ đội về đây không đơn thuần là làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biên. Họ về là để gây dựng một cuộc sống mới của người Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng. Và các anh đã trở thành những người con thực sự của dân Đan Lai.

 

Các anh còn đem con chữ đến cho các em nhỏ Đan Lai

 

Người Đan Lai đã trìu mến gọi anh em trong tổ công tác bằng cái họ của dòng tộc mình: anh La Vinh tổ trưởng,  Anh La Kiên y sĩ, anh La Yến thợ mộc... Họ chẳng gọi các anh là bộ đội nữa, bởi họ thấy bộ đội cũng là dân. Dân làm việc gì, cần việc gì bộ đội đều giúp. Thế nên những ngôi nhà mới khang trang hơn đã mọc thêm ở bản Cò Phạt, thế nên diện tích ruộng vườn đã tăng nhanh một cách đáng kể, rồi đường làng ngõ xóm, tất cả mọi thứ đều đổi thay nhờ bàn tay của tổ công tác Khe Khặng.

 

Ở tận vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, người Đan Lai đã biết đem con trâu, con bò từ rừng về để nuôi nhốt. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng kinh tế hàng hóa đã bắt đầu được phát triển; ngoài ra, nhân dân đã tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp khoa học nhờ vai trò của những khuyến nông viên mang quân hàm xanh. Tập quán canh tác, sản xuất của đồng bào Đan Lai ở Cò Phạt đã thay đổi rất nhiều. Đó là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ tổ công tác biên phòng Khe Khặng.

 

“Cầm tay chỉ việc”, bộ đội biên phòng đã lăn lộn cùng nhân dân, đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền điạ phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Sau hơn 7 năm bám trụ ở thượng nguồn Khe Khặng, tổ công tác địa bàn đã xây dựng được những mô hình điểm phát triển kinh tế, họ là những hạt nhân tiêu biểu của người Đan Lai để làm gương cho bà con nhân dân noi theo. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Cò Phạt, các tổ chức hội được thành lập đã phát động một phong trào thi đua sản xuất giỏi trong nhân dân. 10 hộ gia đình trong tổng số 84 hộ dân ở bản Cò Phạt đã tiến hành phát triển kinh tế VAC cho hiệu quả cao, với thu nhập gần 50 triệu đồng / năm. Gia đình bà La Thị Duyệt là một ví dụ. Khi chưa có tổ đội về đây, vợ chồng bà Duyệt suốt ngày phải vào rừng săn bắn kiếm cái ăn, đói khổ lắm. Bộ đội về, gia đình bà Duyệt như được tiếp thêm sức mạnh để chống chọi với đói nghèo. Thế rồi, ruộng vườn, ao cá, số lượng gia súc, gia cầm của hộ bà Duyệt đã tăng lên một cách đáng kể. Bây giờ, nhà bà Duyệt đỡ vất vả nhiều lắm rồi.

 

Người Đan Lai sinh sống tận vùng thượng nguồn sông Giăng nên cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám họ. Tổ đội công tác về đây là để diệt giặc đói, tuy nhiên, họ không chỉ làm vậy. Dân bản đã được bộ đội tuyên truyền, diệt giặc đói cũng có nghĩa là phải diệt giặc dốt. Bộ đội diệt giặc dốt bằng cách vận động người già, người trẻ học lớp xóa mù, giúp đỡ các em học sinh học lực yếu cố gắng vươn lên. Dân bản Cò Phạt đã thấy, biên phòng cũng làm được thầy giáo. Thầy giáo biên phòng còn tận tình đến tận từng gia đình học sinh để bày con chữ cho các em. Thế hệ sau của người Đan Lai đã có cơ hội để vươn lên.

 

Biên phòng làm ruộng, biên phòng làm thợ mộc, làm thầy giáo, rồi biên phòng lại làm bác sĩ. Dạo trước, dân Đan Lai ốm thì chỉ biết ăn lá rừng, uống nước suối. Có khi, bệnh cũng khỏi nhưng lại có người bệnh nặng thêm. Quân y La Kiên không làm việc ấy. Anh chăm sóc cho người già, người trẻ trong bản bằng phương pháp của bộ đội. Dân bản thấy, uống thuốc của anh, nghe hướng dẫn chữa bệnh của anh thì ai cũng nhanh lành bệnh hơn. Người Đan Lai đã tìm đến quân y bộ đội lúc ốm, lúc đau. Họ cũng nhận thấy rằng, chữa bệnh phải chữa bằng khoa học, như biên phòng làm.

 

Nhiều việc lắm! Chẳng việc gì không đến tay bộ đội. Nhưng cán bộ, đảng viên và dân Đan Lai bây giờ đã nhận thức được rằng: bộ đội về đây không phải là để làm thay dân, họ chỉ giúp đỡ người Đan Lai thiếu cái gì, yếu cái gì thì anh em trong tổ công tác Khe Khặng đều có mặt. Có bộ đội giúp rồi, dân sẽ tiếp tục làm, tiếp tục xây dựng gia đình, bản làng Cò Phạt ngày một tiến bộ, phát triển. Quả là phát triển nhiều, nhiều đến mức ai đó có dịp đến thăm tộc người Đan Lai cách đây 7 năm bây giờ quay lại sẽ không còn nhận bản làng của ngày trước nữa. Người Đan Lai đã có lúa nước, có trâu bò, gà lợn, có nhà của khang trang, có con chữ, và quan trọng hơn cả là có một nhận thức xây dựng cuộc sống mới.

 

Bây giờ, có lẽ lo lắng lớn nhất của người Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng là bộ đội biên phòng ra đi, đến với các địa bàn khác. Các anh mà đi thật, người Đan Lai ở lại cũng đã biết trồng lúa, nuôi trâu bò, biết làm ăn, phát triển kinh tế, nhưng họ sẽ không biết tìm đâu ra hình ảnh của anh La Vinh tổ trưởng, anh La Kiên quân y, anh La Yến thợ Mộc... tất cả anh em trong tổ đội công tác. Người Đan Lai ở Cò Phạt sẽ nhớ các anh. Ngày trước, người Đan Lai có tập tục ngủ trên cây. Tìm được gốc cây cổ thụ, dân Đan Lai sẽ ngả lưng trên cây để nằm. Bây giờ, tập tục ấy không còn nhưng người già ở bản Cò Phạt vẫn nhắc và vẫn nói: tổ đội biên phòng Khe Khặng giống như gốc cây cổ thụ ngày xưa.

 

(Ngọc Dũng - Hải Thượng)