Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nơi tạo nguồn sức mạnh

15:41, 18/11/2010
80 năm qua, cùng với quá trình đổi mới, đi lên của tỉnh nhà, MTTQ các cấp trong tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và xây dựng cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận trong nhận thức, tư duy và hành động, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và

 

Tháng 5 năm 2009, Đại hội đại biểu lần thứ XII MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã đề ra những phương hướng nhiệm vụ mới nhằm phát huy một cách tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Trên cơ sở đó, MTTQ tỉnh Nghệ An đã không ngừng củng cố, tăng cường và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân mà nền tảng là khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức. Đây là động lực quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.

 

Có muôn vàn khó khăn, thách thức khi bước vào thời kỳ hội nhập nhưng thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết một lòng, phát huy nội lực, tiến những bước vững chắc để đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đẩy mạnh, bộ mặt thành thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên. Quốc phòng an ninh được đảm bảo. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp được nâng cao, công tác xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ. Đây là những thành quả của sự kết hợp ý Đảng, lòng dân; của sức mạnh to lớn từ khối đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận xã hội.

 

Thời gian qua nhiều chủ trương, chính sách, dự án lớn đã được triển khai thực hiện trên toàn tỉnh Nghệ An. Hàng loạt các khu công nghiệp được quy hoạch xây dựng, nhiều công trình trọng điểm của quốc gia cũng đã được nhà nước chọn Nghệ An để thực hiện. Để triển khai các đề án này, việc tất yếu là phải tiến hành di dời dân cư, đền bù giải phóng mặt bằng. Đây là khâu vốn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong xã hội mà không ít địa phương trong cả nước gặp khó khăn khi giải quyết. Vậy mà cho đến hôm nay, phần lớn các công trình, dự án lớn được trển khai trên đất Nghệ An đều đảm bảo tiến độ về mặt thời gian. Các vấn đề xã hội sau tái định cư cho nhân dân về cơ bản được thực hiện chu đáo. Thủy điện Bản Vẽ là một ví dụ điển hình trong vấn đề này. Để bàn giao mặt bằng xây dựng công trình này đã có trên 2.800 hộ với hơn 13.000 nhân khẩu của 8 xã thuộc huyện Tương Dương phải di dời đến nơi ở mới. Cho đến nay, nhân dân đã ổn định đời sống nơi vùng đất mới. Thực hiện được khối lượng công việc đò sộ này có sự vào cuộc tích cực của MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở khi trực tiếp tham gia vận động tuyên truyền và giám sát các chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với nhân dân.

 

Người dân vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ đã về nơi ở mới khang trang, sạch đẹp hơn.

 

Đến xóm miền núi Cột Cờ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ mới thấy hết sự đổi thay của một vùng quê. Đã qua rồi cái thuở người dân xóm Cột cờ chỉ quen với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Làng bây giờ đã có thêm nhiều nghề mới cho thu nhập cao. Hộ thì chăn nuôi, có hộ lại phát triển theo hướng dịch vụ, người làm thợ xây, người thì trồng rừng… Nhà cửa, đường làng ngõ xóm giờ đã khang trang hơn. Cuộc sống người dân đã khá giả lên nhiều, nhưng điều đáng quý ở xóm Cột Cờ này là tình làng nghĩa xóm không vì thế mà nhạt đi. Chính 5 tổ liên gia tự quản được thành lập đã gần 6 năm nay là chất keo gắn bó tình làng nghĩa xóm, tạo công ăn việc làm, giúp đỡ nhau trong mọi việc - Ông Lê Trí Hồng, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm Cột Cờ khẳng định.

 

Nhờ triển khai sâu rộng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực nên cho đến năm 2010, toàn tỉnh Nghệ An có 50% khu dân cư đạt tiên tiến; 80% gia đình đạt gia đình văn hóa; khu dân cứ có hương ước, quy ước cộng đồng đạt 98%, Khu dân cư văn hoá, làng văn hóa đạt 61%.

 

Cán bộ MTTQ huyện Quế Phong thăm hỏi, động viên và tuyên truyền chính sách đến từng gia đình

 

Trong suốt chiều dài 80 năm, dưới sự tập hợp của UBMTTQ, các thành viên của mặt trận ở tất cả các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch mở rộng và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua hướng vào mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội, góp phần củng cố hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, Chính quyền vững mạnh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo đồng thuận trong xã hội. Điển hình là các chương trình thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Công đoàn, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng của Hội Nông dân; “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, “Sáng tạo trẻ” của Đoàn Thanh niên; “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực xóa đói giảm nghèo” của Hội liên hiệp thanh niên; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội liên hiệp phụ nữ; phong trào “Đơn vị vững mạnh toàn diện” của Quân đội, hay “Xây dựng xã hội học tập” của Hội khuyến học… đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, ngày càng có chiều sâu, có tác động trực tiếp đến từng người dân.

 

Trong những năm qua, UBMTTQ các cấp ở Nghệ An cũng đã phối hợp tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh cuộc vận động “Cảm hóa giáo dục giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư”, phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội. Trong đó, việc nâng cao chất lượng phong trào “Làm nhiều việc tốt” của già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng nhiều dòng họ tiêu biểu trong bảo vệ an ninh tổ quốc đã được thực hiện có hiệu quả. Dòng họ Sầm ở Na Pú, xã Mường Nọc huyện Quế phong vẫn tự hào vì con cháu của mình tuy sống giữa địa bàn vốn phức tạp về tệ nạn xã hội và ma túy nhưng vẫn giữ gìn được truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Những buổi họp họ là những lần đánh giá ưu, khuyết điểm của từng gia đình, thành viên trong dòng họ.

 

Về xã Nam Cát, Nam Đàn hôm nay mới cảm nhận rõ sự đổi thay mạnh mẽ của nông thôn Nghệ An trong thời kỳ mới. Cả một vùng quê chiêm trũng, chưa mưa đường đã ngập bùn vậy mà giờ đây đến đường nội đồng, đường ra nghĩa trang cũng đã được bê tông hóa. 12/12 xóm trong xã đều đã có nhà văn hóa cộng đồng khang trang, trong đó 10 đơn vị đã được công nhận là đơn vị văn hóa. Điều đáng quý là thành tích này đều do nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng nên. Để làm được điều này, vai trò của MTTQ xã là cực kỳ quan trọng.

 

Trong 10 năm trở lại đây, “Quỹ vì người nghèo” của MTTQ Nghệ An đã huy động được tổng giá trị 227 tỷ đồng; sửa và làm mới 21.500 ngôi nhà cho hộ nghèo. Đồng thời hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo có vốn sản xuất, học hành, chữa bệnh… Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc người có công với nước, thực hiện chính sách hậu phương quân đội cũng được duy trì và thực hiện tốt trong thời gian qua.

 

Đặc biệt trong đợt lũ lớn vừa qua, MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã trở thành một địa chỉ tin cậy, là nơi tiếp nhận tiền và hàng cứu trợ từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ nhân dân vùng bị ngập lụt ở Nghệ An. Tính đến hôm nay MTTQ tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận được gần 40 tỷ đồng gồm tiền mặt và hàng cứu trợ. Số tiền và hàng này đã được MTTQ các cấp nhanh chóng đưa về các địa phương, phát tận tay cho người dân, động viên chia sẻ với nhân dân, giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

 

Có thể nói, dấu ấn mà MTTQ các cấp ở Nghệ An để lại trong suốt 80 năm xây dựng và trưởng thành là thật sự rõ nét. Đó là việc phát huy tốt vai trò quyền làm chủ của nhân dân, động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương. Những sự kiện nổi bật trong thời gian qua như: Bầu cử HĐND, Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 12 đã được tổ chức thành công. Thông qua kênh Mặt trận, các ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải  quyết kịp thời. Niềm tin của nhân dân đối với MTTQ còn thể hiện thông qua kết quả hoạt động giám sát trên các lĩnh vực và hiệu lực của những đợt lấy phiếu tín nhiệm tại cơ sở.

 

Có thể nói, để đưa Nghệ An thoát khỏi danh sách các tỉnh nghèo của cả nước, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp các ngành, thì MTTQ tỉnh Nghệ An phải thực hiện tốt nhất các nội dụng mà Đại hội XII đã đề ra. Bên cạnh việc sự đổi mới trong phương thức hoạt động, mở rộng các hoạt động đối ngoại với nhân dân, tăng cường đoàn kết quốc tế trong xu thế đất nước hội nhập thì vai trò Mặt trận sẽ phải thể hiện rõ trong việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước.

 

Từ  những thành quả quan trọng đã đạt được, Mặt trận tổ quốc Việt nam tỉnh Nghệ An đã khẳng định được vị thế cũng như vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế ổn định xã hội trong suốt chiều dài 80 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời MTTQ và các thành viên sẽ là cầu nối quan trọng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, cùng hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, góp phần xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ.

 

(Khánh Ly)