Tam Hợp - xã điểm vùng biên
Những năm trước, đồng bào nơi đây hằng ngày phải đối diện với khó khăn, đói nghèo, lạc hậu, bệnh tật cùng sự xâm nhập vượt biên, lợi dụng lòng tin của nhân dân để tiếp tay cho bọn phỉ. Từ năm 1998 đến 2004 trên địa bàn xã Tam Hợp bọn phỉ bên kia biên giới thường xuyên câu móc với một số đối tượng ở trong địa bàn để tiếp tế, trao đổi hàng hoá, lương thực và vũ khí cho chúng, đồng thời lôi kéo một bộ phận đồng bào di cư trái pháp luật sang Lào; gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đa số đồng bào người Mông nơi đây đang phải sinh hoạt trong điều kiện hết sức khó khăn, không điện, không đường, không chợ, sản xuất manh mún, tự phát, tỷ lệ đói nghèo cao, hầu hết các hộ đồng bào sống trong nhà tranh tre, tạm bợ. Cán bộ của bản vừa thiếu, lại vừa yếu, các tổ chức đảng, đòan thể hoạt động cầm chừng, trì trệ kéo dài. có thời điểm trống tổ đội, trắng hội viên, các thiết chế văn hóa, hạ tầng chưa xây dựng đồng bộ, hoạt động không hiệu quả. Xét về vị trí địa lý và tình hình an ninh chính trị, Tam Hợp là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh, đồng thời là vùng có tiềm năng phát triển kinh tế, giao lưu, trao đổi hàng hóa với khu kinh tế quốc phòng của nước bạn Lào.
Lãnh đạo tỉnh và BĐBP Nghệ An thăm hỏi bà con dân tộc Mông xã Tam Hợp (Ảnh: Lan Anh) |
Trước những đặc điểm tình hình nói trên, tại kết luận số 10 KL-TU ngày 15 tháng 12 năm 2006 về việc củng cố cơ sở chính trị vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Nghệ An giao Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An và huyện Tương Dương, phối hợp với các ngành xây dựng xã Tam Hợp làm điểm về củng cố cơ sở chính trị gắn phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng để rút kinh nghiệm trong xây dựng các xã biên giới phía tây Nghệ An. Trong đó cán bộ chiến sỹ đồn 551 là lực lượng trực tiếp thực hiện đề án này.
Xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở được ban chỉ đạo xác định là nội dung trọng tâm trong triển khai thực hiện đề án. Trọng tâm là xây dựng củng cố các tổ chức đảng - Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh đã lựa chọn cán bộ, đảng viên Biên phòng có phẩm chất đạo đức, có năng lực trình độ công tác có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào thiểu số tăng cường giữ chức danh Phó bí thư đảng uỷ xã và tham gia sinh hoạt tạm thời tại chi bộ của 4 bản trên địa bàn theo thông báo 1002 của tỉnh ủy Nghệ An, trong đó 1 đồng chí giữ chức danh bí thư. Huyện ủy Tương Dương cử cán bộ chuyên môn về giúp xã, Đảng bộ xã Tam Hợp cử các đảng viên về trực tiếp cùng cán bộ biên phòng sinh hoạt tại các chi bộ bản. Nhờ vậy mà những năm qua các cấp uỷ đảng, đoàn thể đã ra được Nghị quyết lãnh đạo, các kế hoạch chương trình hành động sát thực, chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trên giao. Có thể nói, đây là lực lượng đóng vai trò cầu nối, thắt chặt tình đoàn kết để thực hiện có hiệu quả đề án. Họ là những người “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ít người. Khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trông chờ ỷ lại, xoá được các thôn, bản trắng không có đảng viên, không còn chi bộ sinh hoạt ghép, thành lập mới được 4 chi bộ, kết nạp 37 đảng viên mới và kết nạp 32 đoàn viên mới trong địa bàn toàn xã.
Thông qua những việc làm cụ thể của những người trực tiếp thực thi đề án, mối quan hệ đoàn kết giữa cán bộ chiến sỹ BĐBP và đồng bào các dân tộc ngày càng được củng cố. Người Mông ở Huồi Sơn sẽ không bao giờ quên được người con của bản mang tên Vừ Bá Tủa - cái tên mà già làng đã đặt cho thượng úy Nguyễn Cảnh Hà, đội trinh sát đồn BP 551. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Cảnh Hà đã dành trọn 13 năm để gắn bó với đồng bào nơi đây. Vui buồn, sướng khổ anh đều nếm trải. Anh trở thành thành viên chính thức của bản Huồi Sơn từ những việc làm mang ân tình cá nước, quân dân. Những việc nhỏ nhất từ cây kim, sợi chỉ đến việc lớn như vận động bà con nhân dân khai hoang ruộng lúa nước, không di cư tự do, không buôn bán trao đổi hàng hoá với các đối tượng bên kia biên giới đều có công của anh.
Để thực hiện các nội dung xây dựng xã Tam Hợp đảm bảo theo kế hoạch. Bộ chỉ huy biên phòng Nghệ An thống nhất với huyện Tương Dương chọn bản Huổi Sơn làm điểm để nhân rộng ra các bản trong toàn xã. Ban chỉ đạo thống nhất biên chế 02 tổ công tác địa bàn, tăng cường lực lượng 02 đợt chiến sỹ mới của tiểu đoàn huấn luyện lên làm công tác dã ngoại, giúp dân. Làm được 4km đường giao thông từ trục đường chính Tam Thái - Tam Hợp vào bản Huồi Sơn và đến khu vực phát triển lúa nước của bản cũng vừa là đường giao thông của bản Huồi Sơn ra với cộng đồng dân cư trung tâm xã Tam Hợp, niềm mơ ước bao đời của người dân nơi đây; khai hoang phục hóa làm mới được 10ha diện tích trồng cây lúa nước, đào 13 ao thả cá và cấp 7 triệu con cá giống cho các hộ gia đình phát triển chăn nuôi cá.
Hội nghị sơ kết xây dựng xã điểm Tam Hợp (Ảnh: Lan Anh) |
Để đồng bào vùng cao từ bỏ dần tập tục du canh, du cư, cán bộ, chiến sỹ đồn 551 và xã Tam Hợp đã tích cực vận động nhân dân canh tác định canh, giúp đỡ phát triển sản xuất kinh tế theo hướng hàng hóa. Đối với đồng bào Mông, cách vận động hiệu quả nhất là phải làm cho họ thấy. Cách làm của tổ công tác Huồi Sơn rất hay: họ chọn những người có uy tín trong bản và tập trung giúp đỡ, xây dựng mô hình kinh tế điểm. Sau đó nhân rộng ra trên địa bàn toàn xã. Thành công của các hộ gia đình này là niềm tin, động lực để nhân dân trong bản làm theo. Bắt đầu từ một ao cá, một chuồng bò, một thửa ruộng lúa nước lúc đầu nhưng bây giờ, những con số ấy đã tăng lên hàng chục lần. Cứ ai có nhu cầu, lực lượng biên phòng đều tập trung giúp đỡ, làm cho kỳ được mới thôi. Nhân dân tin tưởng ở bộ đội, vậy là họ quyết tâm bám bản, bám làng, không sống du canh, du cư như trước nữa.
Ban chỉ đạo thực hiện đề án và huyện Tương Dương tranh thủ các nguồn vốn đầu tư làm được 1 đập thuỷ lợi, 400m hệ thống kênh mương dẫn nước trị giá một tỷ năm trăm triệu đồng, 01 dự án cung cấp điện cho cụm dân cư xã Tam Hợp và đồn Biên phòng 551 đã hoàn thành 85% công việc. Nâng cấp đường Tam Thái Tam Hợp lưu thông với Bạn Lào. Vận động đoàn viên thanh niên BĐBP đóng góp hỗ trợ 04 máy tuốt lúa cho nhân dân, giúp 2 gia đình vay vốn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tặng quần áo, sách vở, xe đạp và các đồ dùng học tập cho các em học sinh nghèo hiếu học, vượt khó trên địa bàn toàn xã.
Để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, Bộ chỉ huy biên phòng Nghệ An đã triển khai xây dựng một trạm xá quân dân y kết hợp tại bản Huồi Sơn để khám, chữa bệnh cho người dân trong địa bàn, trạm được biên chế 01 y tá thường xuyên trực sắn sàng khám chữa bệnh cho người dân khi có yêu cầu.
Trước đây, gia đình anh Xồng Vả Xềnh, bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương thuộc diện nghèo đói nhất bản. Hai vợ chồng bám rừng, làm lụng vất vả quanh năm vẫn chưa đủ ăn, đủ mặc. Năm 2007, được sự tư vấn, giúp đỡ của bộ đội biên phòng, đặc biệt là lực lượng cán bộ cắm bản, Xồng Vả Xềnh quyết định chuyển hướng làm ăn. Thay cho việc kiếm sống bằng nghề rừng, Vả Xềnh đã đào ao thả cá, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, tham gia trồng lúa nước 2 vụ. Cuộc sống của gia đình anh nhờ vậy khác trước rất nhiều.
Bên cạnh việc giúp đỡ từng hộ gia đình phát triển kinh tế, lực lượng biên phòng và huyện Tương Dương còn tổ chức xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho nhân dân xã vùng biên Tam Hợp. Những con đường đẫm mồ hôi, sức lao động của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và nhân dân xã Tam Hợp dần trải dài đến tận từng bản làng. Huồi Sơn, Phà Lõm, Văng Môn, Bản Phồng đến bây giờ, tại các bản làng vùng cao này, xe ô tô đã có thể vào đến tận nơi, hàng hóa thông thương, đời sống nhân dân được cải thiện.
Thành công trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa bàn Tam Hợp là tiền đề tạo nên sự ổn định về mặt an ninh, chính trị vùng biên. Rõ ràng, khi điều kiện sống đã đỡ vất vả hơn trước, nhân dân không phải vì khổ mà phạm pháp nữa, họ tập trung làm ăn lương thiện. Chính vì vậy, tình trạng di cư trái phép, trồng cây thuốc phiện, hoạt động móc nối với các thế lực thù địch đã không còn xảy ra trên địa bàn Tam Hợp.
Duy trì có hiệu quả hoạt động của lực lượng công an, quân sự địa phương, các tổ tự quản an ninh trật tự, tự quản đường biên cột mốc, phối hợp thực hiện tốt công tác tuần tra kiểm soát và xử lý kịp thời người, phương tiện hoạt động ra vào khu vực biên giới.
Bên cạnh việc giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đề án xây dựng xã điểm còn chú trọng đối với vấn đề phát triển giáo dục trên địa bàn. Trẻ em vùng cao ít có được điều kiện học hành như học sinh ở miền xuôi. Bởi thế, tình trạng mù chữ là khá phổ biến. Tuy nhiên, để góp phần đưa ánh sáng của tri thức lên miền biên cương, bộ đội BP đã thường xuyên, quan tâm, động viên các cháu học sinh và gia đình phải quan tâm đến việc học hành. Những món quà nhỏ của các chú bộ đội là nguồn động viên quý báu đối với các em học sinh ở Tam Hợp. Lớp học xóa mù chữ cũng ra đời từ đây. Sự phối hợp của lực lượng biên phòng đối với ngành giáo dục đã góp phần làm giảm dần tỷ lệ trẻ em không biết chữ.
Thực hiện chủ trương xóa nhà tranh tre nứa lá, ổn định nơi ăn ở lâu dài cho nhân dân; Hưởng ứng đợt vận động ''Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo'' do ban thường trực UBTWMTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ tư lệnh BĐBP và Báo quân đội nhân dân phát động xây dựng nhà đại đoàn kết cho đồng bào nghèo khu vực biên giới. Đây chính là dịp để tri ân đồng bào các dân tộc trong thời gian qua đã đồng hành, giúp đỡ BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Bằng nguồn vốn quỹ người nghèo của tỉnh và các huyện thành thị, cơ quan doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và tự nguyện ủng hộ mỗi người 2 ngày lương của cán bộ chiến sỹ và lồng ghép nguồn kinh phí của huyện Tương Dương cùng công sức của cán bộ, chiến sỹ biên phòng kết hợp các gia đình dòng họ hỗ trợ thêm, đã xây dựng 67 nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội, nhà tình nghĩa; và 3 công trình dân sinh phục vụ sinh hoạt của người dân trong xã Tam Hợp. Riêng bản Hồi Sơn có 47/47 hộ gia đình được làm nhà đại đoàn kết, được cấp chăn màn mới, xây dựng 01 cầu bê tông qua bản để người dân thuận lợi trong đi lại và trẻ em đến trường khi có mưa lũ thác nguồn đổ về; góp phần đưa Huồi Sơn từ một bản thuộc diện khó khăn nhất trong tỉnh đã trở thành bản làng mới điển hình của người Mông trên biên giới.
Trong tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa vùng đồng bào các dân tộc ít người còn nhiều khó khăn như hiện nay thì đề án “xây dựng xã điểm vùng biên” có ý nghĩa hết sức quan trọng. Được biết, trong tương lai không xa, mô hình xã điểm Tam Hợp sẽ được tỉnh ủy Nghệ An nhân rộng trên khắp các địa bàn vùng biên. Đây là một trong những dự án quan trọng và có ý nghĩa đối với vấn đề xóa đói, giảm nghèo ở các địa bàn biên giới. Bởi vậy, sự góp sức, chung tay của các cơ quan ban ngành là điều rất cần thiết.
Ba năm là quãng thời gian không dài đối với đề án xây dựng xã điểm Tam Hợp nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Kết quả tuy chưa nhiều nhưng đã căn bản làm chuyển nhận thức cho tâng lớp nhân dân, Hệ thống chính trị đã được củng cố, hoạt động của các tổ chức đảng, quần chúng đi vào nề nếp, kinh tế văn hóa, xã hội được cải thiện, đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng an ninh được giữ vững. Cơ sở hạ tầng như trường học, trạm xá, nhà văn hóa cộng đồng của xã và các thôn bản được đầu tư xây dựng kiên cố hóa, hệ thống đường giao thông được tu sửa mới ô tô đi vào tới được các bản, các kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu hệ thống đường dẫn ống nước sạch sử dụng được khắc phục. Số lượng nhà tranh tre, tạm bợ, số hộ nghèo giảm, công tác ý tế chăm lo sức khỏe cho người dân được quan tâm, đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện, mối quan hệ đoàn kết trong nhân dân được củng cố và kiện toàn. Công tác quốc phòng an ninh, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp thực hiện; góp phần củng cố thế trận lòng dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Đó là tiền đề để BĐBP Nghệ An và nhân dân các bản làng thắt chặt mối tình quân dân - cá nước, sát cánh bên nhau để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
(Ngọc Dũng)