Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thắng địa Lam Thành

10:03, 17/12/2010
Theo dòng lịch sử, các triều đại phong kiến nước ta đều lấy núi Thành làm căn cứ tiền tiêu để chống giặc ngoại xâm và các triều đại phong kiến phương bắc khi đô hộ nước ta cũng lấy núi này làm căn cứ phòng thủ chống lại các cuộc tấn công của quan quân các triều đại phong kiến và các cuộc khởỉ nghĩ của nhân dân ta.

 

Phần I: Có một Lam Thành

 

Theo “Nghệ An ký”, từ bao đời nay, Lam Thành được coi là thắng địa... “Phía dưới núi có sông Lam chảy quanh, và có sông La, sông Minh chảy vào... Lên núi trông xa thì thấy phía tây có núi Hùng Lĩnh, núi Đại Huệ, phía bắc có núi Đại Hải núi La Nham, phía nam có núi Thiên Nhẫn núi Hồng Lĩnh, phía đông có núi Kim Nguyên và núi Dũng Quyết, đều chầu về núi này. Nước sông trong sạch, cây cối tốt tươi, phố gần thôn xa, phong cảnh như vẽ, thật là một nơi danh thắng ở xứ Nghệ An”.

 

Núi Hùng Sơn đứng bên tả ngạn sông Lam, trên địa phận các xã Nghĩa Liệt, Phú Điền, nay là các xã Hưng Lam, Hưng Phú, Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. Ít thấy ngọn núi nào lại có nhiều tên gọi như ngọn núi này. Xưa dân gian gọi là rú Rum, trước có tài liệu phiên âm là Dung sơn. Nhưng các văn bản khác đều phiên âm Rum là Lam. Rú Rum - Lam sơn - nhưng do trên núi có ngôi thành cổ nên gọi là núi Lam Thành, hoặc núi Thành. Núi Lam Thành còn có một tên nôm khác là rú Sét, vì một phần núi nằm trên đất Kẻ Sét, rồi còn tên  núi Nghĩa Liệt bởi núi nằm trên đất Nghiã Liệt xưa. Núi còn có tên Tuyên Nghĩa sơn vì dưới núi có miếu Tuyên Nghĩa thờ Thái Phúc, tướng nhà Minh giữ thành Nghệ An ra hàng nghĩa quân Lam Sơn, trở về bị vua Minh giết, nên vua Lê Thái tổ phong tước, cho lập miếu thờ.

 

Thanh đá trên núi Lam Thành

 

Theo dân gian truyền lại, thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, núi Lam Thành còn dấu tích đau lòng của người Việt. Khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện cho quân truy sát tàn binh của Hai Bà đến biên giới cực nam của Giao Chỉ và cho dựng cột đồng trên núi nên núi còn được gọi là Đồng Trụ sơn. trên cột đồng Mã Viện cho khắc câu "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" nhằm răn đe sự nổi dậy của người Việt và cũng là để đánh dấu biên giới đô hộ phía cực nam của nhà Hán.

 

Đầu triều nhà Lý, Nghệ An là vùng biên viễn của Đại Việt, các đời vua đều quan tâm đến vùng đất này. Vua cha Lý Thái Tông cho Uy Minh Vương Lý Nhật Quang về đây chiêu dụ thân dân khai đât lập làng, xây dựng nhiều đồn trại, đồn binh, trong đó núi Hùng Sơn là một trong những đồn binh lớn, vừa để trấn giữ toàn bộ phần hạ lưu sông Lam, vừa để làm chỗ lưu quân khi vua điều binh tiến đánh Chiêm Thành. Sách Nghệ An cổ tích lục có ghi: “Về triều Lý, các vua vào nam đánh giặc, thường đóng quân tại đây”.

 

Theo truyền thuyết, đỉnh núi - nơi chôn "đồng trụ" của Mã Viện ở Hưng Nguyên 

 

Đời nhà Trần, vùng Nghệ Tĩnh cũng được chú ý đặc biệt, nhiều tướng giỏi được cử về đây trấn giữ. Năm 1228, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, thống lĩnh thủy binh, kéo dài suốt từ Thanh hoá đến cửa Sót Quảng Trị; Thượng Tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải thống lĩnh bộ binh vùng Nghệ Tĩnh, Trần Quang khải cho dựng nhiều đồn binh trong đó có đồn binh trên núi Hùng Sơn và lấy vùng đất rộng lớn dưới chân núi xây dựng lỵ sở. Ngoài việc trấn giữ biên ải, triều nhà Trần thường lấy Lam Thành làm chỗ dừng chân để tiến đánh Chiêm Thành, hay là nơi dừng chân nghỉ ngơi sau khi đánh trận với quân Nguyên phía nam trở về. Chiến công của Trần quang Khải trên đất Nghệ An là việc năm Ất Dậu 1285 Toan Đô từ Chiên Thành theo đường bộ kéo ra Nghệ An tấn công quân Nam , Trần Quang Khải chia quân phòng giữ. Thấy thế giặc quá mạnh, ông cho lui quân về giữ các nơi hiểm yếu. Quân của Toa Đô đánh mãi không được, cạn lương, bèn cùng với Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền trở ra Bắc. Trần Quang Khải cho người về Thanh Hóa cấp báo. Vua choTrần Nhật Duật, Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái đem năm vạn quân ra đón đánh tại Hàm Tử Quan thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên. Quân Nguyên thua to chết hại rất nhiều.

 

Cũng theo truyền ngôn, cuối triều nhà Trần, khi nắm quyền bính trong tay, Hồ Quý Ly rất chăm lo việc binh bị, đề phòng quân Minh xâm lược. Ông đặc biệt quan tâm đến vùng từ Thanh - Nghệ vào nam, cử người thân tín giữ các lộ, xây đắp nhiều thành luỹ kiên cố, trong đó có thành Trài Diễn Châu, thành Rum (Lam Thành) Nghệ An và chọn đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ làm đại bản doanh để chống lại cuộc xâm lược nhà Minh. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh của nhà Hồ chống quân Minh cũng chỉ được ít năm. Hồ Quý Ly và con trai bị nhà Minh Bắt đem về phương Bắc.  Sau khi diệt nhà Hồ xong, quân Minh đổi Nghệ An làm phủ, thì phủ trị vẫn đặt ở Lam Thành, tướng nhà Minh là Trương Phụ cho bắt dân phu xây dựng Thành Lam ngày càng kiên cố hơn.

 

Núi Lam Thành còn dấu tích đau lòng của người Việt trong thời kỳ Bắc thuộc

lần thứ nhất

 

Theo An Tĩnh Cổ Lục, sau khi giành được độc lập từ đầu triều nhà Lý, thế kỷ IX, lại một lần nữa nước ta chịu ách đô hộ của giặc phương bắc  từ năm 1407 đến năm 1428. Dưới ách đô hộ này lại xuất hiện nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân, đặc biệt là vùng An - Tĩnh và Thanh Hóa. Trong các cuộc khởi nghĩa vùng này phải kể đến công lao của các danh tướng triều Trần như Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Biểu và các con cháu của họ là Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung,... Buổi đầu, thanh thế của nghĩa quân rất lớn, nhưng rồi lực lượng suy giảm dần. Vào tháng tư năm quý tỵ (1413), Trương Phụ lại đánh chiếm Nghệ An. Vua Trùng Quang vốn là con cháu nội triều nhà Trần được Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị tôn lên làm vua, sai Nguyễn Biểu làm sứ cầu phong, mang sản vật địa phương đến Lam Thành. Thấy thái độ bình thản, bất khuất của Nguyễn Biểu trước bàn tiệc đầu người, Trương Phụ tỏ ý kính nể, để cho ông về, nhưng Phan Liêu một tướng của nhà Trần hàng binh xui Trương Phụ bắt ông lại. Ông lớn tiếng vạch tội cướp nước của giặc, Trương Phụ sai trói ông vào cột cầu Lam cho nước lên dìm chết. Nhưng ba ngày thuỷ triều không lên, Phụ bèn sai đưa ông về trước chùa Yên Quôc và giết ông ở dó.

 

Sang triều Lê, sau khi bị quân Minh tiến đánh ở Thanh Hóa nghĩa quân Lam Sơn rút vào vùng núi Nghệ Tĩnh xây dựng nhiều căn cứ, đồn trại. Các đồn binh kéo dài từ Tân Kỳ, Con Cuông, Thanh Chương, Nam Đàn Nghệ An; Hương Sơn, Đức Thọ Hà Tĩnh. Lê Lợi cho xây dựng căn cứ Đỗ Gia ở Hương Sơn và thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn ở Nam Đàn đối diện để khống chế Lam Thành, nơi Trần Trí, một tướng nhà Minh trấn giữ. Sau những thất bại ở tây miền Nghệ An, thành Trài Diễn Châu và các thành ở phía nam Hà tĩnh, Lam Thành bị nghĩa quân Lam Sơn vây chặt, quân nhà Minh chỉ biết cố thủ chờ viện binh. Năm 1423, tướng Thái Phúc người thay tướng Trần Trí trấn giữ Lam Thành buộc phải mở cửa thành đưa một vạn quân ra hàng... Từ đây, nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra bắc đánh đuổi quan quân nhà Minh về nước năm 1427.

 

Suốt thời kỳ nhà Lê, Lam Thành được đặt làm lị sở Nghệ An. Lê Khôi một tướng tài và là cháu gọi Lê Thái Tổ bằng chú, theo vua đánh giặc Minh có công lớn, sau được cử vào trấn giữ Nghệ An. Trong một lần  đi đánh Chiêm Thành thắng lợi trở về ông đột ngột ốm rồi chết ở Nam Giới. Mộ ông đặt ở núi Long Ngâm thuộc địa phận Thạnh Hà, Hà Tĩnh ngày nay, nhân dân địa phương lập đền thờ. Vì có công lớn nên năm thứ 6 Dương Hòa 1640 triều đình cho lấy của công, làm lại đền bằng gỗ lim, lợp ngói tại Triều Khẩu. Ngôi đền to lớn, nguy nga, gọi là đền Chiêu Trưng là một trong bốn ngôi đền nổi tiếng nhất Nghệ An.

 

Cuối triều Lê, trong các cuộc nội tranh, quan quân của Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn đều tìm mọi cách để chiếm được Lam Thành, bởi vị trí chiến lược quan trọng này có thể khống chế một vùng rộng lớn duyên hải Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong cuộc chiến khốc liệt này dinh trấn thủ có lúc phải tạm thời dời lên Sa Nam hay xuống Vịnh Dinh, nhưng hai ty Thừa chính, Khiến sát và trường thi Hương vẫn ở lại Lam Thành.

 

Khi Quang Trung Nguyễn Huệ dẫn quân ra bắc đánh đuổi quân Thanh, ông dừng chân tại Lam Thành để chiêu tập thêm binh mã và xin hội kiến với La Sơn Phu Tử Nguyễn thiếp. Năm 1789, vua Quang Trung một lần nữa ghé lại Lam Thành sau khi thắng trận trở về, đây là lần thứ ba nhà vua đến Lam Thành và hội kiến với La Sơn Phu Tử. Không lâu trước khi trấn lỵ Nghệ An dời ra Vịnh Dinh. Cũng chính La Sơn Phu Tử là người đề xướng xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô và được vua Quang Trung chấp nhận.

 

Vậy đó, Lam Thành có tầm quan trọng chiến lược vì nó kiểm soát được thủy lộ sông Lam lẫn con đường núi chiến lược lịch sử, vốn là điểm huyết mạch đi ngang qua khi tiến quân xuống phía Nam hay ra phía bắc; đồng thời đây cũng là điểm dừng chân của các đạo quân viễn chinh, vừa để dưỡng quân vừa để củng cố lực lượng.

 

Tính từ cuộc xâm chiếm của Mã Viện đến cuối triều Tây Sơn, hơn 1800 năm núi Lam Thành đứng đó, chứng kiến bao cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm lúc thăng, lúc trầm của các triều đại phong kiến nước ta, bao sự kiện trọng đại của đất nước đã diễn ra nơi đây, bao con người tinh hoa dân tộc, đã có mặt ở đây, bao di tích lịch sử - văn hoá của quê hương đã và đang tồn tại ở đây... Cho dù lũ dòng Lam Giang cuốn mất lị sở và các công trình kiến trúc cổ, nhưng ngay trên núi và các vùng phụ cận vẫn còn đó những dấu tích của lịch sử. Lam Thành vẫn tồn tại bằng chính sự hiện hữu của mình và vẫn mãi mãi tồn tại trong tâm thức người dân xứ Nghệ như một chứng tích lịch sử.

 

(Thanh Hùng)

 

Phần II: Trấn lỵ Lam Thành