Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Trấn lỵ Lam Thành

15:23, 18/12/2010
Núi Hùng Sơn đứng đó, chứng kiến bao cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc trong lịch sử lúc thăng, lúc trầm. Hùng Sơn - Lam Thành không chỉ là vị trí chiến lược quân sự quan trọng của các triều đại phong kiến nước ta, dưới chân núi còn có thủ phủ Nghệ An ngót 400 năm. Trấn lỵ không đặt trong thành trên núi, nhưng khi nói về lỵ sở này, sử sách đều chép là thành

Phần 1: Có một Lam Thành

 

Núi Hùng Sơn (TP Vinh) chừng 10km về phía Tây Nam , núi này xưa dân gian gọi là rú Rum hay còn gọi là Dung Sơn hay Lam Sơn, rú Sét. Qua từng biến cố lịch sử núi đổi tên thành núi Đồng Trụ, núi Lam Thành, núi Nghĩa Liệt, núi Tuyên Nghĩa,... "Ở giữa đồng bằng nổi lên vọt lên một dãy cao lớn hùng vĩ trông ra sông Lam. Hùng Sơn - Lam Thành - Phù Thạch không chỉ căn cứ đồn binh án ngữ một vùng rộng lớn chắn ngang huyết mạch thiên lý bắc - nam". Chính nơi đây còn là trấn lỵ Nghệ An ngót gần 400 năm, kể từ đầu triều nhà Hậu Lê đến cuối triều nhà Tây Sơn. trong cuốn sách Khởi nghĩa Lam Sơn có ghi: "Nối với thành đá, còn di tích một toà thành hình chữ nhật, xây gạch vồ nằm từ chân núi đến bờ sông". Sách La Sơm Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng có nói đến thành xây gạch này. Nhưng theo Đại Việt sử ký toàn thư Bính Dần năm thứ chín 1266 Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải quản châu Nghệ An đã lấy Lam Thành làm lỵ sở. Nếu tính cả thời gian này lỵ sở Nghệ An ở Lam Thành có hơn 560 năm. 

 

 
 

Cổng tam quan xưa và dấu tích còn lại ở đền Vua Lê (Hưng Phú, Hưng Nguyên)

 

Với một địa danh là lỵ sở có thời gian dài xuyên suốt nhiều triều đại phong kiến nước ta, nên vùng đất quanh Lam Thành để lại nhiều dấu tích lịch sử, chỉ tiếc rằng, thời gian đã làm sông Lam đổi dòng cuốn đi những di tích lịch sử quý giá. Dẫu ngôi thành làm lị sở không còn, nhưng những gì còn để lại dấu tích hay trong tâm thức người dân trên vùng đất này vẫn gợi lại ký ức về lị sở một thủa hào hùng nơi đây.

 

Ngay từ triều nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, khi Trần Quang Khải được điều về trấn trị Nghệ An, có người con quê hương vị tổ khai khoa của xứ Nghệ, không ra làm quan nhưng lại có công lớn giúp quan trấn trị chống giặc ngoại xâm, Trạng nguyên Bạch Liêu. Là người thông minh nhớ lâu, đọc sách ngàn dòng một mạch, thi đỗ trạng nguyên năm Thiệu Long thứ 9 (năm 1266) đời vua Trần Thánh Tông. Bạch Liêu làm môn khách giúp Trần Quang Khải thảo ra kế hoạch tuyển quân và dự trữ lương thực, củng cố biên giới phía Nam góp phần quan trọng trong việc đánh thắng quân Nguyên Mông. Ông được cử theo đoàn sứ bộ sang nhà Nguyên, bằng trí tuệ uyên bác và tài ngoại giao, ông đã góp phần thiết lập quan hệ ngoại giao hoà hiếu giữa hai nước. Sau khi Trần Quang Khải về triều ông về ẩn ở Kẻ Sét - Nghĩa Liệt, dưới núi Lam Thành. Sau khi ông mất được vua phong cho làm Phúc thần, hiệu là Đương Cảnh thành hoàng Đại Vương. Sau đó, hậu duệ di cư nên đã dời mộ ông vào đồng Phù Quang, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Do có công với đất nước, ông đã được các triều Lê, Nguyễn sắc phong Thần mộ. Hiện Đền thờ trạng nguyên Bạch Liêu tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử -văn hóa cấp quốc gia.

 

Mộ Bạch Liêu ở Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh

 

Đại Nam nhất thống chí chép về một ngôi chùa:“...Sau chùa có núi Tượng Đầu, trước chùa có khe Tiên Châu chảy từ sườn núi ra, nước thơm ngọt, người ta gọi là khe Yên Quốc...”. Triều Trần phật giáo phát triển mạnh ở nước ta, nên cùng với việc xây dựng lị sở, trên dãy núi Hùng Sơn  nhà Trần còn cho xây chùa Yên Quốc, một thiền viện lớn, cùng với chùa Ân Quang ở Phù Thạch bờ nam sông Lam.

 

Lại nói về cái chết anh hùng của Nguyễn Biểu. Trước hành động khảng khái, quả cảm trước quân giặc, ông bị Trương Phụ giết chết trước cửa chùa Yên Quốc. Vua Trùng quang thương tiếc, đặt lễ tế ông. Đến đời Hồng đức, vua Lê Thánh tông phong Nguyễn Biểu là Nghĩa Sỹ Đại Vương, sai lập đền thờ tại quê nhà. Vùng quanh nơi ông bị Trương Phụ giết, nhân dân đều dựng miếu thờ vọng. Theo Nghệ An cổ tích lục thì “bên tả chùa Yên Quốc, có ngôi lầu gọi la lầu Nghĩa Vương”. Nhà sư chùa Yên Quốc cũng có bài văn cầu siêu cho Nguyễn Biểu. Về sau, không biết là từ lúc nào chùa Yên Quốc trở thành đền Yên Quốc, thờ Nghĩa Vương Nguyễn Biểu.

 

Đền thờ Nguyễn Biểu ở Hưng Lam, Hưng Nguyên

 

Theo Nghệ An chí và một số tài liệu khác, di tích lịch sử quan trọng ở trấn lỵ cổ kính Lam Thành còn có hai ngôi đền lớn.

 

- Đền vua Lê ở Phú Điền. Theo truyền ngôn thì đền dựng trên nền cũ hành dinh của Bình định vương Lê Lợi khi ông đưa quân xuống vây Lam Thành. Sau khi Lê Lợi lên ngôi vua, trấn thành được đặt ở Lam Thành. Đến năm Hồng Đức 1470, vua Lê Thánh Tông mới sai lập đền thờ vua Thái Tổ và bà Trinh Ý nguyên phi. Khoảng năm Chính Hoà 1680, vua Hy Tông lại rước linh vị vua Thái Tông và vua Thánh Tông về thờ ở đây. Đền Vua Lê có bốn toà nhà, qua toà hạ, đến hai toà trung và toà thượng đường đặt kề nhau thành hình chữ công. Ở toà thượng thờ vua Thái Tổ, bên hữu thờ vua Thái Tông, bên tả thờ vua Thánh Tông, ở toà trung từ dọc, thờ ba vị Đại Vương, con vua Thái Tổ. Còn toà trung từ ngang thì để các tế khí. Bên phải bốn tòa nhà này là ngôi đền thờ bà Trinh Ý là vợ vua Thái Tổ. Đền vua Lê là một kiến trúc lớn, là công trình điêu khắc tinh xảo, có 64 cây cột lớn.

 

- Đền Võ Mục thờ tướng Lê Khôi, còn gọi đền Chiêu Trưng. Ông là cháu gọi Lê Thái tổ bằng chú, theo vua đánh giặc Minh có công lớn, sau được cử vào trấn giữ Nghệ An... Năm thứ tư niên hiệu Thái Hoà đời Lê Nhân tông 1446, ông cùng tướng Trịnh Khả đi đánh Chiêm Thành, thắng trận nhưng khi về đến địa phận Thạch Hà, Hà Tĩnh ngày nay thì ốm chết. Mộ ông đặt ở núi Long Ngâm, dân địa phương lập đền thờ. Đến năm Dương Hoà 1639 quan trấn trị xin lập đền mới ở Triều Khẩu. Năm 1640, triều đình cho lấy của công, làm lại đền bằng gỗ lim, lợp ngói. Ngôi đền to lớn, nguy nga, ở thượng đường có tượng Lê Khôi bằng gỗ trầm (hiện nay tượng Lê Khôi được đặt tại đền Vua Lê). Đền Chiêu Trưng là một trong bốn ngôi đền linh thiêng và đẹp có tiếng nhất Nghệ An. Nhưng vào cuối thế kỷ XIX, vườn đền bị nước sông xói lở dần, nhân dân Triều Khẩu phải chuyển sang bờ nam nay là xã Đức Quang, Đức Vĩnh. Đền Võ Mục cũng bị dỡ, lập thành hai đền, một được xây tại bờ bắc, nay là thuộc xã Hưng Khánh, một ở thôn Hưng Phúc Đức Vĩnh bờ nam. Từ sau 1945, cả hai ngôi đền đều bị bỏ hư hỏng. hiện nay bên Đức Thọ, Hà Tĩnh đền Võ Mục vẫn còn Tam quan, năm 2009 đền được xây dựng lại.

 

Cổng đền Lê Khôi ở núi Long Ngâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh

 

Sau những cuộc chinh chiến chống giặc ngoại xâm giành được thắng lợi, các triều đại phong kiến nước ta quan tâm chiêu hiền tìm người giúp nước, giúp dân bằng việc xây dựng trường thi ở các lỵ sở. Lam Thành là một trong những lỵ sở được xây dựng trường thi hương. Khoa đầu tiên ở trường này mở vào năm Thiệu bình thứ 5 đời Lê Thái Tông (1438), và cuối cùng là khoa thi tú tài do nhà Tây Sơn mở năm Quang Trung thứ 2 (1789). Trong 350 năm, qua hơn trăm khoa thi dưới các triều Lê, Mạc, trường Nghệ An đã cho ra lò hàng nghìn hương cống, sinh đồ, trong đó có vài trăm vị ra thi hội, thi đình, nhiều người đỗ Tiến sỹ.

 

Trong số những người có tiếng tăm xưa nay từng đến núi Lam Thành, trấn lỵ Lam Thành, sử sách còn chép về hai vị Hoàng đế.

 

Trên đường ra trận năm 1470, vua Thánh Tông dừng chân ở Lam Thành, lúc trấn lỵ mới được thiết lập chưa bao lâu. Trong tập thơ "Chinh Tây kỉ hành" của vua Lê Thánh Tông có đoạn viết: "Canh ba đoàn thuyền tiến vào kênh Hoa Cái, canh tư đến cửa kênh, rạng sáng ra sông lớn. Đi vài dặm nữa tới chân thành Nghệ An đóng quân. Ngắm nhìn núi sông, nhà vua làm bài thơ tức cảnh: Hồng Đức cuối đông, ngày mồng bốn/ Tạm nghỉ cờ tỉnh Nghệ An thành/ Cửa biển Đan Hai triều nhợn nhợn/ Đỉnh non Tuyên Nghĩa bóng chênh chênh..." Cuối bài thơ lại có câu: "Ngày nay chính là lúc tạm xếp việc võ, sửa sang việc văn / Khắp đất nước cần ban bố ân đức".

 

Hơn 300 năm sau, năm 1789, vua Quang Trung ghé lại Lam Thành sau khi thắng trận trở về, không lâu trước khi trấn lỵ dời ra Vịnh Dinh. Đây là lần thứ ba nhà vua đến Lam Thành và cũng là lần thứ ba nhà vua hội kiến với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 – 1804). Mấy tháng sau, lần hội kiến này, vào mùa thu năm ấy, vua Quang Trung lập Sùng Chính thư viện ở Nam Hoa, cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng, và mở khoa thi tú tài đầu tiên ở trường Nghệ An.

 

Xong việc võ đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi thì bắt tay vào việc văn, chọn nhân tài, xây dựng đất nước. Hai vị hoàng đế ở hai thời đại khác nhau, cùng có chung suy nghĩ và hành động ngay trên phủ lị Lam Thành. Quả là những trí tuệ lớn thường gặp nhau.

 

Nhắc đến phủ lị người ta thường nhắc đến chợ. Chợ Tràng dưới chân núi Lam Thành là một chợ lớn, trên bộ dưới thuyền tấp nập: “Chợ Tràng tháng hâm bảy phiên -  Ai đi bộ cứ bước, ai đi thuyền cứ đi”. Theo một tài liệu tiếng Nhật do PGS Sử học Trần Bá Chí dịch và giới thiệu thì từ năm 1608, ở Triều Khẩu có phố người Nhật, có chợ Tràng buôn bán đủ mặt hàng xứ Nghệ, của Đàng Trong, đàng ngoài và của cả nước ngoài, như thuốc bắc - lụa - gấm, bút mực - sách Tàu, Cúc Mã não - chè Ô long -  sâm Cao Ly... Vào thế kỷ XVIII cho đến đầu thế kỷ XIX tại chợ Tràng việc buôn bán rất phồn thịnh, thường có tàu nước ngoài qua lại, trở thành một cảng thị nội địa sầm uất ở xứ Nghệ.

 

Thật đáng tiếc, đi cùng năm tháng, sông Lam đổi dòng đã cuốn trôi hoặc bồi lấp làm dấu tích của ngôi thành cổ, rồi Trường thi, chợ Tràng giờ đây không còn nữa. Nhưng những dấu tích lịch sử còn để lại trên núi Lam Thành, ở các vùng phụ cận cả bên tả, bên hữu dòng Lam đều minh chứng về nơi đặt lị sở Nghệ An qua nhiều triều đại phong kiến nước ta.

 

Vậy đó, một ngôi thành cổ, một Lam Thành lị sở ngót 400 năm kể từ đầu triều nhà Hậu Lê, nhưng hẳn không sai khi nói lị sở Lam Thành đã có tuổi gần 600 năm kể tử triều nhà Trần, đã chứng kiến bao cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc lúc thăng, lúc trầm xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước. Nơi ấy, bây giờ chỉ còn lại ngôi thành đá cổ trên núi, những nhà thờ của các dòng họ khai đất lập làng và đâu đó còn sót lại những dấu tích cổ gắn liền với thành cổ và phủ lị Lam Thành. Nhưng chắc chắn rằng những gì đã diễn ra trong lịch sử đấu tranh giữ nước nơi đây sẽ được lịch sử và nhân dân lưu truyền cho muôn đời sau.

 

(Thanh Hùng)