Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Là đại biểu của dân

13:59, 03/01/2011
Đã 65 năm kể từ ngày tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946), với 12 khoá quốc hội, mặc dù mỗi nhiệm kỳ đều mang một đặc thù riêng, gắn với những thử thách riêng của lịch sử, song ở mỗi giai đoạn phát triển của Quốc hội Việt Nam, cùng với hàng nghìn đại biểu của nhân dân trên cả nước, các đại biểu Nghệ An đều đã chứng minh được bước trưởng thành của mình, phát huy tinh thần trách

 

  

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa 1

 

 

Ngày 6/1/1946, Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra tràn đầy phấn khởi ở tất cả 71 tỉnh, thành trong cả nước. Để được thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình, nhiều nơi phải đổi cả xương máu. 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu của các đảng phái khác nhau; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

 

Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Thắng lợi của Tổng tuyển cử đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, đó là thời kỳ nước ta có một Quốc hội dân tộc thống nhất, một Chính phủ liên hiệp kháng chiến có đầy đủ tư cách pháp lý đại diện cho nhân dân toàn quốc đảm đương nhiệm vụ đối nội và đối ngoại.

 

Thời kỳ từ năm 1946 đến năm 1960, Quốc hội khóa I với nhiệm kỳ dài nhất 14 năm. Với 12 kỳ họp, Quốc hội khoá 1 đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cho đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đánh bại chiến tranh đơn phương của Mỹ và tay sai.

 

Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khoá I đã xem xét và thông qua bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 11 đạo luật và 50 nghị quyết. Một số Luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua như Luật cải cách ruộng đất, Luật quy định quyền tự do hội họp, Luật quy định quyền lập hội, Luật bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân và Luật về chế độ báo chí. Đây là những đạo luật quy định những quyền tự do rất cơ bản của người dân.

 

Đánh giá về công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”.

 

Quốc hội khóa 2, 3, 4, 5 giai đoạn từ 1960-1976 đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều nhiệm kỳ kéo dài tới 7 năm và có nhiệm kỳ chỉ có gần 2 năm, chỉ tổ chức được ít kỳ họp nhưng mối quan hệ giữa Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ không ngừng được tăng cường, là điều kiện quan trọng bảo đảm động viên kịp thời sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc ta.

 

Vai trò của Quốc hội còn được thể hiện qua việc mở rộng quan hệ đối ngoại của Quốc hội nước ta với Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bè bạn trên thế giới nhằm tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân yêu chuộng hoà bình, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, tạo thành sức mạnh tổng hợp để tiến hành cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược.

 

Ngày 25-4-1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá VI được tiến hành trong cả nước. Hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đã tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu và bầu ra 492 đại biểu của nước Việt Nam độc lập. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã quyết định đổi tên nước là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và quốc ca là bài Tiến quân ca. Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12-1980), Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hiến pháp năm 1980 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Sau 1981, từ nhiệm kỳ khoá 7, Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương, thông qua các nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm; quyết định các vấn đề về việc cử và miễn nhiệm một số thành viên Hội đồng Bộ trưởng. Hoạt động giám sát cũng được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước coi trọng, tập trung về các vấn đề quản lý kinh tế - xã hội, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Quốc hội khóa 8 (1987-1992) là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra. Trong nhiệm kỳ này, nhiều đạo luật quan trọng thể chế hóa chính sách kinh tế mới lần đầu tiên đã được ban hành, như Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), Luật doanh nghiệp tư nhân (1990) và Luật công ty (1990) là những đạo luật quan trọng thể chế hóa đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở nước ta. Lần đầu tiên các luật này thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và quyền thành lập công ty và doanh nghiệp tư nhân.

 

Với vai trò, trách nhiệm của mình, đại diện cho cử tri, nhân dân xứ Nghệ, đoàn đại biểu quốc hội Nghệ Tĩnh, sau này kể từ khoá 9 đến nay là đoàn đại biểu Nghệ An vẫn là đoàn có số đại biểu đông thứ 4 cả nước, là nơi hội tụ nhiều vị ĐBQH có kinh nghiệm, nhiều vị Đại biểu giữ trọng trách quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, Quốc hội như các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Chu Huy Mân, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Duy Trinh, Hồ Đức Việt… nhiều đại biểu nhân sỹ, trí thức, anh hùng lao động, văn nghệ sỹ nổi tiếng... Các vị đại biểu qua các nhiệm kỳ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự thành công chung của Quốc hội Việt Nam và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Mặc dù hoạt động kiêm nhiệm, nhưng các đại biểu Nghệ An đã phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, đưa lên diễn đàn nhiều vấn đề được cử tri cả nước quan tâm. Như “vai trò vị trí của cây lạc trong chiến lược sản xuất hàng nông nghiệp xuất khẩu” của đại biểu Đậu Thị Lương; Đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản của đại biểu Trương thị Hồng, “Đấu tranh chống tham nhũng – phòng quan trọng hơn chống” của đại biểu Lê Duy Nguyên. Những vấn đề có tính thời sự cho đến tận ngày hôm nay.

 

Giáo dân Xã Đoài bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XII

 

Kế thừa truyền thống và những thành tựu to lớn hơn 60 năm hoạt động, Quốc hội khóa XII hiện nay đã có những đổi mới quan trọng. Số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách được tăng lên 25%; tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Quốc hội ngày càng được quan  tâm từ chỗ chỉ đạt 2,5% ở khóa I, đến nay, đã đạt 25,67%.

 

Trải qua nhiều kỳ họp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nghệ An đã làm việc nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các Dự án luật. Tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các luật sư, các cấp, các ngành và cử tri trong tỉnh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta.

 

Hoạt động tiếp dân, tiếp xúc cử tri đã có nhiều bước đổi mới cả về chất lượng và hình thức, tăng về thời gian, mở rộng về thành phần. Tại các buổi tiếp xúc, lãnh đạo chính quyền các địa phương đã tham dự trả lời trực tiếp các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Ngoài việc tổ chức cho các đại biểu tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử, Đoàn còn tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề trực tiếp làm việc với UBND tỉnh, UBMT tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đơn vị trong việc quản lý điều hành các lĩnh vực trong đời sống KT-XH của tỉnh, các vướng mắc trong giải quyết khiếu nại của nhân dân, những khó khăn mà các doanh nghiệp mắc phải, đặc biệt là các vấn đề liên quan trong việc thực hiện các chính sách lớn của Trung ương và tỉnh từ đó để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giúp cho đại biểu có thêm thông tin tham gia phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.

 

Với những kết quả hoạt động tích cực, sáng tạo, hiệu quả, đại biểu Quốc hội nói chung, Đoàn ĐBQH Nghệ An nói riêng đã thực sự là cầu nối giữa Quốc hội và Cử tri, đại diện ý chí và nguyện vọng của cử tri, góp phần quan trọng vào thành tựu của Quốc hội Việt Nam và của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua.

 

65 năm với  12 khoá, sự trưởng thành của Quốc hội Việt Nam gắn liền với những bước đi vững vàng, mạnh mẽ của toàn dân tộc. Trong những thành tích đáng trân trọng và tự hào của 12 khoá Quốc hội ghi dấu những đóng góp của các đại biểu ưu tú Nghệ An. Họ là những đại biểu giữ trọng trách quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; là các nhân sỹ, trí thức; các anh hùng lao động; văn nghệ sỹ; là công nhân, cán bộ cấp xã, là người ở các thành phần dân tộc, tôn giáo khác nhau... nhưng tất cả  đại biểu quốc hội Nghệ An đã luôn phát huy tinh thần trách nhiệm của mình để xứng đáng với niềm tin và sự gửi gắm của nhân dân, để xứng đáng là “đại biểu của nhân dân”.

 

(Hoa Mơ)