Thái uý quận công Nguyễn Sư Hồi - Người khai ấp lập làng
Phần I: Người khai ấp lập làng
“Dẹp giặc, yên dân, nghĩa khí ngàn năm ghi nhớ
Khai cơ, lập nghiệp, công ơn muôn thuở lưu truyền”
Hai câu thơ nổi tiếng ca ngợi công đức của Thái uý đô đốc Quận công Nguyễn Sư Hồi mà không người dân bản địa nào không biết đến. Dù ông đã mất cách đây 505 năm nhưng tên tuổi và công lao khai cơ lập làng Vạn Lộc - tức phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò ngày nay cùng với những chiến công hiển hách trong đánh giặc ngoại xâm, và trấn giữ 12 cửa lạch của ông mãi mãi được lưu truyền trong sử sách.
Nguyễn Sư Hồi sinh ngày 26 tháng 5 năm 1444; là con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, quê gốc ở làng Thượng Xá – huyện Chân Lộc, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cha là một đại thần được Vua Lê tin sủng, được lịch sử tôn vinh là “hai lần khai quốc” và mẹ là bà Lê Thị Ngọc Lân, một phụ nữ dòng dõi tôn thất thông minh, xinh đẹp. Được sinh ra trong một gia đình dòng dõi nhà quan lại hết lòng trung hiếu, nên Nguyễn Sư Hồi đã sớm thừa hưởng truyền thống danh giá của gia đình.
Ngay từ nhỏ ông đã biểu lộ tư chất thông minh nhanh nhẹn, lại được cha mẹ mời nhiều thầy đồ giỏi về tư dinh dạy học. Cùng với cuộc sống sung túc của một gia đình quan lớn, thường giao lưu tiếp xúc với con cháu nhà vua và quan lại triều đình, lại theo học tại các võ đường nổi tiếng của đất Thăng Long, ở trường ông chăm chỉ học chữ, học võ, học lễ, còn ở nhà dưới sự kèm cặp của cha và các thầy đồ nho ông đọc thông kinh sách của đạo nho đạo phật, có kiến thức uyên sâu về văn học, giỏi cả chữ hán, phong thuỷ và cả y học cổ truyền.
Năm 15 tuổi, Nguyễn Sư Hồi đã có thân hình tráng kiện, dáng vẻ oai phong như một võ tướng. Với sự thông minh và khổ luyện, ông đã tiếp thu các bộ sách binh thư, binh pháp của nhiều nhà quân sự lỗi lạc như: Trần Hưng Đạo, Thái Công Vọng, Ngô Khởi, Lý Trình... So với bạn cùng thời, cùng trường, Nguyễn Sư Hồi nổi lên như một ngôi sao ở đất Thăng Long trong các môn như: Đấu kiếm, lăn khiên, cưỡi ngựa... Dù sớm là người nổi tiếng với tài văn võ song toàn nhưng dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của gia đình, Nguyễn Sư Hồi vẫn luôn giữ được phong cách, phẩm chất đạo đức giản dị và có hiếu với mẹ cha.
Rồi trong những chuyến du xuân về quê nội ở làng Thượng xá, cùng cha bái yết tổ tiên đã dạy cho ông về đạo lý “cây có gốc, nước có nguồn”. Hay những chuyến đi kinh lý tuần du cùng cha đã khiến ông mở mang đầu óc và thấu hiểu được cuộc sống và gần gũi với nhân dân. Chính từ những điều đó đã tôi luyện, giúp Nguyễn Sư Hồi trở thành một vị tướng có tài và yêu dân như con sau này.
Thần phả đền Vạn Lộc và nhiều tài liệu lịch sử địa phương cho biết: Vào khoảng năm 1469, Thái úy, Đô đốc Nguyễn Sư Hồi được giao chỉ huy lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía Nam quốc gia Đại Việt, gồm 12 cửa lạch kéo dài từ cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) vào đến Cửa Tùng (Quảng Trị). Ông đã chọn vùng cửa Xá cạnh làng Thượng Xá quê hương làm đại bản doanh.
Cửa Xá là nơi sông Cấm đổ ra biển. Từ cửa Xá, theo đường thủy, thuyền đi ngược dòng sông Cấm lên phía tây nam là kênh Kẻ Gai, kênh Chính Đích, rồi gặp sông Lam; từ đó, ngược dòng sông Lam đi lên nữa là các huyện miền Tây Nghệ An. Bao bọc cửa Xá, ba bề, bốn bên là núi. Phía hữu ngạn cửa Xá, là dãy Tượng Sơn cao trên 200m; phía tả ngạn, là ngọn Kiếm Sơn; sau lưng, là hòn Động Đình; phía trước mặt là dãy Hoàng Lao... Các ngọn núi này như những bức tường thành tự nhiên che chắn cho Cửa Xá. Cửa Xá cũng từng là địa giới giữa hai huyện Chân Lộc và Hưng Nguyên trong lịch sử. Và câu chuyện mà Thái uý quận công Nguyễn Sư Hồi lập ra làng Vạn Lộc đến nay nhân dân vẫn lưu truyền với lòng tôn kính ngưỡng vọng.
Tại đây, ông chăm lo công việc tuần tra, xây dựng tuyến phòng thủ ven biển dài từ mũi Gươm đến đồn tiền tiêu. Tuyến phòng thủ này không chỉ có tác dụng chắn sóng mà còn là bức tường thành giúp cho sự phối hợp giữa thuỷ binh và bộ binh được tốt hơn mỗi khi có giặc Chàm sang xâm phạm. Trải qua thời gian, biến đổi dấu tích của kè đá vẫn còn, tuy không nguyên vẹn nhưng đã ghi dấu chứng tích về công lao to lớn của ông đối với nhân dân Vạn Lộc. Bên cạnh mở mang, bảo vệ sự bình yên cho vùng đất, Nguyễn Sư Hồi còn quan tâm phát triển kinh tế, chiêu tập dân cư, dùng các tù binh để khai phát đất đai, đắp đê ngăn mặn. Bằng kiến thức và tài năng của mình, ông đã truyền dạy cho dân chúng hai nghề chính là Nông nghiệp và ngư nghiệp. Nông nghiệp để nhân dân mở mang bờ cõi, đất đai, biết trồng trọt chăm bón trên chính mảnh đất của mình. Song mạnh nhất là đánh bắt hải sản. Bởi nơi đây là một vùng biển hoang sơ với nguồn hải sản phong phú dồi dào. Cũng từ đó đến nay, cuộc sống của người dân Vạn Lộc gắn với nghề chài lưới. Đặc biệt, Nguyễn Sư Hồi đã tuyển người đóng tàu thuyền giỏi ở ngoài Bắc vào để phục vụ sửa chữa và đóng mới tàu thuyền cho hạm đội. Chính vì vậy mà làng Vạn Lộc và làng Trung Kiên ở hai bên cửa biển (Cửa Lò) có nghề đóng tàu thuyền thủ công nổi tiếng cho đến ngày nay.
Với tấm lòng trung nghĩa, yêu dân như con, ông đã dồn hết tâm sức để xây dựng, phát triển vùng đất Cửa Xá, biến mảnh đất cằn cõi hoang sơ thủa ban đầu thành một địa bàn dân cư sầm uất, có tên gọi là làng Hải Ngung. Vào khoảng năm 1493, làng Hải Ngung đổi thành làng Hải Giang. Về sau đổi thành làng Vạn Lộc và duy trì tên gọi này cho tới sau cách mạng tháng Tám, năm 1945. “Vạn Lộc” là tên chữ của làng được Nguyễn Sư Hồi đặt với một ý nghĩa hết sức lớn lao đó là “muôn lộc đổ về đây”. Cũng từ mong muốn đó mà Nguyễn Sư Hồi đã đặt nền tảng đưa vùng đất này trở thành một làng quê trù phú giàu truyền thống lịch sử văn hoá và trở thành một trong những vùng đất văn hiến của xứ Nghệ.
Ngày 21 tháng 5 năm 1506, tang thương bao trùm cả một vùng sông nước Cửa Xá. Nguyễn Sư Hồi lâm bệnh nặng và qua đời. Theo di chúc của ông, triều đình cho mai táng thi thể ngay tại vùng Lùm Cò gần đồn tiền tiêu Cửa Xá để hương hồn ông tiếp tục được cùng quan quân cánh giữ cửa Biển “thập nhị Hải môn” cũng như chứng kiến sự đổi thay của vùng đất mà ông đã khai sinh lập địa. Tưởng nhớ công đức của Thái Uý Quận Công Nguyễn Sư Hồi, 3 năm sau ngày ông mất nhân dân địa phương đã xây cất lại phần mộ và tôn ngài làm Thần hoàng, muôn đời hương khói tại tại Lùm Cò (thuộc địa phận làng Đông Biên (nay là khu vực bến I - Cảng Cửa Lò). Về sau, đền thờ Nguyễn Sư Hồi được dời về vùng đất trước mặt dòng sông Cấm hiện nay. Trải bao tác động của thiên tai, địch họa, đền Vạn Lộc thờ Nguyễn Sư Hồi - Người - "một thuở mang gươm đi mở cõi" vẫn trường tồn đến ngày nay. Hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng Giêng, nhân dân làng Vạn Lộc và nhân dân Cửa Lò lại tổ chức lễ hội để ghi nhớ công đức của ngài. Xứng đáng với những đóng góp to lớn của ngài, đền Vạn Lộc - đền thờ Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc Gia vào năm 1991.
Có thể nói Nguyễn Sư Hồi là người đã có công khai sinh ra làng Vạn Lộc và là một trong những người có công lớn trong việc mở mang bò cõi khai lập ra vùng Cửa Lò ngày nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Vạn Lộc vẫn vững vàng đi lên, kiên cường như Đồn tiền tiêu cửa xá ngày nào, xứng đáng là mảnh đất địa linh sinh nhân kiệt:
“Văn dành đỉnh bút
Võ chiếm đề đao
Nền y học chưa nơi nào sánh kịp”.
Những câu thơ ngắn gọn, súc tích mà người xưa đúc kết đã khắc hoạ rõ nét diện mạo một vùng đất địa linh nơi có truyền thống hiếu học, với những con người đời đời trung quân ái quốc. Xứng đáng là vùng danh thắng của tỉnh Nghệ An: “Thanh Hóa Nho Yên - Nghệ An Vạn Lộc”. Bởi cùng với đền thờ Nguyễn Sư Hồi, nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử được nhà nước công nhận, xếp hạng như: Chùa Phổ Am - tức chùa Lô Sơn, nhà thờ họ Hoàng Văn, họ Hoàng Thế… Và người đặt nền móng đầu tiên cho mọi nét đẹp truyền thống lịch sử văn hóa của vùng đất chính là Thái Úy đô đốc Quận công Nguyễn Sư Hồi.
(Khánh Ly)
Phần 2: Thái uý quận công Nguyễn Sư Hồi và lễ hội đền Vạn Lộc