Nghệ An tăng cường xử lý sau thanh - kiểm tra tổ chức Đảng
Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 15 ngày 05/5/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra và Quyết định 2190 ngày 10-6-2008 của UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị trên, công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra trên địa bàn Nghệ An đã bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Các kết luận thanh tra, kiểm tra được tổ chức thực hiện nghiêm túc hơn, từ đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, nguyên tắc quản lý nhà nước, thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong sạch, vững mạnh. Từ đó tăng cường đoàn kết, thống nhất, tạo thêm sức mạnh trong hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước.
Trong năm 2010, Thanh tra tỉnh, Thanh tra cấp sở, huyện đã thực hiện 131 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, phát hiện sai phạm 31,8 tỷ đồng và 90.642m2 đất. Trong đó, Thanh tra tỉnh phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi trên 19,5 tỷ đồng, đến nay đã thu hồi đạt tỷ lệ 97,5% số tiền theo quyết định đã hết thời hạn nộp. Riêng Phòng Tiếp dân và xử lý sau thanh tra đã tiến hành các biện pháp để đôn đốc thu hồi kinh tế tại các đơn vị có sai phạm của những năm trước và đã thu hồi được gần 4 tỷ đồng. Các cá nhân vi phạm đều bị xử lý qua các hình thức kỷ luật. Nhìn chung, chỉ thị 15-CT-TU đã phát huy hiệu quả tích cực, các kết luận và kiến nghị sau kiểm tra, thanh tra được thực hiện nghiêm túc, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng, cấp uỷ, chính quyền được nâng lên rõ rệt.
Đảng bộ Sở xây dựng Nghệ An có 130 cán bộ, công chức viên chức và người lao động trong đó có 72 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ. Xác định việc quán triệt và thực hiện tốt chỉ thị 15 sẽ góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo và xây dựng đảng của đơn vị, vì vậy trong những năm qua, Đảng uỷ đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo cơ quan Sở Xây dựng, các đơn vị trực thuộc và các chi bộ thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Thực hiện các kết luận sau kiểm tra, thanh tra đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 đến 31/1/2010, Đảng bộ đã xử lý nghiêm sai phạm của các đảng viên, công chức, viên chức vi phạm bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm... Có thể nói việc thực hiện tốt chỉ thị 15 đã phát huy được vai trò của các chi bộ, vai trò của các tổ chức đoàn thể và của cán bộ đảng viên, công chức trong cơ quan đối với việc thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo...
Trong hơn 2 năm thực hiện chỉ thị 15, Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong đảng của Đảng bộ tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo và xây dựng đảng. Nổi bật là nhận thức của các cấp uỷ đảng trong tỉnh có nhiều chuyển biến, đã quán triệt, triển khai tốt các văn bản chỉ đạo, nghị quyết, hướng dẫn về công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra. Hầu hết các tổ chức đảng, đảng viên bị xem xét kỷ luật đã thấy rõ khuyết điểm của mình, không có khiếu kiện và chấp hành nghiêm. Một số trường hợp sau thời gian bị xử lý đã quyết tâm rèn luyện, tiến bộ, được tổ chức xem xét, đề bạt... Tình trạng né tránh, nể nang, xử lý không kiên quyết trong thi hành kỷ luật đảng từng bước đã được khắc phục.
Việc thực hiện chỉ thị 15 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xử lý sau thanh, kiểm tra đã khắc phục tình trạng giao khoán công tác kiểm tra, giám sát cho UBKT các cấp. Các cuộc tự kiểm tra ngay nội bộ các cơ sở Đảng ngày càng được nâng cao về chất lượng, đã tập trung vào kiểm tra những lĩnh vực quan trọng, có nhiều bức xúc, dễ phát sinh tiêu cực, như: Quản lý kinh tế, tài chính, tài nguyên, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đào tạo, quy hoạch cán bộ... Sau mỗi cuộc kiểm tra đã giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo, ban hành các quy chế quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nói trên phù hợp với thực tiễn của từng giai đoạn, thời kỳ và tham mưu cho cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số chế độ chính sách liên quan đến các lĩnh vực còn bất cập. Đặc biệt vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xử lý sau kiểm tra, thanh tra đã được nâng lên đáng kể.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra còn bộc lộ nhiều hạn chế: việc khắc phục hậu quả, giám sát xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính thực hiện chưa nghiêm. Việc đôn đốc thu hồi kinh tế sai phạm sau thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn, nhiều cá nhân và tập thể sai phạm về kinh tế đã có kết luận thu hồi của các đoàn kiểm tra của UBKT tỉnh uỷ, Thanh tra tỉnh nhưng vẫn không thể thực hiện. Việc thu hồi sai phạm kinh tế ở những đơn vị hưởng ngân sách cấp huyện như: quỹ công ích, phòng chống bão lụt, kinh phí giáo dục mầm non... do sử dụng sai mục đích, nay không có nguồn để thu hồi. Thực trạng trên bắt nguồn từ nguyên nhân người khiếu nại, tố cáo cố tình không chấp hành quyết định xử lý của ngành chức năng mà tiếp tục khiếu kiện hoặc có đơn vị làm ăn thua lỗ, quá khó khăn nên không có khả năng thực hiện việc nộp kinh tế sai phạm.
Bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng, BCH Công đoàn cấp trên trực tiếp của những đơn vị sai phạm chưa đặt công tác xử lý sau thanh tra thành một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên để chỉ đạo thực hiện. Một số thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện chưa thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết KNTC, kết luận thanh tra kinh tế đã có hiệu lực pháp luật. Việc tham mưu các biện pháp xử lý sau thanh tra của tổ chức thanh tra sở ngành, cấp huyện còn nhiều hạn chế, công tác phối hợp giữa ngành chức năng, các đoàn thể trong xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên và liên tục.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của BTV Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, Công đoàn cấp trên trực tiếp ở các đơn vị có sai phạm phải đặt công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức mình để thường xuyên có chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Cần xây dựng kế hoạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận sau thanh tra; xử lý nghiêm túc, kể cả việc xem xét bằng biện pháp hình sự. Ủy ban kiểm tra các cấp cần đề cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện chuyên môn, kịp thời giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và nhân rộng điển hình về công tác kiểm tra, giám sát.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác lãnh đạo công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra trong thời gian tới, cần tăng cường việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành quy chế làm việc; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời phải gắn với công tác tư tưởng, công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gắn với vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân. Có như vậy, công tác kiểm tra, thanh tra mới góp phần giữ nghiêm kỷ luật, bảo vệ vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng và pháp luật Nhà nước ngày càng hiệu quả hơn.
(Việt Anh)