Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua lời kể của người cảnh vệ

11:18, 16/05/2019
Ở huyện Đô Lương có một cựu chiến binh đã từng 8 năm làm cảnh vệ Bác Hồ. Ông là Dương Trọng Lan, ở  xóm 8, xã Thịnh Sơn. Đã gần nửa thập kỷ trôi qua, mỗi lần kể chuyện về những ngày tháng làm cảnh vệ cho Bác, ông lại rưng rưng vì xúc động. 

Trong không khí cả nước đang nô nức kỷ niệm 129 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, các em trường tiểu học Thịnh Sơn huyện Đô Lương lại có thêm niềm vinh dự khi được nghe người cảnh vệ của Bác kể lại những câu chuyện về Bác đầy hấp dẫn. Mặc dù đã bước sang tuổi 86, sức khỏe đã có phần yếu đi rất nhiều, tuy nhiên khi kể về những câu chuyện về Bác Hồ, ông Dương Trọng Lan vẫn say sưa và kể lại rất nhiệt huyết. Đây là dịp để các em học sinh – thế hệ măng non của đất nước được nghe nhân chứng sống của lịch sử kể lại những câu chuyện đời thường về Bác. Em Trần Thị Vân Nhung – học sinh lớp 5C, trường tiểu học Thịnh Sơn chia sẻ: “ Được nghe người trực tiếp ở cạnh Bác Hồ kể lại những câu chuyện về Bác, chúng em cảm thấy rất ý nghĩa, thêm kính yêu Bác hơn”.

Năm 1952, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Lan lên đường nhập ngũ. Đến năm 1956, ông được cấp trên điều động về C78, ti Công an Nghệ An. Tháng 3/1959, lực lượng công an vũ trang được thành lập. Đến năm 1960, ông được điều động về trung đoàn 600, bổ sung về phân đội 1, làm cảnh vệ khu vực A (là khu vực trong nơi nghỉ và làm việc của Bác tại Hà Nội) cho chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Ông Dương Trọng Lan luôn tìm tòi, sưu tầm những mẩu chuyện về Bác Hồ

8 năm làm người cảnh vệ của Bác Hồ, đó là quãng thời gian đủ dài để ông cảm nhận được những tấm chân tình của vị lãnh tụ vĩ đại. Những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ, ông sợ hãi, lo lắng vì đó là một nhiệm vụ lớn lao và quan trọng. Ông nhớ có lần đi đốc gác, ông bị Bác phê bình vì chưa tắt điện lúc trời sáng. Ông kể lại: “Lúc đó Bác đang dậy sớm tập thể dục, tôi nhìn thấy dáng người mảnh khảnh, nhưng lại rất nhanh nhẹn. Tôi xúc động quá đến nỗi quên ngắt cầu dao điện, Bác tiến lại gần và nhẹ nhàng khuyên bảo: “Trời sáng rồi, sao chú không tắt điện”. Lúc đó tôi lúng túng quá chẳng nói được gì, Bác lại nói: “ Khi trời sáng, chú nên tắt điện để tránh lãng phí nguồn điện nhé”. Rồi Bác còn ân cần dặn tôi buổi sáng sớm nên giành thời gian để luyện tập thể dục, thể thao để khí huyết được lưu thông, có tinh thần thoải mái cho một ngày làm việc. Ông Lan tâm sự, từ đó trở đi, nhớ lại câu chuyện Bác đã nhắc nhở, tôi đã học được đức tính tiết kiệm từ Bác. 

Cuốn sổ mà ông thường xuyên tìm tòi, sưu tầm các tư liệu về Bác

Vào các tối thứ 7, ông Lan cùng đồng đội được đi xem phim cùng với Bác. Đối với ông Lan, đó là những kỷ niệm không thể nào quên. “Khi ở gần Bác Hồ thì tôi thấy vị lãnh tụ của dân tộc, của nhân dân thế giới. Kỷ niệm khi ở với Bác đó là khi được xem phim cùng Bác Hồ vào tối thứ 7, mở đầu mọi người thường hát tập thể một vài bài, khi đó tôi không thuộc bài hát nào, miệng giả vờ nhẩm nhẩm theo nhưng Bác đã phát hiện ra và bước tới nói: “chú này không thuộc lời nhé”…” - ông Lan xúc động nhớ lại.
Không chỉ sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô, tư” mà Bác còn gần gũi, không phân biệt tầng lớp. Có những hôm những người phục vụ nấu ăn cho Bác mang cơm lên tận phòng làm việc cho Bác dùng vì sợ Bác mệt, nhưng Bác dặn dò: ‘lần sau để tự Bác xuống bếp để ăn, Bác vẫn còn khỏe, có thể tự xuống bếp ăn cùng mọi người được”. Những lần sau đó, Bác đều xuống tận bếp để dùng cơm cùng tất cả mọi người gần gũi, tình cảm.

Hội cựu chiến binh xã Thịnh Sơn cùng trò chuyện với ông Dương Trọng Lan trong những dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác

Theo ông Lan, với mỗi người được may mắn sống và làm việc bên Bác, dường như không có một khoảng cách nào giữa vị lãnh tụ với dân thường, Bác hiền từ, nhân hậu như một người cha, hết mực quan tâm chăm lo cho mọi người. Bác thường xuyên kiểm tra việc tập luyện và sinh hoạt của chiến sĩ. Mỗi lần đi công tác nước ngoài về, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đều được Bác chia quà, quả táo, điếu thuốc lá hay cái kẹo, trong ông dấy lên niềm hạnh phúc, xúc động, "Vật tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng nhân ái bao la Bác dành cho những người lính cảnh vệ chúng tôi". 
Năm 1968, ông Lan trở về đi học trường bảo vệ nội bộ do tổng cục chính trị mở. Học xong ông chuyển về Nghệ An làm công tác bảo vệ nội bộ, ngày nay gọi là an ninh quốc gia của công an vũ trang Nghệ An. 1982, ông về hưu và trở thành cựu chiến binh gương mẫu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm nào ông cũng được nhận giấy khen là thành viên xuất sắc của hội cựu chiến binh, gương sáng của người cao tuổi. 
“Điều dễ nhận thấy ở cựu chiến binh Dương Trọng Lan là một con người dễ xúc động, gần gũi, tiết kiệm, trung thực, thẳng thắn, tích cực đi đầu trong các phong trào của địa phương, thường xuyên kể chuyện Bác Hồ cho thế hệ măng non một cách say mê, hứng thú. Thật vinh dự cho xã Thịnh Sơn nói riêng và huyện Đô Lương nói chung có một người được làm nhiệm vụ cao cả đó là bảo vệ cho Bác Hồ” – ông Nguyễn Hữu An – chủ tịch hội CCB xã Thịnh Sơn nhận xét.

Trở về đời thường, học tập theo tấm gương của Bác, ông sống gần gũi, giản dị.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng đổi mới. Những người vinh dự ở cạnh Bác Hồ như ông Dương Trọng Lan, được Bác Hồ dặn dò, thăm hỏi và quan tâm là niềm tự hào lớn mà ông luôn giữ trọn. được chứng kiến cảnh non sông thống nhất một nhà, nhân dân đoàn kết, tin tưởng nhau, hăng say lao động sản xuất, ông rất vui mừng phấn khởi.  Dẫu đã hàng chục năm trôi qua nhưng với ông Dương Trọng Lan phần thưởng lớn nhất, tự hào nhất cuộc đời ông đó là được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Thúy Hằng