Ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, rất đông người dân đã hành hương về các đền chùa trên địa bàn thành phố và ngoại ô để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, hoàn tất việc cúng gia tiên, nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới.
Chia sẻ của chị Hoàng Thị Tính ở xã Hưng Chính, thành phố Vinh: Năm nào gia đình tôi cũng có mặt ở chùa Cần Linh để thắp hương sau Giao thừa. Đến đây, bản thân tôi và các thành viên trong gia đình cảm thấy tinh thần thoải mái, cầu cho gia đình và nhà nhà hạnh phúc, mạnh khỏe.
Tại chùa Cần Linh và Đền Hồng Sơn, không khí tập nập hơn bởi ngày đầu năm mới theo phong tục của người Việt Nam đi lễ chùa đầu năm không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc ước nguyện, “cầu được, ước thấy”, mà ở đó con người ta có được giây phút quý giá để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại sau lưng bao nhọc nhằn, vất vả.
Không chỉ có đêm 30, từ sáng Mồng 1 Tết, người dân ở khắp nơi lại hành hương về chùa Đại Tuệ - ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất vùng đất Bắc Trung Bộ, nơi có không gian non nước hữu tình, văn hóa lịch sử lâu đời. Hòa mình vào dòng người đi lễ chùa ngày đầu năm mới, thành tâm hướng về nguồn cội, gạt bỏ những lo âu, phiền muộn của năm cũ, cùng ước nguyện một năm nhiều may mắn, hạnh phúc.
Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, trụ trì chùa Đại Tuệ, cửa phật là chốn bình yên, thanh tịnh, khi đi lễ chùa, quan trọng nhất là thành tâm, không nên sắm lễ, bái khẩn một cách phung phí và cầu kỳ. “Đến với cửa chùa, mọi người học được tinh thần từ bi, trí tuệ, vị tha, đạo đức tốt đẹp nơi cửa Phật, từ đó hoàn thiện nhân cách, sống tốt đời đẹp đạo”, Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trụ trì chùa Đại Tuệ nhấn mạnh.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng văn hóa đi lễ chùa xin lộc đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin