Văn hóa làng xã, sự cố kết cộng đồng của người Việt chính xác cũng có gốc rễ từ đây. Bởi từ sợi dây gắn kết dòng tộc, dòng họ, từ “tứ đại đồng đường” mà dần dần ở nhiều vùng quê hình thành nên những dòng tộc lớn, thậm chí có những thôn, làng chỉ duy nhất một dòng họ sinh sống. Bước qua cái cổng làng thì đều là người thân trong dòng tộc.
Tế Tổ đầu Xuân là nét đẹp truyền thống của họ Hồ và nhiều dòng họ khác tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: BNA |
Một điều dễ nhận thấy đó là người Việt rất chú trọng và xem trọng dòng họ. Nếu dòng họ càng lớn, càng nổi danh, thì bản thân mỗi người lớn lên, trưởng thành càng thấy tự hào, và càng tự hào càng phải nỗ lực để xứng danh với dòng họ. Thế mới có câu chuyện “vinh quy bái tổ”. Dù trải qua thăng trầm lịch sử, xã hội biến thiên, hội nhập phát triển, dù văn minh hiện đại thế nào thì đối với dòng họ, dòng tộc – cội nguồn sinh thành luôn được mỗi người Việt trân trọng, chăm lo, gìn giữ.
Xã hội càng phát triển, đặc biệt là sự tiếp biến, giao thoa và hội nhập của văn hóa phương Tây, các phong tục, lễ nghi của phương Đông, cụ thể là của Việt Nam chúng ta cũng đang dần được tối giản. Tết là một điển hình. Những năm gần đây, ngoài việc đơn giản hóa, nhẹ nhàng hóa các hoạt động ngày Tết, nhất là mâm cỗ, lễ nghi, nhiều người đã xem đây là kỳ nghỉ thực sự và riêng tư của cá nhân và gia đình. Nhiều người ở xa, thậm chí thay vì trở về nhà, về quê đã lựa chọn đi du lịch. Thế nhưng, có một ngày, mà dù ở đâu, đi đâu, làm gì mỗi người chúng ta đều nghĩ tới và muốn trở về: đó là ngày Rằm. Đến tận hôm nay, cúng rằm vẫn là tín ngưỡng bất biến của người Việt. Rằm là lúc mỗi người nhớ về cội nguồn, về gia đình dòng tộc. Rằm là nơi con cháu trong dòng họ, dù gần dù xa đều trở về tụ tập, quây quần. Và Rằm chính là dịp để báo hiếu, báo hỷ những thành tựu của mình với dòng họ, gia đình. Rất nhiều người ở xa, Tết có thể không thu xếp về quê được nhưng ngày Rằm thì nhất định sẽ về. Dù nơi đó không còn cha mẹ, dù gia đình đã chuyển đi sinh sống ở một phương khác, nhưng vì ở đó là cội nguồn, có gia tộc, có dòng họ, có nhà thờ…
Nghi lễ dâng hương, dâng rượu cúng Rằm tại nhà thờ họ. Ảnh: BNA |
Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nằm ven sông Lam của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - một miền quê như bao miền quê khác của Trung Bộ, Bắc Bộ. Trong làng của tôi, có những dòng họ lớn đến 200, hơn 200 hộ gia đình. Mà những năm 70, 80 của thế kỷ trước, có những gia đình có tận 12-13 người con. Điều đó để thấy rằng, số lượng người trong một dòng họ cực lớn.
“Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng”, tùy vào quy định và phong tục của mỗi vùng quê, dòng họ mà tổ chức cúng rằm tháng 7 hay rằm tháng Giêng, cũng có nhiều vùng quê, dòng họ tổ chức cúng cả hai. Quê tôi phần lớn là cúng rằm tháng Bảy, còn tháng Giêng chỉ làm lễ tại nhà. Chắc các cụ xưa kia quan niệm, vừa Tết xong, tổ chức rằm tháng Giêng cũng quá là cận ngày và liên tục, nên lựa chọn rằm tháng Bảy để làm lễ lớn giữa năm.
Tôi vẫn còn nhớ, mỗi dịp đến rằm, nhà nào nhà đó chuẩn bị mâm cỗ (xôi, gà), cứ đúng 7-8 giờ tối 14 âm lịch là đội lễ đến nhà thờ họ. Đã có những câu chuyện vui trong việc đội lễ và tập trung lễ ở nhà thờ. Những dòng họ lớn, nhiều đinh, không gian nhà thờ, bàn thờ đặt lễ hạn chế nên cỗ chồng lên cỗ. Mà ở quê hồi trước, cỗ là một cỗ xôi to vừa vặn cái mâm lớn chứ không phải như bây giờ chỉ đong một đĩa sứ bình thường. Vì là nhiều, và đặt lẫn với nhau nên xong lễ không ít người đã đội nhầm cỗ nhà khác về. Tháng Giêng còn đỡ, tháng Bảy có năm mưa dầm dề, thời đó còn khó khăn, đường sá lầy lội, cây cối còn um tùm, không đèn không đuốc, nhiều người đội lễ về chỉ còn xôi không còn gà hay thịt nữa. Vì đi qua rặng tre nào đó, gà/thịt ở trên mâm cỗ đã bị cành cây giữ lại mất rồi. Kể vài câu chuyện như thế để thấy rằng cũng Rằm bên cạnh giữ gìn gia phong, gia đạo thì cũng có những phong tục đã trở thành kí ức khó phai của nhiều người.
Sẵm lễ, đội lễ đến nhà thờ chỉ là một lễ nghi thôi, Rằm còn nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Đó là vào họ. Tức là gia đình, vợ chồng nào mới sinh con, thì Rằm là dịp công bố với cả họ và làm lễ vào họ, ghi danh vào gia phả dòng họ. Nếu là con trai thì tính là một đinh. Mỗi dòng họ có nhà thờ riêng, đến rằm sẽ theo thứ tự để chủ trì “câu đương”. Thực ra, đến nay tôi cũng chưa hiểu được hai từ này và cũng chưa tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Từ nhỏ nghe bố mẹ, người ở làng gọi như vậy. Ai câu đương thì sẽ chuẩn bị bày biện bàn thờ, sắm lễ chung và còn có cả xôi, gà, thịt để khi xong lễ mời cả họ ăn chung. Thường thì ai có con, cháu muốn vào họ sẽ đảm nhận câu đương luôn. Mỗi người đàn ông, con trai được tính là một đinh và khi đóng góp việc họ cũng chỉ tính trên mỗi đầu đinh để thu. ”Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” cũng chính là như thế và quan niệm này đã ăn sâu vào tận từng gia đình, dòng họ.
Ở quê tôi, cúng rằm theo nghĩa nhiều người hiểu thì chỉ tháng Bảy, nhưng mỗi năm còn có mấy lần việc họ, đó là vào tháng 2, tháng 8, tháng 11(có dòng họ cúng tháng 3, tháng 4…). Cũng diễn ra vào tối 14 âm lịch của tháng, nhưng không gọi là rằm mà là việc họ. Cách thức tổ chức cũng giống như cúng rằm. Tuy nhiên rằm thì sẽ làm lớn hơn, ngoài cúng ở nhà thờ họ tối 14, thì trưa 15 nhiều gia đình cũng tổ chức làm lễ tại gia, con cháu quây quần.
Trang trí chuẩn bị Rằm ở từ trường họ Trần Võ, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương. Ảnh: BNA |
Ngày nay, Rằm ở các vùng quê, miền quê xứ Nghệ vẫn là những lễ nghi, phong tục như thế. Tùy vào quy mô dòng họ, quy định hương ước dòng tộc để có những hoạt động khác, lớn hơn. Nhất là lễ cúng, mâm cỗ và còn có thêm hoạt động khuyến học, vinh danh những con cháu đỗ đạt, thành danh…Có những dòng họ các hoạt động cúng rằm kéo dài đến 2-3 ngày.
Trở lại với ý nghĩa và tín ngưỡng cúng rằm trong mỗi người Việt. Sau lũy tre làng đó chính là nơi chôn rau cắt rốn của mình. Những người xa quê thì làng xóm, dòng tộc đối với họ càng thiêng liêng và trân quý hơn nhiều. Đó là máu thịt, là kí ức tuổi thơ, là nơi neo giữ những tình cảm thiêng liêng nhất. Dù bôn ba bốn bể năm châu, dù tha phương lập thân lập nghiệp, thì gốc rễ, nguồn cội vẫn luôn đau đáu trong mỗi người. Vì thế về Rằm chính là hành trình về với anh em họ mạc, về với cội nguồn của mỗi người.
Đi xa để trở về, về để soi và tự sửa mình. Không có nơi nào, không có quy định nào có sức răn dạy và tầm ảnh hưởng đối với mỗi người lớn bằng gia phả dòng họ và nhà thờ họ. Và sau mỗi lần trở về, dù là Tết hay Rằm, khi bước qua cánh cổng làng mỗi người chúng ta đều cảm thấy ấm áp và thiêng liêng hơn. Trên hành trình cuộc đời, gia đình, dòng tộc, nguồn cội quê hương luôn là điểm tựa, là động lực để mỗi người phấn đấu, sống và làm được nhiều việc tử tế hơn, xưng đáng với gia đình, dòng họ, quê hương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin