Đất và người Xứ Nghệ

Lễ tưởng niệm 100 năm ngày mất của Liệt sỹ Phạm Hồng Thái

17:43, 23/06/2024
Sáng 23/6 (ngày 18/5 năm Giáp Thìn), tại Nhà thờ họ Phạm ở xã Châu Nhân, UBND huyện Hưng Nguyên tổ chức Lễ tưởng niệm 100 năm ngày mất của Liệt sỹ Phạm Hồng Thái.  
Lãnh đạo huyện, xã cùng con cháu đại diện gia tộc họ Phạm tham gia Lễ tưởng niệm.
Lãnh đạo huyện, xã cùng con cháu đại diện gia tộc họ Phạm tham gia Lễ tưởng niệm.

Liệt sỹ Phạm Hồng Thái (tên thật là Phạm Thành Tích) sinh năm 1895, quê quán xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, hy sinh tại Quảng Châu vào ngày 19/6/1924.

Khi đó, đồng chí Phạm Hồng Thái cùng tổ chức Tâm Tâm xã (tiền thân của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn - đã tổ chức ám sát Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin khét tiếng khi đang công tác tại Quảng Châu. Vụ ám sát bất thành, Toàn quyền Merlin chỉ bị thương.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên phát biểu tại buổi lễ.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên phát biểu tại buổi lễ.

Bị địch truy nã gắt gao, Liệt sỹ Phạm Hồng Thái đã gieo mình xuống dòng Châu Giang tự vẫn. Sự kiện này đã để lại tiếng vang rất lớn tại Trung Quốc cũng như trên thế giới với tên gọi “Tiếng bom Sa Diện”. "Tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn lửa chiến đấu”, “Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa Xuân”. 

Sau khi tìm được xác ông, chính quyền thành phố Quảng Châu lúc đó đã đứng ra đề nghị xin chôn cất. Năm 1925, Chính phủ Trung Hoa dân quốc chuyển nơi an táng đầu tiên của ông ở chân núi Bạch Vân về khu nghĩa trang Hoàng Hoa Cương ngày nay.

Nghi lễ trong buổi tưởng niệm.
Nghi lễ trong buổi tưởng niệm.

Phần mộ của Liệt sĩ Phạm Hồng Thái nằm sâu trong khu Công viên Hoàng Hoa Cương. Trước khuôn viên ngôi mộ có một tấm bia lớn ghi bằng chữ Hán lược thuật lại hành động anh hùng của ông.

Và sau 6 năm ngày “tiếng bom Sa Diện”, tại Hưng Nguyên - quê hương của Phạm Hồng Thái đã bùng lên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Liệt sỹ Phạm Hồng Thái.
 

Lễ tưởng niệm 100 năm ngày mất của Liệt sỹ Phạm Hồng Thái là dịp để chính quyền và Nhân dân bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; Tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, viết tiếp những trang sử mới, tô thắm thêm truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh./.

Nguyễn Hạnh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện