Văn hoá Xứ Nghệ

Mây tre đan mang lại thu nhập khá cho người dân vùng cao

11:22, 02/11/2022
Những năm gần đây, nghề mây tre đan đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc thiểu ở huyện miền núi Tương Dương. Không chỉ vậy, nghề còn góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
Trước sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến một số nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một, trong đó phải kể đến nghề may tre đan.
Để gìn giữ và phát triển nghề, những năm gần đây, các nghệ nhân làm nghề đàn lát ở huyện Tương Dương đã chú trọng đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, tính mỹ thuật mà vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Nhờ vậy, các sản phẩm được tạo ra đều được người tiêu dùng khắp nơi ưu chuộng, từ đó, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Để có được sản phẩm ưng ý, người làm nghề phải kỹ càng từ khâu chọn lựa và sơ chế nguyên liệu. Hơn 5 năm nay, ông Xeo Văn Quê (dân tộc Khơ Mú), trú tại bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương thay vì đi phát nương làm rẫy, ông ở nhà làm nghề đan lát. Các sản phẩm ông Quê thường làm là ghế mây, mâm mây, rổ,...

"Tôi biết đan lát từ nhỏ, nhưng mới tập trung làm nghề khoảng hơn 5 năm nay. Làm nghề mây tre đan mang lại thu nhập ổn định, lại giữ gìn được nét truyền thống của dân tộc", ông Quê chia sẻ thêm.

Vót mây hay tre nứa cũng cần cẩn thận và sự khéo léo để sợi mỏng. Có như vậy sản phẩm sẽ bền và đẹp hơn.
“Trung bình mỗi làm thủ công được khoảng 2 chiếc ghế mây. Mỗi chiếc được bán với giá khoảng 100 - 120 nghìn đồng. Sản phẩm làm đến đâu hết đến đó nên so với phát nương làm rẫy, nghề mây tre đan cho thu nhập ổn định hơn”, ông Ven Văn Phòng, trú tại bản Na Bè, xã Xá Lượng chia sẻ thêm.
Các sản phẩm làm từ mây tre đan không chỉ bền mà còn có tính thẩm mỹ cao, nên được người tiêu dùng ưu chuộng, đặc biệt là khách hàng ở Hà Nội.
Người dân tộc Thái cũng như người Khơ Mú ở Tương Dương có truyền thống đan lát từ lâu đời. Ông Vang Văn Vọng, trú tại bản Can, xã Tam Thái chia sẻ: “Lúc nào rảnh tôi lại đan. Nghề này giống như ngấm vào máu từ nhỏ nên không chỉ làm kinh tế, mỗi khi đan lát còn thoả niềm đam mê".
 
Với đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, các nghệ nhân vùng rẻo cao Tương Dương đã tạo ra những sản phẩm mây tre đan tinh xảo. Không chỉ tạo thu nhập ổn định, nghề đan lát còn góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc.

 

Đình Tuân

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện