Doanh nghiệp tự giới thiệu

5 dấu hiệu bạn chưa phù hợp với môi trường làm việc chuyên nghiệp

09:13, 11/03/2023
Trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường được nghe ứng viên chia sẻ mong muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, khi đã được làm việc tại môi trường mơ ước thì ứng viên lại có biểu hiệu cho thấy là người kém chuyên nghiệp.

Dưới đây là 5 dấu hiệu chứng tỏ bạn chưa phù hợp với môi trường làm việc chuyên nghiệp như mong muốn của các nhà tuyển dụng online lẫn trực tiếp. 

Trễ giờ

Bạn liên tục trễ giờ làm việc. Lý do đưa ra là tắc đường, xe gặp sự cố, có việc đột xuất… Công ty có thể thông cảm cho bạn đôi ba lần. Nhưng nếu tần suất đi muộn tiếp tục lặp lại, nó chỉ phản ánh, bạn là nhân sự thiếu chuyên nghiệp. Bởi một nhân sự chuyên nghiệp cần bắt đầu bằng sự tuân thủ đúng quy định, nội quy công ty. 
 

 

Việc trễ giờ thường xuất phát từ ý thức thiếu kỉ luật, xem nhẹ giờ giấc và kém nghiêm túc với công việc. Bởi đúng giờ không chỉ là đảm bảo giờ giấc theo quy định mà còn là đúng deadline, đúng tiến độ công việc. Nói cách khác, trễ giờ tức bạn chưa đủ nghiêm túc với công việc và sự tôn trọng dành cho công ty. 

Vậy nên, bạn đừng nghĩ trễ giờ là bình thường. Nếu không thay đổi tức bạn chưa phù hợp với môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Thiếu trách nhiệm với kết quả chung

Tại sao cùng hoàn thành công việc nhưng người khác được đánh giá cao hơn bạn. Rất có thể là bởi bạn chỉ chú tâm vào kết quả của mình mà không quan tâm đồng nghiệp có khó khăn hay vướng mắc gì. Còn nhân sự khác thì ngược lại. Bởi điều nhà quản lý quan tâm cuối cùng vẫn là kết quả chung của phòng ban.

Chưa hết, vì thiếu trách nhiệm với kết quả tập thể nên bạn thường không cân nhắc về quyết định của bản thân.

 

Ví dụ ngày mai phòng marketing tổ chức hội thảo ra mắt sản phẩm mới, bạn phụ trách phần âm thanh ánh sáng. Nhưng, hôm nay bạn xin nghỉ vì một lí do nào đó mà không có sự sắp xếp chu toàn. Rõ ràng bạn không quan tâm quản lý có tìm được nhân sự thay thế không và chất lượng công việc sẽ ra sao.

Nếu đang mắc lỗi này, bạn cần phải thay đổi ngay. Khi làm bất kể việc gì cần cân nhắc tới kết quả chung, chịu trách nhiệm cuối cùng với phần việc của bản thân. Đồng thời hãy luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội để cùng nhau đạt kết quả cao nhất. 

Chỉ làm vừa đủ

Nhân sự kém chuyên nghiệp có lối tư duy theo kiểu làm đúng việc được giao và hoàn thành vừa đủ. Họ thậm chí luôn muốn phần việc dễ hơn và ít hơn. Họ mong không có việc phát sinh hay phải làm thêm giờ. Tuy nhiên, khi người khác được khen thưởng, họ lập tức đòi hỏi, thậm chí tỏ thái độ.

Họ không hiểu, trong môi trường chuyên nghiệp, quan trọng nhất là kết quả. Thậm chí dù có báo cáo chi tiết công việc thì điều cuối cùng nhà quản lý quan tâm là giá trị bạn mang lại cho phòng ban, công ty. Điều đó lý giải vì sao những nhân sự thành công thường xuyên làm thêm giờ, thêm việc. Kết quả mang lại cho họ là kinh nghiệm, kỹ năng và sau đó cải tiến quy trình để tạo ra giá trị lớn.

 

Do đó, bạn cần thay đổi tư duy. Tìm hiểu sâu về công việc, sẵn sàng nhận thêm việc để học hỏi, phát triển bản thân; tìm ra giải pháp mới để nâng cao hiệu suất làm việc…

Làm việc dựa trên cảm xúc

Bạn chỉ làm những việc yêu thích, chỉ kết hợp với nhân sự có quan hệ tốt. Kiểu làm việc theo cảm xúc này khiến chất lượng công việc không ổn định, thậm chí không hoàn thành. Trong khi đó ở môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhà quản lý cần sự ổn định, hiệu quả; cần nhân sự có khả năng làm việc với đồng đội có tính cách đa dạng; có khả năng kết nối và xây dựng đội nhóm tốt. Họ không hài lòng khi giao việc nhưng lại phải cân nhắc xem các nhân sự có làm việc được với nhau không. 

Do đó, muốn trở nên chuyên nghiệp, bạn cần làm việc dựa trên hiệu quả, kết hợp với nhân sự đa dạng tính cách; tuân thủ sự phân công của quản lý.

Không có đề xuất, sáng kiến

Bạn mặc định nơi làm việc là công ty chuyên nghiệp nên mọi thứ đã hoàn hảo. Bạn không cần đề xuất hay đóng góp gì thêm. Thậm chí, thấy những điểm chưa phù hợp nhưng bạn cũng không ý kiến để thay đổi. Nhưng khi liên quan đến lợi ích cá nhân bạn lại là người có nhiều ý kiến nhất, thậm chí bạn chọn cách đi nói xấu công ty.

Trong khi đó, bất kể công ty nào cũng có những điểm chưa hoàn hảo, có những lỗ hổng cần phải kiện toàn. Sự góp ý, ý kiến của nhân sự sẽ giúp công ty hoàn thiện vấn đề đó.

Bạn cần có trách nhiệm giúp công ty hoàn thiện hơn. Do vậy, thay vì trách móc, bạn hãy đề xuất giải pháp, đưa ra ý kiến để cải thiện vấn đề cho công ty.

Trên đây là 5 dấu hiệu bạn chưa phù hợp với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nếu không sớm thay đổi, nó trở thành rào cản ngăn bước tiến trong sự nghiệp của bạn.

Nam Khánh


 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện