Tuổi thơ và những ngày đầu tham gia cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh
Vào tháng 12/2015, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản cuốn hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh nhan đề “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” với lời tựa của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một cuốn sách quý về cuộc đời đi theo cách mạng của một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Báo Điện tử Tiền Phong xin trân trọng giới thiệu Chương 1 cuốn Hồi ký với nhan đề Tuổi thơ và những ngày đầu tham gia cách mạng:
Tôi sinh ngày 1-12-1920 trong một ngôi nhà tranh tại gia đình ông bà nuôi ba tôi ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quê gốc của tôi ở xứ Truất, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Tên ba má đặt là Lê Văn Giác. Năm đầu tiên đi học, mắt kém, lại tên là Giác, vần G thì phải ngồi ở phía sau, nên thầy giáo nói với ba má tôi đổi tên sang vần A để được ngồi lên phía trên, nhìn bảng cho rõ hơn. Ba má tôi nhất trí với thầy đổi tên Giác thành tên Anh. Và tôi mang tên Lê Đức Anh từ đó.
Gia đình tôi mấy đời làm ruộng. Ông nội tôi là Lê Thảng, sinh ngày 6-11-1861, mất ngày 11-5-1939. Ông là một sĩ phu từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Bà nội là Cung Thị Quyến, ngày tháng năm sinh, gia đình không nhớ, chỉ nhớ là bà mất ngày 18 tháng 9. Ông bà sinh được sáu người con (hai trai, bốn gái). Ba tôi là con trai cả, tên khai sinh là Lê Quang Túy, sinh ngày 25-11-1885, dân làng thường gọi là "Thầy khóa Túy". Ba tôi mất ngày 23-6-1969. Khi đó, tôi đang cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ huy đánh địch trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Má tôi là Lê Thị Thoa, sinh năm 1886, mất ngày 16-11-1967. Khi đó, tôi đang cùng Bộ Chỉ huy Miền khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Ông bà nội, ông bà ngoại và ba má tôi đều ở xứ Truồi, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Phú Lộc là huyện cửa ngõ phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế 39km.
Quê tôi có núi Truồi và sông Truồi. Sông Truồi bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây của huyện Phú Lộc đổ ra phá Tam Giang. Sông Truồi có nguồn nước dồi dào làm cho làng xóm hai bên bờ trở nên sầm uất và làm cho cánh đồng quê tôi tươi tốt.
Bà cô của ba tôi là Lê Thị Kiêm lấy chồng ở làng Trường Hà, xã Vĩnh Phú, huyện Phú Vang. Chồng bà là ông Lý Quang Cảnh làm thầy thuốc và dạy chữ Nho. Ông bà sống hiền lành, chân chất nhưng không có con. Theo sự sắp xếp của gia đình, ba tôi sang làm con nuôi của ông bà. Ông bà nuôi truyền nghề làm thuốc Đông y cho ba tôi và cho ba tôi học chữ Nho, rồi cưới vợ cho. Ba má tôi sinh được 13 người con, 4 người chết lúc nhỏ, còn 9 người. Anh chị em chúng tôi đều sinh ra ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang.
Trường Hà là một làng quê nghèo bên phá Tam Giang. Ruộng canh tác rất ít, đất pha cát rất khó cấy trồng và trồng cây gì cũng phải khổ công chăm bón. Ngày trước, người dân quê tôi thường xuyên phải chịu cảnh làm ruộng nhờ trời. Mùa màng thất bát liên miên. Đa số các gia đình trong làng quanh năm thiếu ăn, nên người dân phải đi các nơi làm thuê kiếm sống. Người dân đi làm cật lực từ lúc gà gáy sáng đến tối mịt mới về, vậy mà tiền công chỉ được một hào mỗi ngày; trong khi đó còn phải nộp thuế thân, mỗi suất đinh là một đồng mỗi năm.
Thực dân Pháp coi chế độ thuế thân là nguồn thu quan trọng. Thuế điền thổ cũng là gánh nặng đối với nông dân. Ai không có tiền nộp thì bọn hương kiểm, trương tuần bắt ra đình làng, lấy cây đóng nẹp dưới nền đất và cột hai chân vào đó. Người nhà phải mang khoai sắn ra nuôi, rồi chạy cầm cố ruộng nương, vườn tược để lấy tiền đóng sưu nộp thuế. Thừa cơ, bọn địa chủ lợi dụng lúc người dân khó khăn xùy tiền, xùy thóc cho vay nặng lãi. Nhà thiếu sưu thuế, có người đau ốm phải đến vay để thuốc thang, chạy chữa. Vay đến hạn không trả nổi thì địa chủ xiết ruộng đất, nhà cửa và cho người đến ăn vạ, đòi nợ. Khi nào gia đình trả hết nợ, chúng mới ra khỏi nhà. Quê hương xơ xác, tiêu điều, người dân lương thiện sống lam lũ, khổ nhục, ốm đau, sợ hãi quanh năm suốt tháng. Bộ máy cai trị ở quê tuy ít nhưng quản lý người dân rất chặt. Nhà nào, người nào làm gì, đi đâu hương kiểm đều biết hết. Người dân sống nghèo đói nên thường xuyên ốm đau, bệnh tật mà không có thuốc chữa. Những trận dịch đậu mùa, rồi dịch thổ tả như những cơn gió độc đã quét đi hàng loạt mạng sống của người dân. Một trận dịch đậu mùa đã khiến tôi bị hỏng một bên mắt trái, đôi chân yếu không đi lại được. Tôi tự luyện tập kiên trì cũng phải mất một năm trời. Nạn đói kém, ốm đau, bệnh tật, cộng với sự bóc lột hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến đã đẩy người dân quê tôi đến bước khốn cùng. Tôi đã nghe nhiều cụ già than thở: Cơ sự thế này thì rồi dân làng mình cũng chết mòn chết mỏi hết thôi!
Sự nghèo đói cũng đi liền với thất học. Hầu hết người dân quê tôi không biết chữ, một vài người được gọi là có học thì cũng chỉ học được một ít chữ Nho, biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ, và biết mấy phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Muốn học lên tiếp thì phải đi xa nhà, nhưng cũng chỉ được đi học một vài năm khi còn nhỏ tuổi, lớn lên một chút là phải đi làm để kiếm sống.
Nhà tôi, ông và ba tôi có thêm nghề thầy thuốc, phần lớn là chữa bệnh cứu người, làm phúc, song cuộc sống cũng đỡ cơ cực hơn. Tuy nhiên, gia đình đông con nên ba má tôi phải tần tảo, bươn chải, vừa làm ruộng, vừa làm thuốc, vừa đi làm thuê kiếm sống.
Làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ, khoai sắn là chính, nhưng ba má tôi vẫn chăm lo cho các con học hành. Tôi được ba má cho là sáng dạ nên ưu tiên cho đi học từ nhỏ. Lên 5 tuổi, tôi học chữ Nho tại nhà. Từ 6 tuổi đến 10 tuổi, tôi học chữ Quốc ngữ ở làng Dưỡng Mong và trường An Lương Đông, huyện Phú Lộc. Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những cái bẹ nang của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân.
Năm tôi 11 tuổi, ba má cho tôi ra thành Vinh (Nghệ An) để chị gái Lê Thi Hiệp (tức Nở) và anh rể nuôi ăn học. Anh rể tôi là Trần Quát, cũng người làng Trường Hà, Phú Vang, làm nghề dạy học ở thành Vinh. Người xứ Nghệ cũng nghèo, bữa ăn chỉ khoai, sắn, tương, cà, thường có canh chua và một món rất phổ biến, hầu như nhà nào cũng có, đó là sơ mít muối với dọc mùng, dân xứ Nghệ gọi là món "nhút". Tôi ở với anh chị, hằng ngày ăn cơm độn khoai, sắn, với canh chua và món "nhút" cổ truyền ấy. Dân thành Vinh hồi đó sống trong không khí trầm lặng bao trùm, suốt ngày cặm cụi làm ăn. Thực ra đây là kết quả của sự đàn áp, kìm kẹp của chính quyền thực dân Pháp. Sau khi cao trào cách mạng 1930 -1931, mà đỉnh cao là Xô Viết – Nghệ Tĩnh bị Thực dân Pháp dìm mong "biển máu", phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh những năm sau đó gặp muôn vàn khó khăn. Cuộc khủng bố, tàn sát những năm 1930, 1931 để lại nỗi uất hận, buồn đau cho người dân nơi đây. Phú Vang quê tôi cũng nghèo khó, nhưng thỉnh thoảng còn có chút văn nghệ, người dân vừa làm nương vừa hát đôi câu hò xứ Huế để vơi bớt nhọc nhằn. Còn ở Nghệ An thì không khí thật buồn. Thời gian đầu, nhớ nhà, nhớ quê..., tôi định bỏ về, vì anh tôi lương cũng chẳng có bao nhiêu, nay lại phải nuôi thêm tôi ăn học và gửi tiền nuôi em ăn học ở Huế. Anh chị nhủ tôi:
- Nhiều no, ít đủ, em cố gắng nán lại học thêm chút đỉnh.
- Anh chị xem có việc gì để em làm thêm, giúp anh chị?
Tôi hỏi anh chị.
- Em cứ tập trung học cho tốt, về quê không có điều kiện để học đâu - Anh chị tôi lại động viên.
Người xứ Nghệ hiếu học, cùng học với tôi có nhiều bạn học giỏi và rất thương nhau.
Học trò tiểu học phải học toàn bằng tiếng Pháp. Những ngày sống ở thành Vinh, một hình ảnh đã ăn sâu trong ký ức của tôi là dân ta nghèo khổ quá, đói triền miên.
Học hết tiểu học ở trường Vinh, tôi trở về quê Phú Vang giúp đỡ ba má, ông bà làm nông nghiệp. Các anh chị tôi dạy tôi cách trồng khoai, trồng sắn. Hằng ngày, tôi và chị tôi lội xuống phá Tam Giang lấy cây rong về làm phân và phủ lên luống khoai, luống sắn, rồi gánh nước tưới cho khoai, sắn. Khoai, sắn quê tôi trồng trên đất cát nên rất ngon, khoai ngọt, sắn bùi, nhiều bột. Anh chị em tôi sống và lớn lên nhờ củ khoai, củ sắn là chính.
Ba má tôi yêu thương nhau hết mực và tất cả vì con cái, sống chan hòa, gắn bó với bà con xóm giềng. Ba má tôi luôn dạy con cái phải biết thương yêu, kính trọng mọi người, biết ơn những người giúp đỡ gia đình lúc khó khăn.
Ba má tôi quanh năm làm lụng vất vả, bươn chải để nuôi 9 anh chị em tôi gồm 2 trai, 7 gái. Tôi là con thứ bảy. Các gia đình anh chị em tôi đều tích cực tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Có gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng dưới hầm nhà; hai anh đều là liệt sĩ: anh Trần Mạnh Kiếp - chồng chị Lê Thị Ngọc Tỷ và anh Hồ Nguyên - chồng chị Lê Thị Kha - đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đến nay, sáu anh chị tôi đã qua đời, chỉ còn tôi và hai em gái Lê Thị Thể (hiện đang sống ở Đà Nẵng) và Lê Thị Xoan (hiện sống ở Huế).
O Lê Thị Xoan, thường gọi là Soan, tham gia cách mạng từ lúc còn trẻ, làm cán bộ Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Phú Lộc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Còn nhớ, cuối năm 1953, sau khi dự hội nghị ở Việt Bắc, tôi trở vào Nam Bộ, về đến chiến khu Phú Lộc, tình cờ tôi gặp o Xoan hoạt động ở đây. Phải mấy phút sau o Xoan mới nhận ra tôi. O xúc động nói:
- Anh Lê Đức Anh phải không? Trời ơi, khi em đọc tờ báo Nhân Dân có bài "Đồng Tháp Mười đánh giặc" ký tên anh, thì em và gia đình mới tin là anh còn sống. Anh gầy và đen quá.
- Gia đình, ba má cùng các anh chị và các em vẫn khỏe chứ? – Tôi hỏi.
- Gia đình ta trong vùng địch hậu, em hoạt động ở chiến khu nên cũng ít gặp - O Xoan trả lời.
- Em hãy giữ gìn sức khỏe, hoạt động công tác cho tốt. Anh có ít tiền công tác phí, nhờ em mua tấm vải lụa may quần áo cho ba má và nói là anh gửi về biếu ba má để ba má vui - Nói xong, tôi lại vội đi theo đoàn.
Thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, o Xoan làm Bí thư Chi bộ làng Bàn Môn, bám trụ hoạt động ở quê nhà. O Xoan bị địch bắt, kết án và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ ba năm. Sau giải phóng miền Nam, o Xoan công tác tại trường trung cấp y tế tại Huế. Nay o Xoan đã nghỉ hưu.
Hồi đó, sáng sáng ba tôi ăn khoai hoặc sắn luộc, uống nước chè xanh rồi đi làm đồng, trưa về ăn mấy bát cơm độn khoai hoặc sắn rồi ngồi đọc sách chữ Nho. Do tính tình ba tôi cởi mở, hiền hòa nên bạn bè chòm xóm thường đến nhà tôi trò chuyện vào các buổi tối và những lúc rỗi việc nông. Bên ấm nước chè xanh và điếu thuốc rê, chuyện mùa màng, chuyện làng, chuyện nước thật rôm rả.
Má tôi rất cần cù, quanh năm suốt tháng bận việc đồng áng, việc nội trợ gia đình hầu như không lúc nào ngơi tay. Má tôi ít khi kêu ca, phàn nàn điều gì. Có lẽ cuộc sống khó khăn đã rèn luyện cho má tôi đức tính kiên nhẫn. Má thường dạy chúng tôi phải biết kiên trì vượt lên khó khăn và luôn vui vẻ đón nhận khó khăn. Chính tính nhẫn nhịn, chịu thương, chịu khó của má tôi và người dân quê tôi đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của anh chị em tôi.
Ông bà nuôi coi ba má tôi như con đẻ và yêu quý chúng tôi như cháu ruột của mình. Ba má tôi ngày ngày chăm sóc tận tình ba má nuôi lúc khỏe cũng như lúc đau yếu và chúng tôi cũng rất yêu quý, kính trọng ông bà nuôi.
Khi bố nuôi của ba tôi qua đời, đám tang được tổ chức rất lớn, người dân cả vùng đến đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó, mẹ nuôi của ba tôi cũng qua đời. Ba má và anh chị em tôi sinh sống ở đây một thời gian, rồi gia đình trở về xứ Truồi, làng Bàn Môn, huyện Phú Lộc phụng dưỡng ba má đẻ.
Các ông cậu bên ông bà ngoại rất quý ba má tôi nên tới thăm luôn và thường ngồi góp chuyện thân tình với xóm giềng. Các ông thích nói "chuyện nước" xưa và nay về các danh nhân, những người có công với dân, với nước, rồi kể chuyện Phan Đình Phùng, chuyện Phan Bội Châu, v v.. Tôi tò mò nên cũng chăm chú nghe. Những lúc mọi người chuyện trò, bàn luận, ba tôi thường chỉ im lặng. Ông Giảng - cậu tôi - là người theo đạo Cơ Đốc. Có người hỏi ông tại sao theo đạo Cơ Đốc, ông bảo:
- Tôi theo Chúa nhưng đâu có bỏ tổ tiên, ông bà, mà tôi cầu Chúa phù hộ cho ông bà, tổ tiên, vì Chúa là người nhân từ, ưa làm việc thiện, ghét điều ác.
Ông Giảng hay tranh luận với ông Lê Bá Dị - cũng là cậu tôi, ông Giảng nói:
- Dân ta nghèo là tại Tây. Tây đô hộ, bảo vua ta, chính phủ ta làm gì thì phải làm theo.
Thấy ông giải thích và lý luận như vậy, ba tôi vẫn ngồi im chẳng nói gì. Còn ông Lê Bá Dị thì hay ca ngợi một người có tên là Nguyễn Ái Quốc. Ông bảo:
- Nguyễn Ái Quốc cũng là người An Nam, là người của Đệ tam Quốc tế Cộng sản. Tôi tin là Nguyễn Ái Quốc sẽ cứu được nước ta ta khỏi cảnh nô lệ của Tây.
Hai ông cậu tranh luận nhau nhưng không gay gắt và không mâu thuẫn. Còn ba tôi thì chỉ ngồi nghe.
Ông Dị thường bảo:
- Cộng sản họ có cờ búa liềm. Búa là biểu tượng cho thợ thuyền, còn liềm là hình ảnh của dân cày, hai lực lượng này sẽ hợp nhau lại để tranh đấu cho quyền lợi của thợ thuyền và dân cày.
Năm 15 tuổi, tôi đi làm gia sư, dạy chữ Quốc ngữ cho một số con cháu của người bà con trong làng, chủ yếu là ở Dưỡng Mong. Ngoài giờ đi làm gia sư, tôi còn đọc báo, đọc sách cho ba má, anh chị em trong gia đình và những người bạn của ba tôi đến chơi cùng nghe vì ở nông thôn, những người ít tuổi mà biết chữ Quốc ngữ, biết tiếng Pháp không nhiều. Tôi đọc các tờ báo lưu hành công khai lúc bấy giờ như Nhành lúa, Lao động, Thời báo, Dân,... Nhà sách Hương Giang đã phát hành những cuốn sách như Vấn đề dân cày, Đông Dương với vấn đề phòng thủ, Giá trị lao động..., những sách báo này được ông Lê Bá Dị đưa về cho ba má tôi. Mọi người được nghe đọc sách báo rất thích. Hồi đó, những cuốn sách viết về dân An Nam khởi nghĩa chống lại sự xâm lược và đô hộ của các triều đình phương Bắc nhiều lắm, mà Tây cũng không cấm, cứ đọc thoải mái. Mọi người còn thích nghe tôi đọc các truyện đưa về Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, rồi truyện Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, v.v.
Làm gia sư ở làng Dưỡng Mong một thời gian, tôi xin ba má đi làm gia sư ở Huế. Hồi đó Huế là kinh đô của nước An Nam. Huế rất buồn. Chiều tối trên dòng Hương Giang, những câu hò Huế lại ngân lên, nghe buồn da diết, đến nay tôi vẫn còn nhớ:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm,
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non
Ở Huế, hầu hết quan Tây, quan ta đều đi lại bằng ôtô và xe kéo tay. Người làm nghề kéo xe cực lắm, có lúc phải trèo tới ba người, xe nặng, khi kéo lên dốc mồ hôi vã ra ướt như tắm. Đã thế khách lại hay dận gót giày xuống sàn xe, giục "Nhanh lên". Có lần tôi hỏi một phu xe làm nghề kéo xe cực thế sao bác không kiếm nghề khách thì họ bảo đói, đầu gối phải bò. Ở thành Huế thời ấy, cảnh phu kéo xe tay rất phổ biến và cách kiếm sống lao lực này đã hằn sâu trong trí nhớ tuổi thơ của tôi, đến nỗi hễ nghĩ tới "Huế xưa" là cảnh xe kéo lại hiện về. Chỉ làm gia sư ở Huế một thời gian thôi, nhưng Huế đã để lại trong tôi một nỗi buồn trầm mặc.
Đến năm 1935, có những tài liệu nói về nước Nga Xôviết, mặc dù thực dân Pháp cấm không cho lưu hành, nhưng ông Lê Bá Dị và những người bạn của ông vẫn đưa cho tôi đọc. Về Nguyễn Ái Quốc thì chỉ nghe kể chứ không có tài liệu, báo cũng không có, vì bị kiểm soát rất chặt chẽ.
Thời gian này, ba tôi thường ngồi trầm ngâm. Thỉnh thoảng ông có đọc thơ, nhưng toàn thơ buồn, rồi ngâm Kiều. Tôi nghe ba ngâm câu "Buồn trông cửa bể chiều hôm; Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa" mà tưởng rằng cụ Nguyễn Du viết về quê mình. Vì quê tôi cũng có cửa biển Tư Hiền, dọc phá Tam Giang và các thuyền buồm ở đây thường chở hàng (chủ yếu là đường và chiếu) ra Huế và ngược lại, chở hàng từ Huế vào Quảng Nam.
Từ năm 1936 trở đi, tình hình chính trị - xã hội trong và ngoài nước có những chuyển biến quan trọng. Năm 1936, Mặt trận Bình dân ở Pháp thắng cử, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp cử phái viên Gustin Godart (Guýtxtanh Gôđa) thuộc Đảng Xã hội sang điều tra tình hình kinh tế - xã hội ở Đông Dương. Sự kiện này đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng nước ta. Có khá nhiều tài liệu từ Pháp gửi về nước, chủ yếu là các bài viết của Nguyễn Ái Quốc vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với người dân ở các nước thuộc địa, trong đó có Đông Dương và An Nam, và nói về cuộc sống tự do, hạnh phúc của nhân dân lao động ở nước Nga Xôviết. Tại Thừa Thiên - Huế quê tôi, dạo đó, tài liệu được truyền nhau công khai. Tôi được biết ở Nghệ An thành Vinh, sau những ngày Xôviết Nghệ - Tĩnh bị đàn áp, phong trào cách mạng cũng lớn mạnh. Hội nghị Trung ương tháng 7-1936, quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh đòi tự do cơm áo, dân chủ, hòa bình. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã kịp thời phát động một phong trào đấu tranh rầm rộ khắp các địa phương theo tinh thần mà Trung ương đã chỉ ra. Trong tôi lúc đó đã xuất hiện một khao khát, tuy còn mơ hồ, chưa rõ nét, nhưng nó đang lớn dần. Từ không khí của phong trào dân chủ, sự hiểu biết của tôi cũng được nâng lên rất rõ.
Tôi đọc các tin hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế Đảng Xã hội Pháp, sau đó là đọc các sách của Mác để tìm hiểu về các vấn đề như giai cấp là gì, chủ nghĩa tư bản,... Khi đọc về chủ nghĩa tư bản, tôi đọc cả bản tiếng Pháp và bản dịch của Hải Triều, nhưng đọc nhiều lần vẫn chưa hiểu do trình độ học vấn thấp. Rồi đọc về cương lĩnh của các đảng, tôi thấy các cương lĩnh, kể cả Cương lĩnh của Đảng Xã hội Pháp cũng không nói về giải phóng thuộc địa, chỉ có Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Pháp là nói về giải phóng thuộc địa. Ông Lê Bá Dị nói Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Đảng Cộng sản Pháp là thành viên của Đệ tam Quốc tế. Từ việc đọc sách báo, tôi cũng hiểu thêm về Nguyễn Ái Quốc và Mặt trận Bình dân của nước Pháp. Những tài liệu này đã có ảnh hưởng mạnh tới phong trào cách mạng của nước ta. Với riêng tôi, đã bắt đầu có nhận thức về chính trị - xã hội và cái niềm khát khao ban đầu còn mơ hồ thì nay đã rõ dần, là muốn làm một điều gì đó cùng với người dân lam lũ quê tôi đặng thay đổi cuộc sống lầm than, cơ cực. Có lần ông Lê Bá Dị bảo tôi:
- Cháu đã được đọc nhiều, cháu có hiểu biết, cháu hãy cố gắng làm việc tốt để giúp gia đình và giúp người dân quê ta.
- Dạ, cháu sẽ số gắng - Tôi trả lời nhỏ nhẹ.
Bạn bè làng xóm cùng trang lứa với tôi cũng có nhiều, nhưng từ nhỏ tôi chơi thân với anh Hoàng Văn Viễn, anh hơn tôi 3 tuổi, mọi người vẫn gọi anh là Viết. Vì thích đọc sách báo nên tôi hay đến nhà anh. Bố anh Viết tên là Hiến (thường gọi là Kiểm Hiến). Quê tôi cát trắng bạc màu, nhưng ông lại có cái vườn khá tươi tốt và hấp dẫn. Xung quanh vườn, ông đào mương và trồng những hàng cây dương để giữ ẩm, bên trong trồng cam, quýt làm cho mảnh vườn rất đẹp. Từ thu nhập của vườn này ông cho con lên Huế học chữ. Anh Viết vừa đi học, vừa làm vườn giúp cha. Năm 1936, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Người dìu dắt và gợi ý với tổ chức bồi dưỡng, thử thách và kết nạp anh Viết là ông Lê Bá Dị. Mãi sau này, tôi mới biết ông Lê Bá Dị là Tỉnh ủy viên, ông cùng trang lứa và hoạt động với ông Đô Tram - Huyện ủy viên huyện Phú Vang. Anh Hồ Nguyên lầ anh rể tôi và là láng giềng với ông Đỗ Tram. Anh Hồ Nguyên cũng được ông Đỗ Tram kết nạp vào Đảng. Anh Hoàng Văn Viễn và anh Hồ Nguyên hoạt động cùng thời với nhau và trước tôi. Mỗi lần đọc sách báo cho mọi người nghe, những điều chưa biết hoặc chưa hiểu, tôi thường hỏi ông Dị và ông đã giải đáp cho tôi hiểu rồi hướng dẫn tôi cách tuyên truyền bằng sách báo.
Cuối năm 1936, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và dư luận tiến bộ Pháp, chính quyền thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho một số chính trị phạm. Nhiều tù chính trị được trả tự do trong đó có ông Đỗ Tram.
Hưởng ứng cuộc vận động "Đông Dương Đại hội" của Đảng, ngày 20-9-1936, Đại hội nhân dân toàn kỳ được từ chức, Phú Vang có một số đồng chí tham dự. Tại đại hội này, đại biểu các ngành, các giới đã lớn tiếng đòi tự do, dân chủ, đòi các quyền lợi kinh tế, chính trị. Lần đầu tiên trên diễn đàn của Viện Dân biểu, tiếng nói của công nông và những người thiết tha với tự do, dân chủ đã gây được ấn tượng mạnh mẽ.
Từ chỗ được giao việc đọc sách, báo cho dân chúng nghe, tôi được giác ngộ và năm 17 tuổi tôi chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Đầu năm 1937, nghe tin đại diện của Chính phủ Pháp sẽ sang điều tra tình hình ở Đông Dương, một cuộc vận động rất sôi nổi đã diễn ra ở Thừa Thiên - Huế. Tôi được anh Hồ Nguyên giao nhiệm vụ đi vận động lấy chữ ký của nông dân các làng vào danh sách yêu cầu đối với thực dân Pháp. Cuộc vận động hồi đó gọi là "lấy yêu cầu" chứ không nói là "yêu sách", trong đó có hai nội dung rất thiết thực đối với dân chúng, một là giảm thuế điền thổ, hai là bỏ thuế thân. Hồi đó, chúng tôi tích cực đi vận động. Lúc này ba tôi vui lắm và động viên tôi hoạt động. Có thể nói, "phong vào dân chủ" đã nhanh chóng trở nên sôi nổi, rộng khắp. Từ chỗ đấu tranh đòi giảm thuế đã tiến tới đòi giảm đi xâu, giảm sưu, giảm phu phen lao dịch, đòi tự do, hòa bình. Đây là cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu, thể hiện khí thế đấu tranh của các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện khẩu hiệu của Mặt trận Dân chủ do Đảng lãnh đạo. Lúc này tôi hiểu thêm những việc làm của ông Đỗ Tram thông qua anh Hồ Nguyên và ông Lê Bá Dị.
Tôi tham gia hoạt động cách mạng bắt đầu từ việc đọc sách, báo, tuyên truyền cho dân chúng, trao đổi với nhau về tình hình đất nước bàn cách đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến, đòi tự do, dân chủ,.... ở làng quê.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1-5-1938), ông Đỗ Tram và ông Lê Bá Dị, sau đó anh Hồ Nguyên và anh Hoàng Văn Viễn (tức anh Huỳnh Văn Viết) đến nhà tôi. Ông Đỗ Tram nói: Hôm nay Chi bộ đồng ý cho cháu Lê Đức Anh vào Đảng Cộng sản. Anh Huỳnh Văn Viết và anh Hồ Nguyên là hai người giới thiệu. Anh Viết chính là cậu thiếu niên mà tám năm trước (năm 1930) đã giao cho tôi cất giấu lá cờ cách mạng. Và, đêm 30 tháng 4, rạng ngày 1-5-1930, tôi đã bí mật trao lá cờ cho anh Viết treo trên ngọn phi lao ở chợ Trường Hà bên phá Tam Giang.
Phải nhận rõ trong bối cảnh xã hội những năm 1930 - 1940, khi mà người ta tình nguyện vào Đảng Cộng sản tức là sẵn sàng đón nhận mọi sự nguy hiểm, bắt bớ, tra tấn, tù đày từ bộ máy cai trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến, thì mới hiểu được bằng, lúc đó muốn giác ngộ quần chúng để phát triển lực lượng cách mạng, cán bộ, đảng viên cộng sản phải chọn nơi tin cậy mà nơi tin cậy đầu tiên chính là những người thân trong gia đình, họ mạc của mình. Ông Lê Bá Dị và ông Đỗ Tram đã giác ngộ và kết nạp ba chúng tôi vào Đảng (tôi, anh Hồ Nguyên và anh Hoàng Văn Viễn) trong bối cảnh như vậy.
Cuối năm 1938, đầu năm 1939, ở nước Pháp, Chính phủ của Đảng Xã hội bị đổ, phái hữu lên nắm quyền. Sự biến động về chính trị này lập tức ảnh hưởng trực tiếp đến các nước thuộc địa của Pháp, trong đó nó Đông Dương. Bắt đầu diễn ra một cuộc khủng bố, bắt bớ quyết liệt, nhiều đảng viên và người yêu nước đã bị bắt.
Tháng 10-1939, thực dân Pháp thực hiện cuộc khủng bố ở Thừa Thiên, hầu hết các đồng chí đảng viên huyện Phú Vang bị bắt. Hệ thống cơ sở bị vỡ, phong trào cách mạng Phú Vang bị tổn thất nặng nề; số cơ sở còn lại phải rút vào hoạt động bí mật nhằm bảo đảm duy trì những hoạt động của Đảng sau này. Anh Hồ Nguyên bảo tôi: "Cậu phải lánh đi ngay không là nó bắt". Nhưng rồi ngay sau đó anh Nguyên và anh Viễn cũng bị chúng bắt. Trước tình hình đó, tổ chức cộng sản chủ trương: tất cả đảng viên rút vào hoạt động bí mật, tự thân di tản để bảo toàn lực lượng, khi có thời cơ thì tìm cách bắt liên lạc với tổ chức tiếp tục hoạt động cách mạng.
Một ngày cuối năm 1939, tôi bí mật ra đi. Đêm hôm trước, tôi và ba tôi đã tâm sự nhiều điều. Biết tình hình địch vây ráp, bắt bớ, nên ba tôi khuyên:
- Trong thời buổi khó khăn này, con phải tự lo cho bản thân và giữ sức khỏe. Ba má và gia đình rất tin tưởng con.
Thế là một quãng đời mới của tôi bắt đầu - quãng đời xa quê hương, tự lực kiếm sống để có điều kiện hoạt động, sớm tìm đến với tổ chức cách mạng.
Theo hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”