Trong tâm thức dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được một cái phúc lớn, có phúc nên mới được sống lâu, mới có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Theo truyền thống dân gian, lễ chúc thọ được bắt đầu từ 60 tuổi. Ngày nay, đời sống ngày một cải thiện, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi ngày càng tốt hơn nên độ tuổi mừng thọ được bắt đầu từ 70 tuổi trở lên và việc mừng thọ cũng không chỉ còn trong quy mô gia đình, dòng họ mà được cả xã hội quan tâm.
Lễ mừng thọ thường được diễn ra từ ngày Mồng 4 Tết tại nhà văn hóa hoặc đình làng theo những nghi thức, phong tục truyền thống của địa phương. Sau lễ mừng thọ chung, con cháu các cụ về tổ chức mừng thọ tại gia đình. Trong lễ mừng thọ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, thường là y phục khăn đóng, đi hài, trang phục màu đỏ hoặc màu vàng tùy tuổi thọ, ngồi nơi trang trọng nhất trong nhà, con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu và đào, kính lễ cha mẹ, sau đó làm tiệc mừng thọ. Trong lễ này, ngoài con cháu trong gia đình, còn có họ hàng nội ngoại gần xa và khách đến chúc mừng, chứng kiến niềm hạnh phúc của các cụ và con cháu. Truyền thống tốt đẹp này của dân tộc càng làm cho những ngày xuân thêm phần ấm cúng.
Khả năng tổ chức mừng thọ cũng tuỳ hoàn cảnh gia đình nên không có quy định bó buộc. Những gia đình có điều kiện có thể làm lễ tế sống. Ông bà cha mẹ được mời ngồi chính giữa, con cháu theo thứ tự bái lạy dâng rượu rồi sau đó tổ chức liên hoan cỗ bàn ăn uống. Dẫu hình thức có đôi chút khác nhau nhưng lễ tổ chức to hay nhỏ, đơn giản hay linh đình đều thể hiện được niềm vui của cháu con vì có người sống thọ.
Ông Lê Văn Thọ xóm Tháp Bai xã Nghĩa Liên cho biết: “Năm nay, tôi mừng thọ 80 tuổi. Điều vui mừng nhất là con cháu ở xa đều về đầy đủ. Với tôi sự quan tâm của địa phương, của người dân trong xóm và đặc biệt là sự sum vầy của cháu con đã là món quà tinh thần có ý nghĩa nhất tạo động lực cho tôi sống vui, sống khỏe và không cảm thấy cô đơn khi tuổi già sức yếu”.
“Làm việc ở xa nên mỗi năm vào dịp Tết tôi mới tranh thủ đưa vợ con về thăm quê. Năm nay, Mẹ tôi mừng thọ tuổi 70, chúng tôi đã về trước tết cả tuần để chuẩn bị chu tất lễ mừng thọ cho bà. Nghi thức mừng thọ ở quê rất đầm ấm, đó là một nét văn hóa truyền thống vào mối dịp tết đến xuân về để thể hiện lòng kính trọng đối với bậc cao niên” - anh Hà Văn Quân một người con đi làm ăn xa ở xã ở xã Nghĩa Liên cho biết.
Nghĩa Đàn hiện có hơn 14.500 nghìn hội viên Hội Người cao tuổi. Trong năm qua, công tác chăm sóc về mặt tinh thần, vật chất và sức khỏe những người cao tuổi của các xã, thị trấn đã được các cấp, các đoàn thể quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hoạt động của các Chi hội đã có nhiều khởi sắc, các cụ tham gia vào tổ chức hội đạt tỷ lệ cao. Hội NCT các chi hội đã xây dựng được quỹ hội, tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời khi các cụ ốm đau, chu đáo lúc qua đời… Đợt này, toàn huyện Nghĩa Đàn có 1.950 cụ được tổ chức lễ mừng thọ, trong đó trên 100 tuổi có 17 cụ; tròn 100 tuổi có 13 cụ; từ 90 – 95 tuổi có 294 cụ; từ 80 đến 85 tuổi có 546 cụ, từ 70 – 75 tuổi có 1080 cụ.
“Cứ mỗi năm vào dịp Tết đến Xuân về thì các cơ sở hội lại tổ chức mừng thọ cho các cụ, 100% người cao tuổi được tham gia lễ mừng thọ. Lễ mừng thọ đầu xuân được xem là nét đẹp truyền thống, thể hiện bản sắc văn hoá của dân tộc, qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ về cách đối nhân xử thế, sự hiếu kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, đồng thời động viên các cụ tiếp tục phấn đấu sống vui, sống khỏe, là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo" - ông Nguyễn Văn Hữu, chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Nghĩa Đàn trao đổi.
Việc tổ chức mừng thọ người cao tuổi và lễ hội đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp đầu xuân năm mới. Thông qua việc tổ chức lễ mừng thọ và lễ hội đầu năm nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống “Kính già, trọng lão”, “ uống nước nhớ nguồn”./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin