Đời sống - Xã hội

Lắt lay những mảnh đời trong đại dịch

18:25, 21/04/2020
Trong lối nhỏ vào ngôi nhà cũ nát của bà Ba là từng đống ve chai còn ế ẩm vì dịch bệnh. Chiếc xích lô chở hàng của người chồng cũng xích bánh vì không ai gọi. Hai đứa con trai đã trên 30 tuổi nhưng “trời đày” mang thân ngơ dại cũng nối nghề ve chai của bà, không biết sợ dịch dã, vẫn mang túi đi kiếm ve chai từ mờ sáng…

Lắt lay “đời rác”…

Bà Nguyễn Thị Ba, năm nay 67 tuổi, là dân Vinh “xịn”. Ở tổ 5, khối 13, phường Bến Thủy, TP Vinh, ai có gì không dùng đến là đều gọi cho bà Ba. Từ ống lon, ống nhựa, những cành cây khô, cho đến những bộ áo quần cũ còn nguyên vẹn… đều giúp gia đình bà Ba qua ngày, đoạn tháng.

Từ ngày có dịch, bà Ba và hai con trai, dù không được bình thường, vẫn đều đặn kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, kiếm được khoảng 1 triệu đồng/ tháng và dọn vệ sinh cho Siêu thị Metro gần nhà, thu nhập được tầm 2 triệu đồng/ tháng. Rồi đến ngày cả nước gồng mình chống dịch, lượng ve chai đổ ra đường cũng ít đi nhiều, mà cũng chẳng ai mua, nên nhặt về để đấy… Sau cơn tai biến biến cách đây nửa năm, bà yếu đi nhiều, việc phân loại ve chai cũng trở nên khó khăn với bà, thành ra, cái khốn khổ, nhếch nhác… lộ ra từ ngoài cổng vào đến tận trong nhà.

Mọi ngóc ngách trong nhà bà Nguyễn Thị Bà đều dành để tích trữ ve chai trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19.

Bữa cơm cho 4 người của gia đình trong những ngày giãn cách xã hội là bữa cơm tình nghĩa. Bà được hỗ trợ 10kg gạo, 1 thùng mì tôm, 2 chục trứng gà, 1 cân cá khô, 1 cân tép khô và 800.000 đồng tiền mặt. Nếu không nhận được sự hỗ trợ này, mâm cơm chỉ còn đĩa rau xanh và bát nước mắm, vì bà còn phải dành dụm tiền mua thuốc cho đứa con trai thứ hai bị suy vỏ thượng thận, và thuốc cho bệnh tràn dịch khớp gối và tai biến của mình.

Bà nói: Tôi ít chữ nhưng cả nghĩ. Không hiểu sao, cái vận hạn cứ bám lấy tôi hết ngày này qua tháng khác. Bà kể chuyện bầy chó con nhà bà. Mỗi năm, bà thường có thêm khoản thu nhập từ bầy chó con. Năm nay, bà có 5 con chó con, bán được 600.000 đồng. Định dành dụm làm việc này, việc nọ. Ai dè, vừa bán xong, bà khụy chân xuống, không đứng dậy được, lê lết cả tháng trời vì tràn dịch khớp gối, và nó tiêu hết số tiền bán chó của bà.

 

Ở nhà trong những ngày giãn cách xã hội, nhưng bà lo hai thằng con hơn 30 tuổi của mình ra đường từ sáng sớm để nhặt ve chai, kiếm tiền. Lo chúng nó dại dại, không tranh dành được với người khác, bị đánh đập như mấy lần trước. Bởi vậy, bà chỉ mong có tiền chữa cái chân được lành lặn để đi kèm con, thân già này che chở cho chúng nó…

Dịch dã, bà mất nguồn thu nhập từ ve chai… Nhưng nỗi lo lớn hơn là mẹ con bà sẽ không được làm vệ sinh tại Siêu thị Metro trong tháng tới, vì nó sẽ được giao lại cho công ty vệ sinh môi trường. Chồng bà, ông Dương Văn Nam, cũng đã già cả, cũng gần hết thời với nghề xích lô chở hàng. 5 anh chị em của bà cũng hoàn cảnh lắm. Hai chị bị tàn tật, người anh cả phải chăm nuôi tận trong Quảng Ngãi, hai em thì nghề nghiệp cũng không ổn định, con cái còn nhỏ…

Vợ chồng bà Ba tranh thủ phân loại ve chai chờ ngày hết dịch đi bán.
Vợ chồng bà Ba tranh thủ phân loại ve chai chờ ngày hết dịch đi bán.

Sự bần hàn sẽ tiếp tục gõ cửa nhà bà sau đại dịch, mà vốn dĩ bà đã sống 2/3 cuộc đời với… rác.

Nương đời bên mé sông

Trôi theo dòng sông Lam về mé sông dựng căn chòi cho gia đình có 7 người sinh sống, gia đình anh Nguyễn Văn Thuận – một người mù ở khối 1, phường Hồng Sơn, TP Vinh, không còn cách nào khác, nương hết phần đời mù lòa theo dòng nước lênh đênh.

Lán dựng bên sông và con thuyền là nơi ăn chốn ở của gia đình 3 thế hệ anh Nguyễn Văn Thuận.

15 năm nay, anh Thuận mù hẳn. 18 năm bỏ quê (xã Hồng Long – huyện Nam Đàn) về “sống nhờ” ở đây, nắng thì rát mặt, mưa thì ướt nhèm, thế nhưng, chí ít, còn gần chợ đầu mối của Vinh cho vợ kiếm sống nuôi 7 miệng ăn, và nữa, mong manh hy vọng, nhiều người sẽ biết được cảnh đời của một con người yếu thế để nhận được sự sẻ chia cho gia đình…

Anh Thuận chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình.

Anh Thuận 53 tuổi, mẹ già 86 tuổi bị mù. Đứa con gái thứ hai vừa bị mù, vừa bị thiểu năng chưa đủ cho nỗi đau cho vợ chồng anh. Cách đây gần 2 năm, đứa con gái thứ 3, mặt mũi sáng sủa, cao gần mét 7, nặng 60 cân, bỗng nhiên mắc căn bệnh “lạ” – anh nói trong nước mắt. Anh không hiểu gì về căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống, cứ nghĩ do sống nơi môi trường ẩm thấp, mất vệ sinh nên con mắc bệnh, ôm con ra Hà nội chạy chữa, nhưng căn bệnh đã cướp đi mạng sống con gái của anh.

Chồng là Thuận, vợ là Lành, nhưng sao cuộc đời chẳng thuận lành chút nào…

Cái khó bủa vây người đàn ông bị mù cả hai mắt.

Những ngày giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, mặc dù thực phẩm không bắt buộc đóng cửa, nhưng vợ anh, cũng không lấy được nguồn cá mà bán buôn, mà lấy được hàng thì dân không ra chợ, cũng không bán được, nên chị cũng ở nhà. Con gái đầu làm thuê ở một tiệm trang điểm cô dâu cũng đóng cửa. Thế nhưng, trong khó khổ đủ bề, những túi gạo, thùng mì tôm và một ít tiền hỗ trợ từ thành phố, phường Hồng Sơn và hội người mù đã cho gia đình anh nồi cơm đủ no. Hai hôm nay, vợ anh chạy chợ, bữa cơm cũng đã có thêm đĩa cá nhỏ, bát canh tép… Con trai thứ 4 học lớp 12 cũng yên tâm ra thuyền hứng sóng học trực tuyến… Anh thấy thật ấm lòng.

Anh Thuận và cậu con trai út ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020 bên trong con thuyền - nơi trú ngụ của gia đình.
Một miếng đất dù rất nhỏ trên cạn là mơ ước của anh Thuận và gia đình.

Ngoài khoản tiền trợ cấp 540.000 đồng/tháng, mỗi năm, anh Thuận có thêm thu nhập từ 3 đợt đóng hộp tăm tre cho Hội người mù thành phố, mỗi đợt được khoảng 2 triệu đồng. Anh Thuận cũng được Hội người mù thành phố dạy miễn phí nghề tẩm quất, nhưng sau một thời gian hành nghề, vì sức khỏe yếu, anh đã không theo được nghề này. Gia đình thiếu đói thì anh vẫn chưa lo bằng cảnh cả gia đình lênh đênh trên chiếc thuyền tre khi mùa mưa, căn chòi bên mé sông, nước ngập quá nửa, lại chảy rất xiết, anh phải quờ quạng đếm xem có đủ người qua mỗi đêm hay không? Anh lo, ít năm nữa, bàn chân yếu đi, việc chạy lụt sẽ là rất khó, nương đời bên mé sông sẽ bất an vô cùng, nên khát khao một miếng đất, dù rất nhỏ trên cạn, đủ để cả nhà anh đi vào đi ra bằng phẳng, không phải leo trèo trên từng cọc nứa trên nước như bây giờ. Đó là giấc mơ sau đại dịch của anh Thuận, chị Lành./.

Lê Trang - Thùy Dương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện