Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa cập nhật bản tin dự báo cho thấy trong tháng 9, nền nhiệt tại miền Bắc có xu hướng cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, cuối tháng 9, khu vực có thể đón đợt không khí lạnh đầu tiên, khiến nền nhiệt giảm nhanh.
Chuyên gia khí tượng dự báo mùa đông năm nay tại miền Bắc đến sớm và lạnh hơn so với trung bình nhiều năm. |
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết các tháng cuối năm, mặt nước biển tại trung tâm Thái Bình Dương có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Đây là trạng thái nước biển lạnh hơn một cách bất thường, trái ngược với El Nino.
Ảnh hưởng của hiện tượng này khiến không khí lạnh tác động mạnh đến thời tiết miền Bắc. Mùa đông năm nay được dự báo đến sớm, có thể ghi nhận các đợt rét kỷ lục với nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm.
"Phần lớn các mô hình dự báo cho kết quả giống nhau với độ chính xác cao. Nhiều đợt rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện tại miền núi Bắc Bộ trong mùa đông năm nay", ông Khiêm thông tin.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng nhận định mưa lớn tập trung tại miền Bắc trong tháng 9 với tổng lượng mưa cao hơn cùng kỳ 10-25%. Đến các tháng chính vụ của mùa đông, tổng lượng mưa ở khu vực thấp hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm.
Trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình trong tháng 9 cao hơn 0,5-1 độ C so với cùng kỳ các năm. Đến tháng 11 và tháng 12, nhiệt độ toàn quốc phổ biến thấp hơn cùng kỳ 0,5-1 độ C. Đây có thể là biểu hiện cho thấy các đợt lạnh tại miền Bắc diễn ra khắc nghiệt hơn so với thời kỳ thu đông năm 2019.
Chuyên gia cũng cho biết từ nay đến cuối năm, 7-9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông. Trong số đó, 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết đất liền nước ta, tập trung ở Trung Bộ và Nam Bộ.
Người dân cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở miền Trung trong các tháng 10 và tháng 11, đặc biệt là Trung và Nam Trung Bộ. Mưa trái mùa cũng có thể xuất hiện trong thời kỳ mùa khô ở Tây Nguyên, Nam Bộ.
Trong khi đó, lũ trên sông Mekong đến muộn hơn so với nhiều năm, rơi vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10. Tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mekong thiếu hụt 10-30% so với cùng kỳ nhiều năm.
Cuối tháng 9, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long có thể ở trên báo động 1. Cơ quan khí tượng nhận định khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều nhưng nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể tác động tiêu cực đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong các tháng đầu mùa khô 2020-2021, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như năm 2019- 2020.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin