Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Ngọc Huy - Chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai (FB Huy Nguyen những ngày qua đăng các bài cảnh báo về bão, mưa lũ được sự quan tâm của dư luận) đã nêu ra nhiều khuyến cáo lưu ý đến người miền Trung trước khi cơn bão số 9 đổ bộ để bảo vệ tính mạng và tài sản.
"Cuồng phong" số 9
Theo ông Huy, bão số 9 khả năng cao đổ bộ vào sáng 28.10 vào giáp ranh Quảng Ngãi, Quảng Nam nhưng do bão lớn nên có thể có vùng ảnh hưởng rộng. Từ Phú Yên có gió ở mức vừa, Bình Định là gió lớn, và gió lớn nhất ở khu vực từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế. Một phần Quảng Trị cũng ảnh hưởng gió lớn từ cơn bão này.
Ông Huy dẫn dự báo của các đài quốc tế như: Hải quân Mỹ, Hồng Kông và Nhật đều có chung kết quả là dự báo khi đổ bộ vào bờ, bão số 9 có vận tốc gió ngang với 117 - 130km/h, tương đương gió cấp 12 giật cấp 14 và có thể cao hơn.
Bão số 9 được nhận định là cơn bão lớn và nguy hiểm nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: TTDBKTTVTW |
“Tin cảnh báo thiên tai có thể có mức độ chính xác khác nhau, không phải tất cả các bản tin đều chính xác, nhưng quan trọng nhất là người dân không chủ quan khi nhận tin cảnh báo thiên tai. Khi xảy ra lũ lụt thì người dân còn có thể ngồi trên mái nhà chờ 1 - 2 ngày có người đến cứu hộ, nhưng bão vào chỉ 1 - 2 tiếng đồng hồ, nguyên tắc đội cứu hộ cũng không được phép ra ngoài khi bão lớn đang xảy ra nên việc sơ tán trước thiên tai là quan trọng nhất và người dân không được chủ quan”, ông Huy nhấn mạnh.
Lý giải chuyện bão liên tiếp hướng vào miền Trung có bất thường hay không, ông Huy cho biết đây là hiện tượng đã được dự báo trước do sự tăng cường hoạt động của La Nina, cao điểm hoạt động của La Nina là vào thời gian từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, và cao điểm cực đoan là tháng 11.2020 nên việc gia tăng các áp thấp nhiệt đới tạo thành bão và các cơn mưa liên tục là có thể dự báo trước được.
Những nguyên tắc tránh bão
Ông Huy cho biết, ngày 4.11.2017 cơn bão Damrey vào Khánh Hòa, thống kê nhanh trong ngày đã có 1.141 tàu thuyền bị đánh chìm hoặc hư hỏng do sức bão quá lớn. Ngoài ra, bão làm 1.300 ngôi nhà bị sập, gần 115.000 nhà tốc mái. 10 con tàu lớn đậu ngoài khơi cách bờ biển Bình Định cách 1 hải lý cũng bị sóng đánh chìm hoặc mắc cạn vì khi sóng đánh vào bờ cuốn theo cát tạo ra các cồn cát ngoài biển. Vì thế, ngư dân cần đặc biệt lưu ý những nguyên tắc sau để bảo vệ tính mạng và tài sản như sau:
- Tàu thuyền nên tìm vào trong các âu thuyền có gió ít khuất gió và thậm chí đưa vào trong sông để tránh bão. Nhưng trong sông cũng có nguy hiểm khi nước lũ về (sau bão) chảy rất xiết. Vì vậy, nếu đưa tàu thuyền vào trong sông thì phải có hệ thống neo đậu tốt. Và khi hết bão, hoàn lưu bão gây mưa lụt, nước chảy lớn thì lại đưa thuyền ra ngoài khơi.
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, một cách nữa, bà con ngư dân có thể lưu ý áp dụng trong các đợt tránh bão sau nhưng giai đoạn này chưa phù hợp vì còn cơn bão khác đang chuẩn bị vào biển Đông sau bão số 9. Đó là dịch chuyển tàu bè về phía tây nam, không theo hướng của bão đổ bộ, ví dụ bão đổ bộ theo hướng tây và tây bắc thì ở bên dưới nam của quần đảo Trường Sa có thể di chuyển ra phía của Vũng Tàu nhưng ngay sau đợt bão số 9, mùng 1 ở biển Đông tiếp tục có cơn bão khác, khoảng mùng 3 cơn bão đó tiếp cận với bờ. Vì vậy tiếp cận Nam Trung bộ, tàu thuyền đi về hướng đó lại phải chạy tiếp về hướng TP.HCM, Cà Mau, nên nếu chạy như vậy thì suốt ngày chạy bão rất sẽ vất vả.
Còn nhớ, cơn bão Xangsane năm 2006 đổ vào Đà Nẵng đánh bay cả con tàu lên đường. Tương tự, vào thời điểm này chưa thể khẳng định cấp bão có bằng với bão Xangsane hay không nhưng ở mức hiện tại vẫn rất nguy hiểm cho tàu thuyền.
Vì vậy, các tàu hàng cỡ lớn nên tránh xa đường đi của bão, không neo đậu cách bờ 1 hải lý vì nơi đó sẽ có sóng cao nhất (7-8m).
“Kinh nghiệm từ các cơn bão trước cho thấy khi bão từ cấp 12 trở lên thì những ngôi nhà cấp 4 lợp tôn, ngói không an toàn trong bão, người dân nên sơ tán tại chỗ đến nhà hàng xóm kiên cố, 2 tầng trở lên để tránh bão”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Huy cũng nói, trong lúc bão vào thì tuyệt đối không bảo vệ tài sản nữa mà phải ưu tiên bảo vệ con người.
Trong lúc bão vào thì tuyệt đối không bảo vệ tài sản mà phải ưu tiên bảo vệ con người. |
Đặc biệt lưu ý các nhà cấp 4 đã bị ngâm nước trong đợt lũ vừa qua ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị tường đã yếu, người dân không nên ở trong ngôi nhà có tường yếu vì gió cấp 11 trở lên có nguy cơ bị đổ. Các tường rào ở quanh nhà nếu để ý có thể dùng các cây để chống bị đổ, đỡ mất tiền xây lại tốn kém.
- Khi bão đổ bộ, người dân ở các khu vực trên tuyệt đối không ra khỏi nhà.
- Hãy hàn chặt các mái tole bằng thép phi 6 trở lên.
- Không tránh trú trong các nhà cấp 4, nhà ngói và nhà tôn.
- Không đỗ xe dưới tán cây to.
- Hãy tích trữ nhu yếu phẩm, điện thoại, sạc điện dự phòng,… và sơ tán lên nhà beton cao tầng.
- Hãy tuân lệnh sơ tán của chính quyền địa phương.
- Các địa phương cần cung cấp đường dây nóng từ bây giờ để hỗ trợ sơ tán.
- Các địa phương cũng nên kêu gọi các đội tình nguyện chuyên nghiệp hỗ trợ ứng cứu và sơ tán người dân từ lúc này. Không đợi khi xong bão mới cứu trợ. Một đồng, một sức cứu trợ lúc này sẽ có giá trị lớn hơn 7 đồng, 7 sức khi khắc phục hậu quả.
Một khía cạnh quan trọng khác mà ông Huy lưu ý rằng, khi tránh bão nên quan tâm đến vai trò của phụ nữ. Họ có những nhu cầu đặc thù nhưng nếu không có sự chuẩn bị cho việc đó mà khi thiên tai hoặc sau thiên tai họ có thể thành nhóm dễ bị tổn thương hơn, dễ bị tác động bởi hậu quả thiên tai hơn nam giới. Bên cạnh đó, nhóm người già, neo đơn, phụ nữ đơn thân, gia đình không có đàn ông trong độ tuổi lao động trong cũng cần được hàng xóm, chính quyền địa phương lưu ý trong sơ tán cũng như trong hỗ trợ nhu yếu phẩm phục hồi trong thiên tai.
Ngoài ra, quyền ra quyết định của phụ nữ trong lúc sơ tán cũng rất quan trọng vì họ có thời gian gắn bó, quan sát nhà cửa nên biết cái gì quan trọng. Do đó, người đàn ông trong nhà cần lưu ý trao quyền quyết định của phụ nữ trong lúc không có nhiều thời gian để bàn luận khi tránh bão số 9.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin