Sáng 12/10, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ mạnh thành bão vào chiều nay và trở thành cơn bão số 7.
Miền Trung tiếp tục hứng chịu mưa lớn
Theo ông Lâm, áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh thành bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h. Hiện, không khí lạnh vẫn tồn tại khiến cường độ và hướng di chuyển của áp thấp khó lường.
“Chúng tôi đang tính toán 2 kịch bản di chuyển và đổ bộ của bão”, ông Lâm nói.
Theo đó, khả năng cao là bão đi theo hướng tây tây bắc, qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi mới xuống vịnh Bắc Bộ. Lúc này, diễn biến về cường độ của bão sẽ khó dự đoán hơn.
Kịch bản thứ 2, nếu không khí lạnh được bổ sung mạnh hơn, đẩy bão di chuyển chếch xuống dưới, đường đi sẽ là qua phía nam đảo Hải Nam và vào vịnh Bắc Bộ.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão chiều 12/10. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai. |
Cả hai kịch bản này giống nhau về vị trí đổ bộ, chỉ khác hướng di chuyển. Đồng thời, áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh thành bão sẽ gây mưa ở Trung Bộ.
“Khi bão gần bờ, mưa tập trung ở Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhưng khi vào bờ, bão có thể khiến mưa lớn quay trở lại các tỉnh Trung Bộ ngày 15-16/10”, ông Lâm cho biết.
Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý việc thêm một vùng áp thấp đang di chuyển trên khu vực phía nam Philippines. Ngày 15/10, bão có thể hình thành từ vùng áp thấp này tiếp tục vào Biển Đông.
Cơ quan khí tượng hiện chưa có nhận định cụ thể về cơn bão này do thời gian tới, hướng đi và cường độ còn phụ thuộc vào tác động của không khí lạnh và diễn biến của áp thấp nhiệt đới hiện tại.
Lũ khả năng vượt đỉnh năm 1999
Nhận định thêm về mưa lũ miền Trung, ông Lâm cho biết từ đêm 11/10, mưa lớn đã xuất hiện trở lại ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Chỉ trong 6 giờ, lượng mưa ghi nhận phổ biến 200 mm.
Hiện, lũ ở Quảng Trị vẫn ở mức cao và nguy hiểm. Trên sông Thạch Hãn, lũ đã đạt ngưỡng 5,19 m vào 7h sáng nay. Với tình hình mưa tiếp diễn những giờ tới, chiều nay, lũ trên sông sẽ lên cao nhất ở mức 7,4 m, cao hơn lũ lịch sử năm 1999 là 0,11 m.
Trong 2 ngày tới, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị tiếp tục là trọng tâm của mưa lớn khiến mực lũ trên các sông dao động. Lũ trên sông Kiến Giang, Thạch Hãn khả năng lên lại; trong khi các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum xuống dần.
Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tiếp tục là tâm điểm của mưa lũ những ngày tới. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong vòng 5 ngày qua, mưa lũ ở miền Trung đã làm 18 người chết và 14 người mất tích. Quảng Trị đang là nơi ghi nhận thiệt hại về người nặng nề nhất với 6 người chết và 6 người mất tích.
Về nhà ở, hơn 382 nhà đổ sập và hư hỏng, 109.000 ngôi nhà bị ngập. Mưa lũ cũng gây sạt lở, hư hỏng ở 108 điểm quốc lộ, hơn 8.600 m đường giao thông địa phương.
Ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện, tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như quốc lộ 1A, 49A, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh tây, quốc lộ 9 (Quảng Trị) và quốc lộ 15 (Quảng Bình).
Trước mắt, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương miền Trung tiếp tục tìm kiếm cứu nạn, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết. Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Về áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh thành bão số 7, nhà chức trách yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên nhanh chóng lên kế hoạch ứng phó trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.
Địa phương cần kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp và chủ động phương án vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin