Lúc 13h, vị trí tâm bão trên khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80 km tính từ tâm bão.
Dự kiến hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão lúc 10h ngày 15/11. Ảnh:NCHMF |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định trong 6h tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19h ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào.
Trong chiều và tối nay, vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11; sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4 m; biển động mạnh.
Từ chiều 15 đến sáng 16/11, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm; khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ lượng mưa 40-80 mm.
Ghi nhận tại Hà Tĩnh, lúc 13h30, khu vực ven biển thị xã Kỳ Anh gió cấp 8, giật cấp 9. Trạm khí tượng hải văn môi trường Hoành Sơn đóng ở xã Kỳ Nam nhận định gió tăng 2 cấp so với sáng cùng ngày, lượng mưa cao nhất đo được tại phường Kỳ Thịnh là 147 mm.
Ở xã Kỳ Ninh, đề phòng bão đổ bộ, trưa nay một số chủ cửa hàng buôn bán hải sản đã chủ động tháo mái che trước sân để tránh bị gió thổi bay. Nhà chức trách địa phương điều xe buýt di dời người dân tới nơi an toàn tránh trú.
Nhiều quầy hàng bán hải sản tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh chủ động tháo mái che để tránh thiệt hại. |
Hiện thị xã Kỳ Anh chưa ghi nhận thiệt hại về người cũng như hệ thống hạ tầng. Nhiều lực lượng đang túc trực tại những nơi xung yếu đề phòng tình huống xấu.
Tại Quảng Bình, TP Đồng Hới ngừng mưa, cường độ gió giảm. Người dân ra khỏi nhà dọn dẹp tấm tôn bay xuống lòng đường, cây đổ.
Người dân TP Đồng Hới dọn dẹp trên đường phố. |
Tại xã An Thủy (Lệ Thủy), ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch xã thông tin gió đã ngừng thổi mạnh từ 12h30, trời mưa nhỏ. Các tổ tuần tra ở 6 thôn liên tục báo về chưa có sự cố về người và tài sản xảy ra. Mép nước sông Kiến Giang còn cách mặt đường vài chục cm, một số khu vực đồng bãi, nước "dâng chưa đáng kể". Song địa phương không chủ quan, theo dõi tiếp để có kế hoạch ứng phó khi hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn, lũ về. Xã An Thủy có khoảng 12.000 nhân khẩu, địa bàn nhiều nhà cấp bốn, gần như toàn bộ xã bị ngâm nước lụt sâu 1,5 – 2m gần chục ngày trong đợt lũ hồi tháng 10.
Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết bão Vamco làm 2 tàu cá gần bờ, công suất 33CV ở khu neo đậu bị chìm. "Ngay sau bão, xã huy động lực lượng trục vớt, cứu hộ thành công 2 tàu chìm này", ông Nghị nói. Lúc tàu bị chìm, may mắn không có người trên tàu nên không thiệt hại về người.
Tàu cá ở xã nhân Trạch bị chìm sau bão Vamco. |
Tại huyện Cồn Cỏ (Quảng Trị), bão Vamco làm trụ sở một số cơ quan và nhà của 12 hộ dân bị tốc mái, nhiều cây xanh ngã đổ; ước thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Theo Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, bão Vamco khiến 6 người trên địa bàn bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa tránh bão; 98 nhà dân bị tốc mái; 23 giếng phục vụ nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, 17 trụ điện gãy đổ... Ngoài ra, bãi biển xã Gio Hải (Gio Linh) bị sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 5-10 m, làm hư hỏng, sập đổ 15 quán kinh doanh.
Sạt lở bờ biển xã Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị sau bão Vamco. |
Ở Thừa Thiên-Huế, tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) nhiều hàng quán ven bờ biển, đầm Lập An bị gió quật tốc mái. Tuyến đường ven đầm Lập An bị hư hỏng nặng.
Tại xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), nhà của 16 hộ dân ở thôn Cảnh Dương, Bình An 2 cũng bị tốc mái. Nhiều hàng quán ven biển bị gió quật hư hỏng nặng.
Hàng quán ven biển Lăng Cô bị gió bão quật hư hỏng |
Các tấm tôn bị gió bão quật bay. |
Đường ven biển ở thị trấn Lăng Cô tan hoang sau bão. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin