Nhu cầu tăng cao
Những dãy phòng trọ cho công nhân ở đường Đặng Thai Mai (TP. Vinh) trở thành nơi ở cho hàng nghìn công nhân đang làm việc tại các nhà máy ở khu công nghiệp (KCN) Bắc Vinh. Đặc điểm chung ở các dãy nhà trọ này là quá xập xệ, xuống cấp. Trung bình một dãy trọ cho công nhân có từ 15 - 20 phòng nhưng hầu hết đều không có nhà vệ sinh riêng. Trong mỗi phòng trọ có từ 2 - 3 công nhân sống tạm bợ, không có tivi, bếp ăn và phòng ngủ chung nhau trong một căn phòng chỉ khoảng 10 m2.
Hàng nghìn công nhân phải sống tạm bợ ở các dãy nhà trọ xập xệ |
Hiện, tại KCN VSIP, Công ty Luxshare - ict Nghệ An là công ty đầu tiên xây ký túc xá cho công nhân, đảm bảo chỗ ở cho khoảng 8.000 lao động. Tuy nhiên, số nhà đầu tư, chủ động xây dựng khu ký túc xá cho công nhân như Công ty Luxshare – ict Nghệ An rất ít, số lao động phải tự túc nhà ở còn rất lớn.
Theo tổng hợp của Khu kinh tế Đông Nam, hiện nay ở các KCN của Nghệ An có gần 24.000 lao động đang làm việc. Qua khảo sát, số lao động đang có nhu cầu về nhà ở gần 7.000 người. Nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhiều dự án lớn đang tiếp tục đầu tư vào Nghệ An và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên nhiều lần với khoảng 106.000 lao động.
Nhiều vướng mắc, bất cập
Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, từ năm 2013 đã trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án Nhà ở cho công nhân tại KCN Nam Cấm cho khoảng 480 công nhân. Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí nguồn vốn nên dự án đã phải tạm dừng triển khai.
Mãi đến năm 2019, sau khi UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch xây dựng 2 khu nhà tại 2 xã Nghi Xá và Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc), theo đó thì khi xây dựng xong sẽ đảm bảo cho khoảng 2.600 công nhân lao động ở. Hiện tại dự án ở xã Nghi Tiến đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để triển khai xây dựng, đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho khoảng 850 công nhân, cũng chỉ đủ phục vụ nhà ở cho công nhân của chủ đầu tư. Riêng dự án ở xã Nghi Xá do vướng mắc về sắp xếp, xử lý tài sản công trên khu đất đề xuất dự án nên đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh vẫn chưa hoàn thành công tác thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nghệ An, từ năm 2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã chọn KCN Bắc Vinh để triển khai dự án Thiết chế Công đoàn cho công nhân. Dự án này có mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, trong đó có 12 dãy nhà chung cư 9 tầng, có siêu thị, nhà đa năng, sân thể thao, nhà trẻ... Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2017 - 2020 nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy.
Lý giải về sự chậm trễ này, theo ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, chủ yếu là do việc quy hoạch trước đây chưa xác định, bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách, xúc tiến, thu hút đầu tư, khuyến khích các dự án nhà ở xã hội chưa được quan tâm, thủ tục đầu tư còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, khó khăn nhất vẫn là vốn đầu tư.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin