Ngày 3/4, gia đình ông Nguyễn Văn Huân, 64 tuổi, trú phường Trường Thi, TP Vinh, thuê thợ xây dựng công trình nhà ở cho con trai. Đào đất đến độ sâu hơn 2 m, máy xúc múc trúng một ụ sắt.
Khối sắt được đưa lên khỏi mặt đất, là bánh xe lửa dài hơn một mét, ở giữa là trục sắt, hai đầu là vành sắt đường kính hơn 70 cm, nặng hơn 100 kg. "Có người trả khối sắt 5 triệu đồng nhưng tôi không bán, định làm một bệ bê tông ở gần sân để trưng bày làm kỷ niệm", ông Huân nói.
Một cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 đã tới xem và nhận định khối sắt là bánh xe lửa của Nhà máy xe lửa Trường Thi, được Pháp xây dựng tại khu vực này. Đơn vị này đang tìm cách vận động chủ hộ đưa về bảo tàng trưng bày.
Bánh xe lửa mà gia đình ông Huân phát hiện trong lúc đào móng nhà. |
Ông Phạm Xuân Cần, nguyên Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An (người từng nhiều năm nghiên cứu về lịch sử TP Vinh), cho rằng khu vực phát hiện bánh xe lửa trùng với địa điểm năm 1904 thực dân Pháp xây dựng Nhà máy xe lửa Trường Thi, lớn nhất Đông Dương.
"Các hiện vật về Nhà máy xe lửa Trường Thi còn sót lại rất ít. Đây chắc chắn là hiện vật quý, có giá trị lịch sử, nếu được đưa vào bảo tàng sẽ rất tốt", ông Cần nói.
Theo tư liệu lịch sử, năm 1904 thực dân Pháp xây dựng Nhà máy xe lửa Trường Thi nằm tại phường Trường Thi, TP Vinh. Lúc cao điểm, nhà máy có hàng nghìn công nhân. Công nhân nhà máy cùng một số chi bộ của các công xưởng, nhà máy khác ở TP Vinh tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Bước vào giai đoạn chống thực dân Pháp, các nhà máy, công xưởng ở TP Vinh phần bị phá hủy, phần vận chuyển sơ tán về vùng núi để tiếp tục xây dựng các công xưởng chế tạo vũ khí chống giặc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin