Sáng 11/9, hoàn lưu bão Côn Sơn gây mưa lớn, phổ biến 50-100 mm từ Huế đến Bình Định.
Tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố cho phép mở cửa âu thuyền Thọ Quang để các tàu ngoại tỉnh vào tránh trú. Đứng trên bờ, thiếu tá Phan Văn Hà, Trạm biên phòng kiểm soát Mân Quang (quận Sơn Trà), dầm mưa suốt nhiều giờ để túc trực hướng dẫn tàu cá vào âu thuyền.
Trong lúc chờ vào nơi neo đậu, một số thuyền viên nhờ người quen mua giúp thức ăn. Việc di chuyển từ bờ ra tàu gặp nhiều khó khăn do mưa lớn và gió.
Mưa trắng trời ở vịnh Mân Quang, lúc 9h. Tàu cá của ông Võ Thành Não (trú Quảng Ngãi) trên đường vào bờ tránh bão đã bị phá nước và chìm tại khu vực cửa vịnh Mân Quang, đối diện Hải đội 2 biên phòng. Hai thuyền viên được một tàu cá khác cứu vớt kịp thời. Trước đó, một tàu cá cũng được kéo về bờ, sau đó chìm do bị phá nước.
Thượng uý Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang (Đồn biên phòng Sơn Trà, Đà Nẵng), cho biết trong sáng 11/9 có khoảng 180 tàu cá ngoại tỉnh vào trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang và các khu vực an toàn ở vịnh Mân Quang. Trong đó, đa số là tàu Quảng Ngãi.
Thượng tá Nguyễn Văn Thông, nhân viên kiểm soát hành chính Đồn biên phòng Sơn Trà cùng đại uý Đoàn Văn Thịnh, nhân viên hàng hải tuần tra tại âu thuyền Thọ Quang, nhắc nhở các tàu cá vào cầu cảng số 2 để ổn định neo đậu.
Các ngư dân tranh thủ vệ sinh ngư lưới cụ khi về bờ. Do Đà Nẵng đang cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16" nên trước mắt các ngư dân sẽ ở tạm trên tàu. Thành phố lên phương án nếu bão lớn vào bờ, ngành y tế sẽ test nhanh Covid-19, sau đó đưa các thuyền viên vào khu vực cách ly tập trung.
Mưa lớn đã gây ngập cục bộ nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Linh, Yết Kiêu... Đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà), có đoạn bị ngập sâu đến nửa mét, khiến các phương tiện đi qua đây bị chết máy.
Các công nhân môi trường đã đội mưa đi khơi thông các miệng cống quanh bờ hồ Hàm Nghi. Theo ghi nhận, mỗi khi miệng cống được khơi thông (do rác, lá cây chắn ngang), nước thoát rất nhanh và giảm thiểu tình trạng ngập cục bộ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết bão hiện cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 210 km, sức gió mạnh nhất 100 km/h, cấp 9-10, giật cấp 12. Đến 7h giờ ngày 12/9, tâm bão trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam, sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 8-9, giật cấp 11.
Trên đường Hàm Nghi (quận Thanh Khê), một số nhà dân đã dựng các ván che để đề phòng nước tràn vào nhà. Hiện nước đã mấp mé vỉa hè.
Đây là tuyến phố từng "biến thành sông" sau một trận mưa lớn đêm ngày 9/12/2018. Nguyên nhân do khu vực này có hai hồ điều tiết, nước từ các tuyến đường, kiệt hẻm khác chảy về nhưng hồ không kịp thoát ra biển do đường cống chứa nhiều rác thải.
Tại Quảng Nam, từ đêm 10/8 đến chiều 11/9, nhiều nơi mưa to trên diện rộng, phổ biến 50 đến 100 mm, có nơi trên 100 mm.
Nghe tin bão đổ bộ, nhiều tàu cá của ngư dân huyện Núi Thành đã cập cảng Kỳ Hà. Họ đội mưa bán cá cho thương lái xong thì đưa thuyền đi trú tránh.
Ngư dân Nguyễn Văn Trung, xã Tam Quang đang neo tàu tránh bão. Chính quyền địa phương đã yêu cầu không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.
Bờ biển Cửa Đại (TP Hội An) có gió nhẹ, sóng cao hơn một mét tấp vào bờ gây sạt lở.
Sáng nay, nhiều người dân cho cát vào bao tải để gia cố những bờ kè trước đó bị sóng đánh trôi. Hàng năm đến mùa mưa bão, Cửa Đại bị nước biển xâm thực hàng chục mét, trong khi chờ các dự án kè chắn sóng, để bảo vệ nhà hàng, khách sạn người dân dùng bao cát gia cố tạm thời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin