Đời sống - Xã hội

Huyện Tương Dương: Nơm nớp sống bất an dưới chân núi Khe Tương

17:39, 26/09/2021
Sau đợt mưa lũ năm 2018, ngọn núi Khe Tương, bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất thường hàng chục tảng đá bị xói gốc có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Thế nhưng vì thiếu kinh phí di dời, 19 hộ với 73 nhân khẩu dưới chân núi phải bám trụ, mỗi khi mưa lớn kéo dài họ lại bồng bế nhau đi xin ở nhờ bởi sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

 

 

Tại điểm Trường mầm non Tam Hợp ở bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, chỉ cách đây ít ngày một phiến đá lớn bất ngờ rơi xuống khuôn viên nhà trường. May mắn vào thời điểm đó trường vẫn chưa bước vào năm học mới nên không có thiệt hại về người. Sau sự việc, để đảm bảo tính mạng cho cô và trò, chính quyền địa phương đã quyết định chuyển đến điểm trường bản Văng Môn cách trường cũ hơn 3km.

Phiến đá lăn từ trên núi xuống làm đổ bờ tường của trường.

Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An cho biết: “Thực hiện năm học 2020-2021, nhà trường cùng Đảng ủy phối kết hợp tổ chức họp phụ huynh vận động đưa con em ở bản Xốp Nặm này lên học ở điểm trường Văng Môn”.

Nhà trường quyết định di dời điểm trường để đảm bảo an toàn cho cô và trò.
Nhà trường quyết định di dời điểm trường để đảm bảo an toàn cho cô và trò.

Ngay cạnh điểm trường mầm non Xốp Nặm còn có 19 hộ dân với 73 nhân khẩu cũng nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao. Chỉ cần một ngày mưa liên tục là người dân lại bồng bế nhau di tản sang ở nhờ các gia đình khác chứ không ai dám ở nhà.

Nhà dân nằm dưới chân
Nhà dân nằm ngay dưới chân núi.

Ông Viêng Văn Viện - Xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cho biết: “Năm ngoái, mưa bão to gây sạt lở từ trên núi xuống tấp hết tận mái nhà. Gia đình phải thuê máy về khắc phục, hiện tiến độ mới được một nửa.

“Chỗ sạt lở này, gia đình sinh sống không yên tâm, mong muốn được nhà nước cho di dời đến nơi ở cố định”, anh Lô Vi Lăng - Xã Tam Hợp, huyện Tương Dương bày tỏ nguyện vọng.

Qua kiểm tra, cho thấy khu vực phía trên núi Khe Tương có rất nhiều hòn đá “mồ côi” có kích thước lớn, qua thời gian mưa gió xói mòn khiến nguy cơ đá lăn rất cao.

Ông Lương Phi Thanh - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cho biết: Hầu như cứ mưa xuống là có đất đá sạt lở vào, có nguy cơ sạt lở cao. Trước tình hình khó khăn, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các khối trường học, ban quản lý bản Xốp Nặm làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân di tản khi dự báo có mưa dài ngày.

Trên địa bàn còn 19 hộ với 73 nhân khẩu đang sống dưới chân núi với nỗi lo bị sạt lở bất cứ lúc nào

“Huyện cũng đã vào kiểm tra khảo sát thì cách bản khoảng 1,5km thì có một vùng có thể xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng nhưng khó khăn nhất hiện nay là nguồn kinh phí của huyện không có. Rất mong các cấp các ngành quan tâm hỗ trợ huyện sớm xây dựng khu tái định cư giúp người dân ổn định cuộc sống”, ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tương Dương đề xuất.

Tương Dương là huyện miền núi có địa hình phức tạp, trong khi quỹ đất phù hợp để làm nhà rất ít nên đa số người dân phải làm nhà ở những khu vực sườn đồi có nguy cơ sạt lở rất cao. Dù việc di dân tái định cư cần nguồn lực rất lớn nhưng từ năm 2014-2020, địa phương cũng đã cố gắng huy động hơn 200 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho 190 hộ về nơi ở mới. Tuy nhiên hiện còn 19 hộ với 73 nhân khẩu đang sống dưới chân núi với nỗi lo bị sạt lở bất cứ lúc nào đang rất cần được chính quyền quan tâm, giải quyết chỗ ở mới để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.

Văn Tý

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện