Đời sống - Xã hội

Nghệ An: Nỗi lo sạt lở giữa mùa mưa bão

20:08, 25/10/2021
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tại nhiều huyện miền núi Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, khiến nhiều ngôi nhà nứt toác, đổ sập. Hàng chục hộ dân ở dưới vách núi đang sống lo âu, nhất là thời điểm mưa bão dồn dập đến, trong khi chủ trương di dời dân chưa biết khi nào mới được triển khai.

Hàng chục hộ dân bất an trước nguy cơ sạt lở núi

Do ảnh hưởng của bão số 8, vùng núi tỉnh Nghệ An mưa to. Tại bản Can xã Tam Thái huyện Tương Dương, có 2 gia đình bà Vi Thị Loan và gia đình ông Lô Hoài Thông bị hàng ngàn khối đất đá đổ xuống làm sập 2 căn nhà vào khoảng 3h sáng 18/10.

Theo bà Vi Thị Loan (47 tuổi), ở bản Can xã Tam Thái, đêm đó may trời mưa nên gia đình lường trước nguy hiểm nên cả nhà kéo ra phòng khách ngủ, nếu không cũng không biết điều gì xẩy ra. Bà Loan cho hay, “cách đây 6 năm đoàn thanh niên, cựu chiến binh, chặt cây trên rừng nguyên sinh phía trên để trồng ngô và sắn, nên cứ mưa to là gây sạt vì không có tầng trên để giữ đất, nhưng chưa năm nào nặng nề như năm nay...”.

"Khi đang ngủ say bỗng nghe tiếng ầm ầm như sấm, tôi chạy ra ngoài sân nhìn lên, từng khối đất đá ùn ùn trút xuống từng mảng lớn, tôi với vợ vội chạy ra khỏi nhà. Đến khoảng rạng sáng thì toàn bộ khối đất đá trút xuống sập nguyên cả căn nhà, chỉ còn lại gian bếp nhỏ, giờ 2 ông bà chỉ chen chúc nhau trong căn bếp, không biết rồi lấy tiền đâu dựng nhà mới. Giờ ở lại cũng sợ, mà đi thì không biết đi đâu...", ông Lô Hoài Thông, bản Can, xã Tam Thái cho hay. 

 

Những vết nứt kéo dài hàng trăm mét cắt ngang nhiều khu nhà ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Vào những ngày mưa lớn, mặt đất thiếu ổn định, khiến ai nấy đều lo lắng bởi nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong số 17 hộ dân không có điều kiện di dời vẫn phải bám trụ, thì có 2 hộ nằm trong diện nguy hiểm nhất đã không chờ đợi được thêm, phải tự tìm đất để di dời.

Nguy hiểm là thế, nhưng vì thiếu kinh phí di dời nên hơn 1 năm nay, 17 hộ dân vẫn phải bám trụ ở đây, sống trong sợ hãi. Theo ước tính của lãnh đạo xã Châu Khê, lượng đất, đá bị tách rời hoàn toàn khỏi triền núi khoảng 500.000m3. Nếu mưa tiếp, nguy cơ sẽ đổ ập xuống, không chỉ cuốn luôn cả 17 nhà dân mà cả tuyến đường nhựa cũng dễ bị cuốn phăng xuống lòng hồ thủy điện.

Bản Bủng Xát là bản người Thái sinh sống lâu đời bên dòng khe Choăng. Những năm gần đây, họ bị kẹt giữa 2 đập thủy điện. Xuôi về hạ du chừng 8km là đập thủy điện Chi Khê, còn ngược lên phía trên tầm 5km là thủy điện Suối Choăng. Sau khi có thủy điện, mực nước khe Choăng dâng cao, hàng loạt hộ dân sống ở phía dưới đã phải di dời đến khu tái định cư mới.

Chính vì thế, cứ mưa bão là xã Châu Khê phải cắt cử lực lượng an ninh túc trực ở vết nứt suốt nhiều tháng. Nhóm này có nhiệm vụ quan sát vết nứt để cảnh báo người dân gần đó cũng như người qua đường. Còn 17 hộ dân nằm trong nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất được yêu cầu đi lánh nạn ở nhà người thân. 

Ở Bủng Xát có nhiều hộ nằm trong diện nguy hiểm đã không chờ đợi được thêm, phải tự tìm đất để di dời
Ở Bủng Xát có nhiều hộ nằm trong diện nguy hiểm đã không chờ đợi được thêm, phải tự tìm đất để di dời

Về nguyên nhân của vết nứt, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra một kết luận nào. Tuy nhiên, theo người dân bản Bủng Xát, nguyên nhân xuất phát từ các đập thủy điện. “Chúng tôi sống ở đây từ những năm 1990 mà chưa khi nào bị như vậy. Giờ đây, nhà chúng tôi nằm kẹt giữa 2 thủy điện, mực nước dâng cao khiến thay đổi kết cấu đất đá, gây ra các vết nứt…”, ông Lộc Văn Hùng (70 tuổi) ở bản Bủng Xát nói.

Chỉ tay về phía vết nứt dài nơi hông núi bị sạt ngay sát hông nhà chưa đầy nửa mét, bà Lộc Thị Diễn (63 tuổi) ở bản Bủng Xát cho hay, không nhớ bao nhiêu lần trong mấy năm qua bà phải chaỵ đi sơ tán khi có mưa bão. Sống một mình nên sợ lắm mà giờ cũng chưa biết chuyển đi đâu.

“Từ đó đến nay, nhiều đoàn xuống lắm rồi, cứ đến rồi đi, mùa mưa bão đã bắt đầu, bà con chỉ mong sớm được chuyển đến nơi ở mới, để không còn phải nơm nớp lo sợ và đến nhà họ hàng ở nhờ nữa”, bà Diễn nói.

Hay trước đó, từ những năm 2018, sau đợt mưa lũ kéo dài, nhiều khu vực trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn cũng đã xuất hiện hiện tượng sạt lở. Cụ thể như bản Cánh (xã Tà Cạ), bản Na Mỳ, Vàng Phao (xã Mường Típ), Khối 4 thị trấn Mường Xén, bản Nam Tiến 2 (xã Bảo Nam)... với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng.

Huyện Kỳ Sơn cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá tình hình, lên phương án di dời và báo cáo với UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí để di dời gặp nhiều khó khăn, nên đến nay địa phương vẫn chưa thể thực hiện được.

Mỏi mòn chờ tái định cư

Theo UBND huyện Con Cuông, sau khi xuất hiện các vết nứt nói trên, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị cho chủ trương để di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng. UBND tỉnh Nghệ An sau đó chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với huyện Con Cuông để xử lý. 

Căn nhà của bà Vi Thị Loan bị đất đá làm sập một nửa vào rạng sáng ngày 18/10.

Theo phương án di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai sạt lở đất tại bản Bủng Xát của UBND huyện Con Cuông lập, cần phải có khoảng 20 tỷ đồng để di dời khẩn cấp 17 hộ dân ra khỏi khu vực nguy cơ này đến nơi ở mới. Tuy nhiên, đến nay, 1 năm đã trôi qua, việc bố trí tái định cư cho các hộ dân này vẫn đang nằm yên trên giấy.

Ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông - cho hay, đến nay huyện mới chỉ được cấp hơn 600 triệu đồng để xử lý vết nứt trên núi bằng cách bạt chân núi và kè đá bên dưới để chống sạt lở, còn việc di dời dân thì chưa thể làm được vì chưa có kinh phí.

“Huyện đã tìm được vị trí để tái định cư cho các hộ dân cần di dời, nhưng chưa thể thực hiện được vì đang chờ tỉnh cấp kinh phí. Chúng tôi rất sốt ruột vì mùa mưa bão đã đến trong khi nguy cơ sạt lở ở đây là rất cao” - ông Quý nói.

Tương tự, ông Lô Thanh Tuân - Chủ tịch xã Tam Thái, huyện Tương Dương - nhận định, nguyên nhân là do mưa quá nhiều, đất hở không có lèn đá chặn. Nguyên thổ là đất đồi không có đá, mưa xuống ngấm rễ cây mục nên dễ sạt lở. Trước mắt chính quyền xã huy động lực lượng giúp dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, về lâu dài, xã đề nghị chính quyền cấp trên sớm bố trí tái định cư để bà con được di dời đến nơi ở mới an toàn.

Xã cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá trình hình, lên phương án di dời và báo cáo với UBND huyện. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí để di dời gặp nhiều khó khăn nên hiện địa phương vẫn chưa thể thực hiện được.

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện