Một thời hoàng kim
Ngói Cừa - thời còn huy hoàng các sản phẩm của làng nghề gần như độc quyền ở các tỉnh Bắc Trung bộ, thậm chí còn được xuất khẩu qua các nước Lào và Thái Lan. Nhưng chỉ khoảng 4-5 năm trở lại đây vì nhiều vướng mắc ở hợp tác xã (HTX) mà làng nghề này bây giờ chỉ được nhắc đến trong những câu chuyện cổ tích không có hậu.
Ông Nguyễn Văn Sơn (60 tuổi) chia sẻ về những buồn vui và bày tỏ luyến tiếc về những ngày huy hoàng của làng ngói Cừa. Đã gần 30 năm gắn bó với nghề, ông rất nhớ nghề, ngày trước làng nhộn nhịp là thế giờ chỉ còn những lò gạch cũ bỏ hoang. Cũng như nhiều người dân ở đây, khi làng nghề 'xoá sổ', ông Sơn cùng người làng thất nghiệp, phải bươn chải đủ nghề từ làm ngói ốp mới, ngói lợp, đi làm thuê khắp nơi… có thời điểm thanh niên kéo nhau vào Nam tìm việc, cả làng trước đây sống vì nghề giờ cũng chết vì nghề.
Toàn cảnh lò gạch bị khai tử đã hơn 4 năm nhưng chưa được tháo dỡ |
"Nếu làng nghề còn, những lao động này mỗi ngày tại quê làm được 100 ngàn còn hơn vào Nam làm 200 - 300 ngàn đồng một ngày. Điều quan trọng giải quyết được việc làm cho lao động địa phương…”, ông Sơn nói và cho biết, trước đây, mỗi lò ngói đầu tư khoảng 50 - 60 triệu đồng, cho thu lãi mỗi năm trên dưới 200 triệu đồng. Nhờ ngói Cừa, nhiều gia đình ở Nghĩa Hoàn xây được nhà lầu, tậu được xe hơi.
Ông Hoàng Ngọc Bính (50 tuổi) – xã Nghĩa Hoàn cho biết, sở dĩ ngói ở đây đẹp mà bền bởi ở đây hội tụ đầy đủ yếu tố, được thiên nhiên ban tặng loại đất đặc biệt. Đất sét ở đây dẻo, có độ bền, nung lên nhìn rất đẹp. Không như làm gạch, để làm được viên ngói, đất phải đạt chất lượng về cả độ dẻo và tính thẩm mỹ. Đó là lý do ngói Cừa đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2007.
Ông Bính nhớ lại, nghề làm ngói Tây được tổ tiên của ông học từ người Pháp vào thế kỷ XIX. Ngày đó, các cụ thường bị người Pháp ép phải đi phu, đắp đê sông Hồng. Sau những ngày cực nhọc đó, các cụ may mắn học được công nghệ làm ngói từ người Pháp. Đó chính là loại ngói mà sau này người dân vẫn thường gọi với cái tên “ngói Tây”. Phải mãi đến những năm cuối của thập niên 80, sau khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, người dân địa phương mới tìm đến học nghề.
Năm 1992 lò ngói đầu tiên của người dân Nghĩa Hoàn mới được dựng lên. Kể từ đó, người dân làng nghề gần như “sống nhờ ngói”. Thời kỳ huy hoàng, ở đây có đến gần 200 lò ngói với gần 130 hộ sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Có năm, làng nghề sản xuất đến gần 100 triệu viên ngói, mang lại lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng. Những năm đó, ngói làng Cừa gần như độc quyền ở thị trường 6 tỉnh Bắc Trung bộ, thậm chí còn được xuất khẩu qua Lào, Thái Lan…
Giai đoạn thịnh vượng nhất của làng nghề bắt đầu từ năm 2006, khi được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đồng thời với việc HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ gạch ngói Cừa ra đời. Nghề làm ngói đã tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương, tạo nguồn thu mỗi năm hơn 100 tỷ đồng. Nhưng rồi, do thực hiện chủ trương xóa lò gạch, ngói thủ công của Chính phủ, năm 2017, các lò ngói ở làng nghề ngói Cừa phải dừng hoạt động. Từ đó đến nay, hàng trăm lò ngói và những giàn phơi bị bỏ hoang giữa đồng vì người dân không nỡ phá bỏ.
Tương lai nào cho ngói Cừa?
Làng nghề ngói Cừa ngày nay vẫn mang dáng dấp của một thị tứ nhỏ, với khá nhiều căn nhà cổ với lối kiến trúc của thập kỷ trước dễ dàng nhận ra sự thịnh vượng của làng nghề qua những căn biệt thự này. "Họ bỏ vào các tỉnh miền trong đi làm thuê hết rồi, nhà chỉ còn trẻ con và người già thôi. Có nhiều gia đình đã phải bán nhà để trả nợ ngân hàng vì trước đây vay đầu tư vào làm ngói..." - một người dân làng nghề ngói Cừa cho biết.
Theo lãnh đạo UBND xã Nghĩa Hoàn, từ năm 2013 khi có chủ trương xóa bỏ lò gạch, lò ngói thủ công, nhiều hộ dân ở làng Cừa thành lập hợp tác xã để chung tay góp vốn mua sắm thiết bị, lắp đặt dây chuyền sản xuất ngói công nghệ cao. Các chủ lò đã góp được hàng chục tỷ đồng, được giao nhiều hecta đất để sản xuất. Tuy nhiên, do bất đồng quan điểm, hàng chục hộ khác sau đó cũng thành lập một hợp tác xã thứ 2. Hai hợp tác xã cứ thế liên tục kiện tụng nhau, các cơ quan chức năng phải nhiều lần vào cuộc giải quyết. Kết quả khi được sáp nhập, các xã viên chủ chốt vẫn không tìm được tiếng nói chung dẫn đến việc dây chuyền thiết bị được mua sắm từ lâu, đến nay vẫn chưa thể hoạt động gây khó khăn cho các xã viên bỏ tiền góp vốn.
Khoảng 30ha đất đang bỏ hoang vô cùng lãng phí |
Đến cuối năm 2017, 200 lò ngói thủ công ở Nghĩa Hoàn buộc phải dừng hoạt động. Nhưng vì đấu đá nội bộ, dự án sản xuất ngói công nghệ cao vẫn chưa được triển khai. Lò thủ công không còn, lò công nghệ cao chưa có, hàng nghìn lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Nhiều chủ lò đã trót đầu tư hàng tỷ đồng, nay vỡ nợ. Cho đến nay, dự án này vẫn đang ngóng các nhà đầu tư mới.
Ông Nguyễn Đình Hưng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn cho hay, theo quy định thì các hộ dân sẽ phải tự tháo dỡ, hoàn thổ rồi trả lại mặt bằng cho xã để xã tiếp tục kêu gọi đầu tư. Thế nhưng đã 4 năm qua, số hộ chủ tự tháo dỡ còn rất ít. Cứ đến mùa mưa bão lãnh đạo xã rất lo lắng vì sợ lò ngói sập xuống, gây tai nạn cho bà con đi chăn thả trâu bò…
Mặc dù trước đó, vào tháng 6/2020, trong buổi tiếp công dân ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu các sở, ngành liên quan, đặc biệt là huyện Tân Kỳ phải quan tâm vào cuộc giải quyết các vướng mắc ở làng ngói Cừa. Các nội dung trên chậm nhất là trong năm 2020 phải giải quyết hoàn thành... nhưng đến nay mọi thứ cũng vẫn "án binh bất động".
Theo ông Phạm Hồng Sơn Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ - cho biết, chủ trương của tỉnh rất muốn giữ làng nghề để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Chính quyền địa phương đã và đang hoàn thiện các phần còn dang dở về thủ tục vướng mắc trước đây. Thời gian qua, cũng đã có một số nhà đầu tư vào tìm hiểu để đầu tư nhà máy với dây chuyền công nghệ cao nhưng thời điểm này do dịch bệnh nên mọi việc còn dừng lại đó…”, ông Sơn nói.
Rời làng nghề ngói Cừa đã một thời vang bóng, chúng tôi cũng mong rằng chính quyền địa phương, cùng các ngành liên quan, ngân hàng và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất... sớm tìm được giải pháp tháo gỡ cho làng nghề truyền thống này. Điều đó không chỉ làm sống lại làng nghề truyền thống vốn thế mạnh của Nghệ An, mà còn là cứu cánh cho hàng ngàn lao động nông thôn đã từng làm nghề trước đây không phải tha phương để mưu sinh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin