Đời sống - Xã hội

Nghệ An: Gian nan thợ điện vùng biên viễn

17:08, 02/11/2021
Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông và Lượng Minh là những xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những xã vùng sâu, vùng xa đã được những người thợ điện nỗ lực đưa điện lưới quốc gia tới từng thôn bản. Phải vào tận nơi mới có thể chứng kiến được hết những nhọc nhằn, vất vả của những người thợ điện nơi đây vượt núi, đưa điện về tận thôn bản vùng biên viễn xứ Nghệ.

Vượt núi "cõng điện" lên non

Ai đã từng một lần đến với xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (Nghệ An) những năm trước đây có lẽ không thể nào quên nơi thâm sơn cùng cốc của đại ngàn xứ Nghệ, nơi đây là xã duy nhất của tỉnh không có đường bộ về trung tâm. Trước năm 2015 ở đây không điện lưới, không đường bộ, không chợ, không sóng điện thoại… và còn rất nhiều không nữa… Cái đói, cái nghèo cứ quanh quẩn bám lấy bản làng như chẳng thể có lối thoát….

Gian nan những người lính áo cam vượt núi cõng điện lên non
Gian nan những "người lính áo cam" vượt núi "cõng điện" lên non

Thế nhưng, giờ đây khi trở lại nơi cái đói cái nghèo ấy đã và đang lùi vào quá khứ khi dòng điện lưới quốc gia đã được những người thợ vượt núi, băng rừng kéo điện về từng thôn, bản. Cuộc sống nơi đây như được thổi vào những luồng sinh khí mới no đủ hơn, đang dần hiện hữu trên mảnh đất này.

Rời thị trấn Thạch Giám, chúng tôi ngồi xuồng máy từ bến thượng lưu ở Bản Vẽ vào Hữu Khuông mất gần 3 giờ đồng hồ. Hữu Khuông là vùng đất sâu hút giữa đại ngàn Trường Sơn, là một trong những xã khó khăn bậc nhất của tỉnh Nghệ An. Có vào tận nơi, mới có thể hình dung hết những nhọc nhằn, khó khăn, vất vả của những người thợ điện nhọc nhằn “cõng điện” lên non này.

Theo anh Nguyễn Văn Bình - Giám đốc điện lực Tương Dương, để mang được điện tới cho bà con là cả một sự nỗ lực lớn. Đây có thể nói là chính sách vô cùng nhân văn của Nhà nước cũng như ngành điện. Ở những vùng khó này, mỗi lần nhân viên vào thu tiền điện phải đi hết 300-500 ngàn tiền đò, tiền xe trong khi bà con dùng điện mỗi tháng chỉ có 15-30 ngàn đồng mỗi hộ, có bản chưa đến 100 hộ dân.

Mùa hè Tương Dương là chảo lửa của vùng Đông Dương, để mang được thiết bị lên tới nơi, cởi áo vắt ra mồ hôi chảy thành dòng, thế nhưng vẫn dễ đi được, khổ nhất vẫn là vào mùa mưa, bão. Khi thi công trên núi, đường không có, lại thêm cây cối và sạt lở đất đá bất cứ lúc nào. Những lúc như thế, anh em trong đội buộc phải đi bộ, mang theo bánh mì, cơm nắm và nước uống vì ở Hữu Khuông chợ cũng chưa có, thậm chí nửa quả đồi mới có một nhà dân.

Thợ điện vùng biên cũng không thật sự dễ dàng, anh em ở đây phải thích nghi với mọi hoàn cảnh
Thợ điện vùng biên cũng không thật sự dễ dàng, anh em ở đây phải thích nghi với mọi hoàn cảnh

“Địa hình rộng, đường dây chủ yếu đi qua địa hình đồi núi phức tạp, hiểm trở, qua rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Bản Sàn, bản Huồi Cọ - xã Hữu Khuông phải di chuyển đến 120km đường rừng. Không thể đi về trong ngày, thường mỗi khi vào công tác phải đi từ chiều hôm trước, tối nhờ nhà dân ngủ lại qua đêm hôm sau công làm việc xong mới về trụ sở được, có khi chưa xong việc phải ở lại nhà dân ba, bốn ngày liền. Gian khổ là thế, nhưng bất kể ngày hay đêm, nắng nóng hay giá rét và cả khi trời mưa bão, bất cứ lúc nào bà con vùng núi này gọi báo sự cố về điện thì chúng tôi sẽ ngay lập tức lên đường để sửa chữa điện một cách nhanh nhất…", anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Kể thêm về những ngày đầu gian khó khi ngành Điện Nghệ An đưa lưới điện quốc gia về các thôn bản thuộc bản Cà Moong xã Lượng Minh, anh Tăng Đình Chuyên - cán bộ ngành điện Tương Dương nhớ lại, những năm 2017 khi mới bắt đầu kéo điện về bản, hồi đó cơ sở hạ tầng giao thông khó khăn, nhiều bản còn phải đi theo ven khe suối chứ chưa có đường chính, có những địa điểm không di chuyển bằng phương tiện cơ giới mà phải đi bộ hàng nửa ngày.

Bất kể mưa rừng hay nắng nóng, mỗi lần vào bản Na Ngân, hoặc bản Na Kho xã Nga My bọn tôi phải di chuyển bằng xe máy khoảng 80km, sau đó phải đi bộ từ 8 - 10km mới tới nơi, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, các khe suối nước dâng cao, đất đá sạt lở đường thì việc đi lại càng hết sức khó khăn. Ở những bản như Cà Moong - xã Lượng Minh, thì đường bị mưa lũ gây sạt lở, mỗi khi vào bản phải đi vòng qua lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Chỉ đi được khoảng 30km là bằng xe máy sau đó phải mất 2 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xuồng mới vào đến nơi.

Theo ông Nguyễn Văn Bình thì đến đầu năm 2020 trên địa bàn huyện còn 25 bản chưa có điện lưới Quốc gia. Thực hiện chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo từ lưới điện Quốc gia do Tổng công ty Điện lực Miền Bắc là chủ đầu tư, đến cuối năm 2020 đã hoàn thành cấp điện cho 15 thôn bản, 10 thôn bản còn lại đã có phương án đầu tư xây dựng và dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành đóng điện. Đến lúc này, những người trực tiếp tham gia thi công mới dám tin vào sự thành công của con đường mang ánh sáng điện tới các thôn bản xa xôi này. Người dân có điện lưới quốc gia - điều mà trước đây ai cũng nghĩ đó là một giấc mơ khó trở thành hiện thực.

Niềm vui đến với rẻo cao

Xã Hữu Khuông hiện có 628 hộ dân sinh sống với hơn 2.670 nhân khẩu là người dân tộc Thái, Khơ Mú và H-Mông. Ngày điện về với các thôn bản, tất cả người dân trong xã như vỡ òa trong niềm vui sướng, bởi ước mong có điện từ bao đời nay đã trở thành hiện thực. Điện không những làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân mà đã mở ra biết bao hy vọng, xua đi cái đói, cái nghèo đã từng đeo bám biết bao thế thế hệ người dân nơi đây.

Ông Vi Văn Tiến ở bản Con Phen hồ hởi, từ khi có điện, gia đình tôi đã cố gắng mua một máy xay xát để phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi. Có máy xay xát, gia đình đã giảm được nhiều sức lao động. Trước đây, muốn xát gạo, xát ngô thì phải giã bằng tay, tốn rất nhiều công sức. Khi có máy xát điện rồi, nhà tôi đã nuôi thêm được nhiều gia súc, gia cầm để bán và đã thoát được cái nghèo.

Chứng kiến niềm vui mong đợi bao năm của bà con ở Con Phen xã Hữu Khuông khi điện lưới về bản, càng thấy khát vọng vươn lên phát triển sản xuất, xóa nghèo của người dân là rất lớn. Điện lưới là “mũi nhọn đột kích” đẩy lùi tăm tối và nghèo đói ở vùng cao này
Chứng kiến niềm vui mong đợi bao năm của bà con ở Con Phen xã Hữu Khuông khi điện lưới về bản, càng thấy khát vọng vươn lên phát triển sản xuất, xóa nghèo của người dân là rất lớn. Điện lưới là “mũi nhọn đột kích” đẩy lùi tăm tối và nghèo đói ở vùng cao này

"Trước đây, khi chưa có điện, người dân trong bản không biết xem tivi là gì, thiếu thông tin lắm. Đêm đến, ánh sáng không có nên con em chỉ học bằng ánh đèn dầu. Từ ngày có điện lưới quốc gia về thôn, tôi và bà con nơi đây vui mừng lắm. Nhà nào cũng có điện thắp sáng để phục vụ sinh hoạt và có tiếng tivi râm ran trong nhà để nắm bắt thêm thông tin…", ông Tiến nói.

Chị Lương Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông - cho hay, sau khi có điện thì bà con trên địa bàn có sự khởi sắc. Đầu tiên là bà con không phải thắp đèn dầu hỏa, ko phải làm thủy điện mini nhỏ phụ thuộc lớn vào nước khe lên xuống, thậm chí rủi ro lũ cuốn trôi máy phát điện nhỏ, bà con nhân dân có cơ hội sắm sửa đồ dùng tư trang vào gia đình như tivi, tủ lạnh, loa đài nên khả năng tiếp cận thông tin với xã hội cũng đc nâng lên. Bà con có sóng điện thoại, có điện thoại thông minh kết nối được nhiều thông tin vì thế trình độ dân trí cũng đc nâng lên trông thấy.

“Cũng không ai nghĩ rằng ở ốc đảo Hữu Khuông - giờ đây các em học sinh có cơ hội học vi tính, trực tuyến trong thời điểm dịch bệnh vừa qua…”, chị Lương Thị Vân Anh chia sẻ.

Có điện lưới, việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất cũng đc cải thiện đáng kể. Bà con có cơ hội áp dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, như hệ thống tưới nước tự động, được triển khai vì đã có máy bơm, việc tiếp cận tập huấn bằng hình ảnh cụ thể đc triển khai, nhân dân được nhìn thấy hình ảnh thật về các mô hình hay những nơi khác bằng hình ảnh máy chiếu, máy tính nên tạo đc hiệu quả lợi ích kiến thức cho nhân dân tốt hơn. Xã cũng đã triển khai xây dựng đc mô hình nuôi cá lòng hồ bằng mô hình lồng công nghệ cao nhờ có điện hàn các khớp nối lồng cá, điện xay thức ăn cho cá ăn. Trong việc xây dựng nông thôn mới làm đường bê tông nội xóm, nội bản, các bản có điện trộn máy bê tông làm đường nên công suất làm đường cao hơn. Bà con nhân dân đỡ tốn sức trong việc trộn hồ đổ bê tông đường. Bây giờ xã đang triển khai xây dựng các mô hình cho hiệu quả khá tốt…chị Vân Anh phấn khởi.

Chia tay Hữu Khuông, chúng tôi hiểu rằng, để đưa được dòng điện lưới quốc gia về với bà con các dân tộc nơi đây những người thợ điện nếu không có tình yêu nghề thực sự cũng như tinh thần trách nhiệm cao thì chắc chắn không bám trụ được với công việc này. Đáng nói hơn, đó là từ câu chuyện đưa điện về vùng cao, càng thấy được trách nhiệm của ngành điện với xã hội, với cộng đồng, điều mà bấy lâu nay không phải ai cũng thấu hiểu.

Điện về đã giúp Hữu Khuông "thay da đổi thịt", ông Lô Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông - không giấu nổi niềm vui: "Từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân nơi đây đã từng bước được nâng cao. Bà con được tiếp cận các thông tin truyền thông tốt hơn cũng như có điện phục vụ sản xuất. Có thể nói, từ lúc có điện lưới về, địa phương đã thực sự thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, xay xát, nuôi cá lồng bè, trồng nghệ được áp dụng khoa học công nghệ mới… tất cả đều được hưởng lợi từ điện, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trong xã…".

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện