Hậu quả nặng nề
Trong những ngày qua, mưa to đến rất to, đặc biệt một số nơi có tổng lượng mưa đến 800 mm gây ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, mưa lũ mấy ngày qua tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên đã làm 4 người chết, 8 nhà bị sập, 23.605 nhà bị ngập; 641 ha lúa, 188,5 ha hoa màu bị thiệt hại...
Ngoài ra, mưa lũ còn làm quốc lộ 14H, 40B (Quảng Nam) bị ngập, sạt lở; quốc lộ 1 (Bình Định) ngập cục bộ; quốc lộ 29, 27, 19C bị ngập.
Tại Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, lũ các sông trên địa bàn tỉnh, nhất là sông Vệ và sông Trà Câu vượt mức báo động 3 đã gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, nhiều tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn, nhất là tuyến đường xã tại các huyện miền núi tiếp tục bị hư hỏng, sạt lở, có 5 tuyến kênh mương bị sạt lở với khối lượng đất, đá hơn 750 m³.
Nước ngập các khu dân cư ở Phú Yên |
Tại Bình Định, chiều 30/11, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, mưa lũ làm 1 người chết, hơn 66.000 học sinh không thể đến trường. Tính đến sáng 30/11, tỉnh Bình Định có hơn 16.500 căn nhà bị ngập; nhiều nhất là huyện Tuy Phước với gần 11.000 căn. Nhiều vùng trũng thấp tại các xã: Phước Hòa, Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thắng... của huyện Tuy Phước bị ngập từ 2 ngày qua, giao thông chia cắt.
TP Quy Nhơn đã di dời 254 hộ dân với 683 nhân khẩu ở các phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú và Đống Đa; huyện Phù Cát đã di dời 36 hộ dân khu vực núi Gành, xã Cát Minh; thị xã An Nhơn di dời 137 hộ với 278 nhân khẩu.
Tại Phú Yên mưa lớn liên tục kéo dài, nhiều thủy điện xả lũ nước ngập sâu nhiều nơi, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, dự báo nước lũ các sông vẫn đang lên nhanh. Trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ ở các huyện Sơn Hòa và Phú Hòa ngày 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương khẩn cấp sơ tán người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn, với khoảng 3.381hộ/11.457 nhân khẩu.
Tại tỉnh Đắk Lắk, mưa lũ làm nhiều tuyến đường, cầu cống trên địa bàn ba huyện Ea Kar, Krông Bông, M'Đrắk bị ngập, gây chia cắt giao thông cục bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, không cho người và các phương tiện lưu thông qua lại. Hiện nay, mực nước sông Krông Pắc đang lên, tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục diễn biến phức tạp.
Khẩn trương khắc phục, di dân an toàn
Ngày 30/11, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 24CĐ-QG gửi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai; các bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Y tế; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh nói trên tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng, chống giảm thiểu thiệt hại; rà soát khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó tăng cường sơ tán xen ghép và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Lực lượng khắc phục tạm thời các tuyến giao thông bị sạt lở ở Ba Tơ, Quảng Ngãi |
Các địa phương đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói và thiếu nước uống; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; triển khai phương án ứng phó, vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và tham gia giảm lũ cho hạ du; triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai tăng cường các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến mưa lũ, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh; tập trung chỉ đạo, hỗ trợ người dân khu vực chịu ảnh hưởng khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống ngay sau khi lũ rút, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; triển khai các phương án bảo vệ và sẵn sàng khôi phục sản xuất ngay sau khi lũ rút.
Các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện; việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; triển khai lực lượng, phương tiện ứng trực tại các vị trí ngập sâu, nguy cơ sạt lở, hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ khi có yêu cầu...
Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin