PGS.TS.Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết những thức uống người dân xem như chất giải độc trên đều có khả năng khử độc và chống oxy hóa. Chẳng hạn, các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh, sẽ có một số chất giúp tăng cường sức khỏe và chất chống oxy hóa.
"Dân gian hay nói ăn đậu xanh sau khi uống thuốc sẽ bị "giải thuốc", tuy nhiên trong nó cũng có chứa men và chất giúp chuyển hóa của các thuốc được tăng cường lên. Suy nghĩ uống nước gạo rang, nước đậu, trà để giải độc thực chất chỉ giúp trấn an bản thân. Vai trò thật sự của nó chỉ là hỗ trợ một phần, không giúp giải độc hoàn toàn", PGS Hoàng cho hay.
Ngày Tết, nhiều gia đình thường chuẩn bị các loại nước với mục đích làm mát gan, giải độc. (Ảnh: Regina Sloh) |
Theo PGS Hoàng, gan của chúng ta vẫn đủ khả năng để làm nhiệm vụ giải độc mà không cần sự hỗ sợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, nếu gan đang có vấn đề hoặc tiếp xúc trực tiếp một độc tố nào đó, một số chất giải độc gan, thuốc hỗ trợ lúc này sẽ đóng vai trò nhất định giúp phục hồi tế bào gan. Ngoài ra, chúng giúp giảm mức độ tổn thương, hóa giải thành phần oxy hóa hoặc cung cấp cơ chất đặc biệt để gan tăng cường hoạt động.
Việc nghĩ rằng đưa càng nhiều chất bổ vào cơ thể sẽ tốt là quan niệm sai lầm. Ăn gan, nội tạng động vật nhiều sẽ gây hại cho gan vì nó cũng chứa chất độc do gan khử độc. Bạn ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Do đó, PGS.TS.Bùi Hữu Hoàng khuyến cáo người dân cần hiểu biết rõ về sức khỏe của mình, cho phép bản thân được thoải mái trong ngày Tết nhưng phải có chừng mực.
Người dân nên tìm hiểu rõ nguồn gốc thực phẩm sử dụng và mức độ phù hợp để khi cần thiết sẽ biết cách điều tiết, giúp cơ thể có thời gian nghỉ, cân bằng và bình ổn trở lại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin