Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, cùng điểm qua 4 doanh nhân tuổi Hổ thành đạt, được nhiều người biết đến trên thương trường.
"Bầu" Hiển
Sinh năm 1962 (Nhâm Dần) tại Hà Nội, doanh nhân Đỗ Quang Hiển là kỹ sư vật lý vô tuyến. Sau nhiều công việc liên quan đến kỹ sư, ông chuyển sang Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.
Năm 1993, ông bước chân vào lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông…với dấu mốc là thành lập Công ty TNHH công nghệ và thương mại T&T.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group. (Ảnh: T&T) |
Gần 30 năm phát triển, Tập đoàn T&T phát triển mạnh mẽ và trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành lớn hàng đầu Việt Nam.
Năm 2006, doanh nhân Đỗ Quang Hiển bước chân vào lĩnh vực ngân hàng với khoản đầu tư vào Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, tiền thân của SHB. Từ mức vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên mức 26.674 tỷ đồng.
Ngoài cương vị là Chủ tịch T&T và SHB, ông Đỗ Quang Hiển còn là Chủ tịch HĐQT của rất nhiều công ty khác như Chứng khoán Sài gòn Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn Hà Nội (SHF), Thủy sản Bình An (Bianfishco), Bảo hiểm SHB – Vinacomin (SVIC), Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp SHB, Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang. Bên cạnh đó, vị doanh nhân này cũng là ông bầu bóng đá nổi tiếng suốt hơn 10 năm qua.
Tính đến ngày 21/1, ông Đỗ Quang Hiển đang sở hữu 67,7 triệu cổ phiếu SHB, 593.416 cổ phiếu SHS, tương đương khối tài sản 1.435 tỷ đồng.
"Bầu" Đức
Sinh năm Nhâm Dần 1962 tại Bình Định, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức được mọi người biết đến với biệt danh "Bầu Đức". Ông nổi tiếng với vai trò ông bầu trong làng bóng đá và cũng là một doanh nhân thành đạt qua thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai. Sau một thời gian làm thuê, ông Đức tích góp được một khoản tiền đủ để mở một xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức. (Ảnh: Haagrico) |
Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, doanh nghiệp trở thành Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá.
Công ty bắt đầu niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG. Năm 2008, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt. Năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Tính đến ngày 21/1, ông Đoàn Nguyên Đức sở hữu 319,9 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 4.575 tỷ đồng, xếp thứ 35 trong danh sách người giàu chứng khoán Việt.
Nổi tiếng là người đam mê bóng đá, từ năm 2001, bầu Đức bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho bóng đá, thành lập Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đào tạo bóng đá trẻ.
Doanh nhân Nguyễn Duy Hưng
Ông Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1962 (Nhâm Dần) tại Thanh Hóa, là doanh nhân nổi tiếng trong giới đầu tư, tài chính và SSI hiện là công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Việt Nam.
Doanh nhân Nguyễn Duy Hưng. (Ảnh: SSI) |
SSI được thành lập năm 1999 với số vốn đăng ký 420.000 USD. Cho đến nay, SSI đã kiểm soát gần 1/5 ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Ngoài Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Duy Hưng còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PAN, Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư NDH.
Tính đến 21/1, ông Hưng sở hữu trực tiếp và gián tiếp khoảng 25 triệu cổ phiếu PAN, 100 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 5.162 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Hưng xếp thứ 31 trong danh sách người giàu chứng khoán Việt.
"Nữ hoàng mía đường" Huỳnh Bích Ngọc
Chủ tịch TTC Sugar Huỳnh Bích Ngọc. (Ảnh: TTC Sugar) |
Bà Huỳnh Bích Ngọc sinh năm 1962 (Nhâm Dần) tại Bến Tre. Bà là Phó Chủ tịch TTC Group (Tập đoàn Thành Thành Công) và Chủ tịch TTC Sugar (CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa).
Những ngày đầu khởi nghiệp, bà Ngọc cùng chồng là doanh nhân Đặng Văn Thành rong ruổi ngược xuôi các tỉnh miền Tây Nam bộ để thu mua mật rỉ đường về nấu cồn. Giai đoạn ông Thành xây dựng Sacombank lớn mạnh, bà Ngọc chính là người đã điều hành mảng mía đường của TTC Sugar.
Bà được mệnh danh là “nữ hoàng mía đường” khi TTC Sugar do nhà bà nắm quyền kiểm soát là công ty mía đường lớn nhất Việt Nam với khoảng 46% thị phần.
Tính đến ngày 21/1, bà Huỳnh Bích Ngọc sở hữu 3,2 triệu cổ phiếu BHS, 1 triệu cổ phiếu GEG, 69,7 triệu cổ phiếu SBT...tương đương khối tài sản 1.541 tỷ đồng, xếp thứ 100 trong danh sách người giàu chứng khoán Việt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin