Đời sống - Xã hội

Lý do dừng hỗ trợ người ảnh hưởng dịch COVID-19 từ 1-3

10:56, 04/03/2022
Đó là thông báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã ra Quyết định 4292 về việc dừng thực hiện chính sách hỗ trợ cho công đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kể từ ngày 1-3.

Dừng sau gần ba tháng hỗ trợ

Chị Nguyễn Ngọc Hạnh, công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), chia sẻ: Đầu tháng 10-2021, công ty chị có nhiều người bị mắc COVID-19, trong số đó có chị.

“Lúc đó, cả tôi và chồng tôi đều phải nghỉ việc để tự điều trị, cách ly tại nhà. 14 ngày cách ly tôi không được nhận lương. Tôi lo lắm vì nghỉ lâu sẽ không có tiền đóng tiền trọ, rồi tiền sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi trở lại làm việc, tôi được công đoàn thông báo sẽ nhận được tiền hỗ trợ 2 triệu đồng từ tổ chức công đoàn. Đủ tiền đóng tiền trọ một tháng, tôi mừng lắm” - chị Hạnh nói.

Tương tự, anh Trần Văn Hùng, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết anh cũng từng là F0 vào tháng 11-2021. Sau khi hết bệnh, trở lại làm việc anh cũng nhận được 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ từ công đoàn.

“Lúc bạn có việc làm, có lương thì số tiền 1,5 triệu đồng sẽ không là bao. Thế nhưng, với những người trông chờ lương hằng tháng như tôi khi nghỉ việc mà nhận được số tiền hỗ trợ này là không hề nhỏ. Rất cám ơn sự quan tâm của tổ chức công đoàn đã chia sẻ với NLĐ trong những khoảng thời gian khó khăn” - anh Hùng xúc động.

Chính sách hỗ trợ này đã được triển khai thực hiện gần ba tháng qua theo Quyết định 3749 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nay sẽ ngừng kể từ ngày 1-3.

Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho NLĐ bị nhiễm COVID-19 trước ngày 1-3-2022 sẽ được thực hiện chậm nhất đến ngày 31-3-2022.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng Ban quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: “Sau hơn hai tháng triển khai thực hiện, Quyết định 3749 đã có hiệu quả nhất định trong việc vừa đảm bảo chi hỗ trợ cho đối tượng đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh bình thường mới, vừa đảm bảo việc dành nguồn tài chính công đoàn cho việc chăm lo tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”.

Người lao động làm việc tại một công ty ở TP.HCM.
Người lao động làm việc tại một công ty ở TP.HCM.

 

Lý do dừng chi hỗ trợ

Về lý do dừng chi hỗ trợ cho công đoàn viên, bà Trần Thị Thanh Hà thông tin: Cùng với đó, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã chuyển phương châm phòng chống dịch từ “zero COVID ” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát rủi ro, hạn chế phong tỏa diện rộng, giảm việc dừng việc, nghỉ việc, giảm thời gian cách ly y tế do COVID-19. Do đó, việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.

Mặt khác, tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của nước ta đã đạt ở mức cao, thuộc nhóm sáu nước cao nhất thế giới. Điều này góp phần giảm ca bệnh triệu chứng nặng và số ca tử vong do COVID-19. Theo nhiều chuyên gia y tế, sau khi đã tiêm phủ vaccine diện rộng trong toàn dân thì nên coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa, cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác.

“Từ những lý do trên, Đoàn chủ tịch đã quyết định dừng thực hiện Quyết định 3749/QĐ-TLĐ. Từ thời điểm 1-3-2022, việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị nhiễm COVID-19 được giao cho các cấp công đoàn thực hiện cho phù hợp với các quy định của các cấp công đoàn về chi hỗ trợ các trường hợp đoàn viên, NLĐ bị ốm đau, mắc bệnh nghề nghiệp, dịch bệnh, tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn… Trước đó, chủ trương này cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của các LĐLĐ tỉnh, TP, công đoàn ngành trung ương và tương đương tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tổng liên đoàn” - bà Hà cho biết.

Đã chi hơn 5.800 tỉ đồng để chăm lo

Trước đó, theo Quyết định 3749 của Tổng LĐLĐ thì công đoàn viên, NLĐ là F0 đang làm việc tại cơ quan, đơn vị có tổ chức công đoàn; hoặc NLĐ đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn nhưng có đóng kinh phí thì sẽ được nhận hỗ trợ từ tổ chức công đoàn.

Cụ thể, công đoàn viên, NLĐ không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch COVID-19 được hỗ trợ với hai mức sau:

Hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Ngoài ra, đối với công đoàn viên, NLĐ làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 thì thân nhân của họ được hỗ trợ 5 triệu đồng/người.

Trong hai năm qua, các cấp công đoàn đã chi hơn 5.800 tỉ đồng chăm lo cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện