Trận động đất đầu tiên trong sáng nay (21/4) xảy ra lúc 00 giờ 55 phút 28 giây với độ lớn 3.2 và độ sâu 8.3km. Ngay sau đó, lúc 01 giờ 05 phút 23 giây một trận động đất có độ lớn 2.9 ở độ sâu 8.6km lại xảy ra ở huyện Kon Plông. Trận động đất mới nhất xảy ra lúc 4 giờ 12 phút 48 giây rạng sáng nay ở Kon Plông với độ lớn 2.5, độ sâu khoảng 8.1km.
Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, chỉ tính từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực Kon Plông đã ghi nhận hơn 170 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số động đất xảy ra trong suốt thời gian từ năm 1903 đến 2020. Không chỉ gia tăng về tần suất, động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông còn có xu hướng mạnh dần. Trong đó trận động đất ngày 18/4 có độ lớn 4.5, là trận động đất lớn nhất ở khu vực này từ trước đến nay.
Theo TS Lê Huy Minh, Viện Vật lý Địa cầu, nhiều khả năng động đất xảy ra tại Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện, thủy lợi tích nước, gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới.
PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất cũng cho rằng, động đất tại Kon Plông nhiều khả năng là động đất kích thích bởi thời điểm gia tăng động đất trùng với thời điểm Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 (24/3/2021).
Đặc biệt, khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy Rào Quán - A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế), kéo dài tới Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này tích nước hồ chứa.
Trong đó, tại thủy điện sông Tranh 2, động đất xảy ra từ năm 2012, kéo dài đến tận bây giờ, từng gây ra nhiều lo ngại cho người dân và chính quyền các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Tại Thủy điện Đắk Đrinh, động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn hơn, cường độ và tần suất ít hơn.
Tâm chấn trận động đất mới nhất xảy ra sáng nay ở Kon Tum. |
Trước bối cảnh động đất bất thường tại Kon Tum, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu đề xuất 5 giải pháp khẩn cấp, trong đó có việc rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn đối với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Cùng với đó, tiến hành nghiên cứu đánh giá chi tiết mô hình cấu trúc và độ lớn động đất cực đại có khả năng phát sinh của các hệ thống đứt gãy khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Thiết lập ngay một mạng trạm quan sát động đất địa phương (gồm 5 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Nghiên cứu nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận, tiến hành đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và ứng phó động đất cho người dân nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của động đất.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Tại Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai ngày 19/4, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai đã đề nghị các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, đảm bảo sơ tán mọi công dân trong vùng nguy hiểm để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.
Ông Hoài cũng đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai phối hợp tích cực với Viện Vật lý địa cầu để khẩn trương tìm ra nguyên nhân và nguy cơ xảy ra động đất, cắm biển cảnh báo kịp thời, xây dựng và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn ứng phó tới người dân. Ngoài ra, cần sớm đánh giá đúng nguy cơ động đất trong thời gian tới để lên phương án và kịch bản ứng phó cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin