Ngay sau đó, gia đình đã đưa cả 2 đi bệnh viện Đô Lương, sau đó chuyển xuống bệnh viên Đa khoa Nghệ An cấp cứu, tuy nhiên bà Bùi Thị Bình đã tử vong (nội tạng bị phá hủy), còn anh Trần Văn Huệ hiện đang trong tình trạng nguy kịch.
Hình dáng côn trùng bọ cánh cứng bà Bình và anh Huệ ăn có hình dạng giống con côn trùng trên, nhưng cánh chấm màu vàng. |
Theo lời kể của người trong gia đình, trước đó vào ngày 11/6, bà Bùi Thị Bình có nhờ anh Trần Minh Huệ - người cùng xóm đến để cắt tỉa cây giới (duối) và sửa lại cánh cổng. Anh Huệ có bắt mấy con côn trùng cánh cứng trên luống trồng cây đậu tằm, đồng thời nói với bà Bình, con này rang ăn rất thơm ngon. Sau đó rang một số ít con cùng ăn với bà Bình. Ăn xong cả 2 không có biểu hiện gì bất thường.
Gần trưa ngày 12/6, bà Bình bắt tiếp con côn trùng trên luống đậu tằm bỏ vào gần đầy vỏ 1 chai nhựa (loại chai nước C2 không độ) rồi nhờ con dâu cắt cánh, bỏ vào chảo rang.
Rang chín con trùng, bà Bùi Thị Bình và anh Trần Minh Huệ cùng ngồi ăn. Rất may cô con dâu không ăn, bà Bình cho cháu, nhưng cháu cũng không ăn. Sau khi ăn số côn trùng trên thì cả 2 có biểu hiện ngộ độc, đi ngoài và nôn ra máu.
Sau sự việc, người nhà đã tìm con côn trùng trên luống đậu tằm để lấy mẫu gửi xuống bệnh viện nhưng không còn, chỉ còn lại số cánh con bọ đã cắt. Cánh bọ màu đen có sọc vàng trên lưng. (có người nói là con bổ củi, có người lại nói con bật lửa…).
Đến 17h chiều 13/6, anh Trần Minh Huệ cũng không qua khỏi và hiện đã được người nhà đưa về chuẩn bị hậu sự.
Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Sâu ban miêu có tên khoa học là Cantharis vesicatoria còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Thực chất là thứ sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15 - 20mm, ngang 4 - 6mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen. Ngộ độc sâu ban miêu tuy gặp không nhiều nhưng rất nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao và gây khó khăn cho hầu hết các bác sĩ cấp cứu ban đầu khi tiếp xúc với loại ngộ độc này. Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu,….
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin