Đến dự một buổi học viết chính tả và tập đọc về cách phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, ai cũng chăm chỉ học hành. Chị Lang Thị Hồng (43 tuổi) ở bản Cai, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông lần đầu tiên biết đến cái chữ, đôi tay thô cứng của chị vốn chỉ quen lao động, cầm con dao, cái cuốc sau nhiều lần tập viết, nét chữ của chị mới nắn nót, thẳng hàng. Chị Hồng tâm sự: "Khi chưa lấy chồng không được đi học vì nhà nghèo quá. Được tham gia lớp học, bản thân biết nhiều hơn trong tính toán, chữ viết”.
Các mẹ, các chị miệt mài học chữ. |
Để có những lớp học xóa mù chữ cho đồng bào nơi đây phải kể đến tâm huyết miệt mài gieo con chữ của cô giáo - người đảng viên trẻ Lê Thị Hồng Thanh. Cô thanh là giáo viên Trường Tiểu học Cam Lâm, tham gia công tác xóa mù chữ cho bà con nông dân ở xã Cam Lâm được hơn 6 năm nay. Những khó khăn của cô khi lặn lội vào bản xa nơi đèo dốc heo hút dạy chữ cho bà con không thể kể hết. Có nhiều đêm dạy học xong trở về đến nhà thì đã 12 giờ đêm. Cô Thanh chia sẻ: "Gia đình người thân lo lắng không muốn cho đi dạy. Nhưng trăn trở từ nghề đã thôi thúc bản thân tiếp tục hành trình ‘gieo chữ’ cho người dân nơi đây. Các học viên còn vướng bận việc gia đình, con cái, đường đến lớp còn xa, nhưng vẫn đến lớp học đầy đủ là động lực để bản thân gắn bó với công việc này”.
Lớp học xoá mù chữ cho bà con xã Cam Lâm, huyện Con Cuông. |
Cam Lâm trước đây còn gọi là Mường Hẹch, là vùng nghèo khó nhất của huyện Con Cuông. Năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo trên 54% tỉ lệ mù chữ gần 30%. Mặc dù chính quyền xã cũng đã thực hiện vận động người dân tham gia học xóa mù chữ để nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, nhưng vì cuộc sống của bà con quá khó khăn nên việc xóa mù chữ vẫn chưa hiệu quả. Thực hiện Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 24/03/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Con Cuông đã xây dựng đề án xóa mù chữ giai đoạn 2014 - 2020 để đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi lao động, giảm tỉ lệ người tái mù chữ ở người lớn. Đảng ủy xã Cam Lâm đã chỉ đạo gắn trách nhiệm vai trò và năng lực của giáo viên, đảng viên tham gia công tác xóa mù chữ.
Với trách nhiệm của mình, cô Thanh không chỉ đổi mới phương pháp dạy học mà chú trọng đến phương pháp vận động như cô đã luôn gần gũi, để bà con không bị mặc cảm tự ti. Cô thường kể những câu chuyện đời thường như gương người tốt việc tốt trong làm kinh tế giỏi, chuyện người phụ nữ biết cách chi tiêu vun vén cho gia đình hay những câu chuyện cười để bà con mỗi lần đến lớp là một lần vui. Vì vậy, ai ai cũng hăng hái tham gia học cái chữ.
Cô Lê Thị Hồng Thanh theo dạy lớp bằng cả tâm huyết của một đảng viên trẻ. |
Miệt mài đem cái chữ đến với bản làng xa xôi, cô Thanh đã nâng cao được nhận thức cho đồng bào nghèo nơi đây. Mọi người đã phần nào tự tin mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Các hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan dần được loại bỏ. Dân bản không còn nghe theo lời xúi giục của các thế lực phản động. Nhân dân phấn khởi trọn lòng tin theo Đảng. Hiện tỉ lệ hộ nghèo ở xã Cam Lâm đã giảm còn 30%, tỷ lệ mù chữ chỉ còn 1,5%.
Thầy Trần Văn Hùng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Lâm (Con Cuông) chia sẻ thêm: "Trong vòng 6 năm, trường đã mở được 10 lớp xóa mù, tỉ lệ 103 học viên tham gia đều hoàn thành ở mức 2. Trong đó, đồng chí Lê Thị Hồng Thanh với lập trường vững vàng đã nhiệt tình trong công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Với quan điểm phổ cập giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và chăm lo giáo dục cho toàn dân, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của các cấp, ngành. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam”. Xác định rõ trách nhiệm của mình, cô Thanh cũng như những người giáo viên, đảng viên không chỉ đi đầu trong công tác xóa mù chữ cho đồng bào Mường Hẹch mà còn góp phần thay đổi được nhận thức cố hữu từ bao đời của bà con nơi đây để xây dựng cuộc sống bản làng ngày càng ấm no, tươi đẹp hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin