Hàng nghìn đời nay, truyền thống thờ Tổ tiên bắt nguồn từ việc biết ơn đối với cha mẹ, ông bà nên trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, đến thờ Tổ của dòng họ, thờ thành hoàng làng ở từng làng xã, đến cấp độ cao hơn là thờ Tổ - Vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng Thủy Tổ của dân tộc là biểu tượng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, biểu hiện cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống biết ơn tổ tiên, nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cùng một nguồn cội.
Người dân được tham dự dâng hương tưởng niệm Vua Hùng. |
Ông Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ cho rằng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt mà còn trở thành đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.
"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ lòng biết ơn của nhân dân của chúng ta đối với ông tổ Vua Hùng. Chính vì thế mà nhân dân đã tôn thờ Vua Hùng từ lâu đời; từ đó lập nên các đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để con cháu mãi mãi thờ tự. Điều đó thể hiện đạo lý 'uống nước nhớ nguồn', 'ăn quả nhớ người trồng cây'", ông Nguyễn Tiến Khôi cho biết.
Lễ vật được dâng lên các Vua Hùng. |
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống mãnh liệt, trường tồn với thời gian còn bởi người dân tôn thờ Hùng Vương vì sự linh thiêng và đức tin. Đó chính là hai yếu tố cơ bản tạo thành sợi dây cố kết cộng đồng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trong tâm thức của nhân dân ta Vua Hùng là vị vua Thủy Tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Do đó, người dân tôn vinh Vua Hùng là Thánh Tổ và dựng lên các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh để thờ tự từ bao đời nay. Thái độ tôn kính Hùng Vương với tư cách là Thủy Tổ của dân tộc, theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ người dân Việt Nam, khiến cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng linh thiêng và sức lan tỏa sâu rộng ra mọi miền đất nước, kể cả đối với kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài, dù xa quê nhưng luôn mong muốn một lần về với quê cha, đất tổ.
Về với Đền Hùng người dân được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. |
Chị Lê Nguyễn Minh Phương - kiều bào đang sinh sống tại Hàn Quốc bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được về Đền Hùng và rất là xúc động. Vì đây là một địa điểm mình muốn đến từ lâu nhưng hôm nay mới có dịp đặt chân đến đây. Tôi nghĩ là những người Việt Nam ở nước ngoài cũng như người Việt Nam ở trong nước luôn luôn hướng về quê hương, hướng về Đền Hùng, về với Phú Thọ. Đến được nơi này để cảm nhận được thực sự quê cha đất tổ là như thế nào, cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước, cảm nhận được tình yêu nước mãnh liệt như thế nào. Tôi nghĩ người Việt Nam dù ở đâu thì điều quan trọng nhất phải là Việt Nam, phải là quê hương và quê cha đất tổ của mình”.
Những giá trị nổi bật về sự phổ cập rộng rãi và truyền thống lâu đời của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt trong bảo tồn sức sống của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên mọi miền Tổ quốc, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài như một bản sắc văn hóa truyền thống được duy trì, kế tục và phát huy chính là một trong những tiêu chí để UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội thi giã bánh dày tại lễ hội Đền Hùng. |
Về Đền Hùng là về nơi trung tâm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mỗi người dân Việt Nam được về nơi cội nguồn dân tộc, về với hồn đất nước, là một hành động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và thể hiện lòng biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng. Thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là ý thức nguồn cội của hàng triệu người dân đất Việt, thể hiện qua số lượng đồng bào tìm về với trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng - Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ tăng theo từng năm.
Cũng trong dịp Giỗ Tổ, đồng loạt các di tích có thờ Vua Hùng và các danh tướng thời Hùng Vương đều thực hiện nghi thức dâng hương trang nghiêm, trọng thể. Việc cộng đồng người Việt ở nước ngoài thực hiện nghi thức Giỗ Tổ cũng được phủ sóng tại nhiều quốc gia. Đây là minh chứng cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Hàng năm kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đều mong muốn được về Đền Hùng dịp Giỗ Tổ. |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói: “Có một điều không bao giờ thay đổi, đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn luôn nằm trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Niềm tin tín ngưỡng đó giúp tạo ra một sức mạnh của lòng đoàn kết, sức mạnh của tinh thần yêu nước không chỉ ở trong nước mà còn ở ngoài nước. Ngày Quốc Tổ Hùng Vương toàn cầu chính là một minh chứng như vậy để chúng ta có được một ngày Quốc Tổ được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới, để hướng niềm tin, hướng tâm linh của người dân Việt Nam ở khắp thế giới về với đất tổ, về với lễ hội Đền Hùng. Điều đó tạo ra tình đoàn kết, tinh thần yêu nước, thực sự tạo ra một sức mạnh Việt Nam”.
Về với Đền Hùng, mỗi người dân Việt Nam hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”, được cùng sinh ra trong một bọc của mẹ Âu Cơ. Từ đó có thêm sức mạnh của ý chí cộng đồng, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Suy rộng ra, sự gắn kết cộng đồng xuất phát từ nguồn cội, do đó, là người Việt Nam dù ở đâu, ở trong nước hay ở nước ngoài đều là con một nhà trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Như vậy, có thể thấy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sức mạnh của tinh thần cố kết cộng đồng, đã, đang, sẽ mãi là điểm tựa cho khối đại đoàn kết của dân tộc, vun bồi ý chí, năng lực nội sinh của con người Việt Nam./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin