Trong cái nắng gay gắt đầu hè, được sự giới thiệu của Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hưng Nghĩa, chúng tôi đến xóm 6 xã Hưng Nghĩa, Hưng Nguyên tìm gặp CCB Võ Nguộc. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt kém, chân run, nhưng khi biết chúng tôi muốn nghe về chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính già tỏ ra nhanh nhẹn hơn khi đi tìm lại những kỷ vật đã nhuốm màu thời gian, được ông gìn giữ bao nhiêu năm nay.
CCB Võ Nguộc chia sẻ những năm tháng hào hùng lịch sử với các thế hệ con cháu, CCB xã Hưng Nghĩa - Hưng Nguyên. |
Như chạm vào những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời, ánh mắt CCB Võ Nguộc rạng rỡ khi kể cho chúng tôi về đời lính, về những tháng năm hào hùng trong quân ngũ. Chia sẻ với chúng tôi, CCB Võ Nguộc cho biết, ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tháng 1/1952, lúc vừa tròn 22 tuổi, cũng như bao thanh niên khác, chàng thanh niên Võ Nguộc theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ tại D32, Quân khu 4, tham gia chiến dịch Thượng Lào. Sau đó, đơn vị ông được chuyển sang Sư đoàn 36, CCB Võ Nguộc được ở lại Đại đội 925 - D5,Trung đoàn 174, Sư đoàn 36 và bắt đầu tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
CCB Võ Nguộc khoe những kỷ vật quý giá được ông gìn giữ bao nhiêu nay. |
Trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ đào hầm, xây dựng trận địa pháo, ông nhớ lại: Lúc bấy giờ bộ đội đào hầm, đào giao thông hào, phải tiến hành đào hầm ngầm vào ban đêm. Một giao thông hào chỉ chứa được 3 người. Mỗi tiểu đội bộ binh phải đào 3 cái hào. Đào đến hầm tướng Đờ - cát, cách 100m thì đặt khối bộc phá. Vừa đào hầm, bộ đội vừa phải ngụy trang sao cho thật khéo để tránh địch phát hiện. Để di chuyển pháo vào vị trí chiến đấu, đường kéo pháo được bộ đội luồn dưới các cánh rừng rậm, đoạn nào cây thưa thì gác giàn, phủ lá ngụy trang để tránh máy bay địch phát hiện. Pháo được kéo vào ban đêm, vượt qua hàng chục đèo cao, dốc đứng trước sự bắn phá của máy bay và pháo binh địch.
Lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam. (Ảnh: Tư liệu ) |
Đến ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Sư đoàn của CCB Võ Nguộc nhận nhiệm vụ đánh vào Đồi Him Lam, đồi Độc Lập. Thời điểm này, ông được phân làm tiểu đội Trưởng, nhiệm vụ lúc này là canh gác lính đào hầm, đào giao thông hào. Trong lúc canh giữ lính đào hầm thì bị thực dân Pháp bắn phá, bản thân ông đã lấy 2 quả lựu nạn ném và tiêu diệt được 6 tên địch. Đây là chiến công đầu tiên của ông khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên phủ. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch tặng các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên phủ tung bay rực rỡ trên nóc hầm chỉ huy của địch .Ảnh tư liệu |
Tại trận đánh đồi A1, quân Pháp xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố. Dù đã chọn những chiến sĩ khỏe mạnh nhất, nhưng do đất đồi A1 rất rắn và cứng, nên việc đào đường hầm dự tính trong 7 ngày phải kéo dài hơn dự kiến.
“Các chiến sĩ ta phải mất 12 ngày mới đào được khoảng 33m đến chỗ nghi là hầm ngầm của địch thì mới dừng lại. Sau đó, chúng tôi vận chuyển thuốc nổ vào vị trí, trong một đêm, chúng tôi đã chuyển 960kg đến cuối đường hầm. Để hoàn thành nhiệm vụ này, tại đây, các đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh rất nhiều” - CCB Võ Nguộc nghẹn lời nhớ lại.
Các huân chương chiến công được CCB Võ Nguộc treo ở vị trí trang trọng trong gia đình. |
Đêm 6/5, sau khi nhận lệnh từ cấp trên, đồng chí Phạm Văn Bạch đã kích nổ khối bộc phá làm rung chuyển cả quả đồi, Trung tâm cứ điểm đồi A1 như nổ tung, thổi bay chiếc lô cốt bên trên và tiêu diệt phần lớn một đại đội của địch. Sau khi bộc phá nổ, bộ binh của Trung đoàn 174 đồng loạt xung phong, bao vây quân Pháp. Quân địch hoảng loạn, mất tinh thần chiến đấu nghiêm trọng, nhiều tên buông súng đầu hàng. Sáng 7/5/1954, lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại trung tâm cứ điểm Đồi A1, báo hiệu giờ tàn sắp tới của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Huân Chương Kháng chiến và huân chương quân công được CCB cất giữ cẩn thận |
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Võ Nguộc tiếp tục tham gia các chiến dịch khác như: Chiến dịch Mậu Thân 1968; Chiến dịch Xuân- Hè 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Sau năm 1975, ông trở về Tổng cục Hải quân công tác. Năm 1982, ông về hưu với cấp bậc Trung tá. Dù đã 69 năm trôi qua, trong ký ức người lính già năm xưa vẫn vẹn nguyên hình ảnh hào hùng của đồng đội, những ký ức về những ngày tháng chiến đấu khốc liệt, những hy sinh anh dũng của đồng đội vẫn không phai mờ trong tâm trí của ông.
Vợ chồng CCB Võ Nguộc hạnh phúc bên nhau lúc tuổi già. |
Trở về cuộc sống đời thường, CCB Võ Nguộc - người chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, giờ đã ở tuổi 93 nhưng vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ. Dù tuổi cao sức yếu nhưng ông luôn gương mẫu đi đầu trong vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Viết tiếp bản hùng ca bất diệt, người lính cựu binh ngày ngày vẫn đang động viên các thế hệ cháu con phát truyền thống cách mạng tích cực lao động, cống hiến sức người, sức của, xây dựng quê hương, đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin