Đời sống - Xã hội

6 tục lễ trong đêm trừ tịch

21:55, 09/02/2024
Sau khi làm lễ giao thừa xong người Việt có nhiều tục lễ riêng được giữ gìn từ thôn quê tới thành thị.

LỄ CÚNG THỔ CÔNG

Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cúng khấn Thổ công, tức là vị thần cai quản trong nhà, thường được gọi là Đệ nhất gia chi chủ. Lễ vật cũng tương tự lễ cúng giao thừa nghĩa là gồm trầu rượu, nước, đèn nhang, vàng bạc, hoa quả cùng các thực phẩm: xôi, gà, bánh, mứt...

Cúng Thổ công cũng phải khấn, và dưới đây là một mẫu văn khấn:

Duy Việt Nam Đinh Mùi niên, xuân thiên chính nguyệt so nhất nhật. Kim thần tín chủ Tô Văn Ngọc, quán tại Nam Ngạn xã, Việt yên huyện, Bắc giang tỉnh, cư trú tại Tân Sơn hòa xã, Tân Bình quận, gia Định tỉnh, đồng gia quyến đẳng khấu thủ đốn thủ bách bái;

Cẩn dĩ phù lưu thanh chước, kim ngân, hương đăng, hoa quả, mâm bàn cụ vật, thứ phẩm chi nghi, cảm kiền cáo vu. Cung thỉnh Bản gia Thổ công, Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ thần quân vị tiền.

Bản Địa Thổ Địa thần kỳ vị tiền. Lai lâm chứng giám, ủng hộ gia chủ, tự lão chí ấu, tự niên thủ

chí niên vĩ, bình an hưởng phúc, vô tai vô nạn, vô hạn, vô ách, tăng tài, tiền lộc, vạn sự hanh thông. Thượng hưởng

Lược dịch:

Nước Việt Nam, năm Đinh Mùi, xuân ngày mồng một tháng giêng. Nay tín chủ là Tô Văn Ngọc, quê xã Nam Ngạn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, ngụ tại xã Tân Sơn hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, toàn thể gia đình cúi đầu trăm bái.

Kính cẩn dâng trầu rượu, trà nước, vàng bạc, đèn nhang hoa quả cùng mọi phẩm vật. Cung mời Đức bản gia Thổ công tại vị ở trước

Đức Thổ Địa thần kỳ tại vị ở trước Xin chư thần giám lâm chứng cho lòng thành, phù hộ cho cả nhà gia chủ, từ già đến trẻ, từ đầu năm đến cuối năm, được hưởng phúc bình an, không tai không nạn, không hạn, không ách, đắc tài sai lộc, vạn sự hanh thông. 

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

MẤY TỤC LỄ TRONG ĐÊM TRỪ TỊCH

Bắt đầu lúc lễ giao thừa là năm cũ đã hết và bước sang năm mới. Kể từ giờ phút này là giờ phút của Tết Nguyên Đán. Trong đêm giao thừa, sau khi làm lễ giao thừa xong; ta có những tục lễ riêng, mà cho tới ngày nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người theo giữ.

LỄ CHÙA, ĐÌNH, ĐỀN

Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình. Và nhân dịp người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.

KÉN HƯỚNG XUẤT HÀNH

Khi đi lễ, người ta kén giờ và kén hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp sự may mắn quanh năm.

Ngày nay ở Sài Gòn, đi lễ là người ta đi, ít người kén giờ và kén hướng. Các đền chùa, trong đêm trừ tịch luôn luôn có thiện nam tín nữ tới lễ bái, có nơi rất đông phải chen chúc nhau.

HÁI LỘC

Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là lấy lộc của Trời đất, Phật thần ban cho. Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xùm xòa, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc. Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.

Với tin tưởng lộc hái về trong đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, người dân Việt trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn; tục hái lộc là một tục tốt đẹp, nhưng ngày nay, nhiều người đi lễ trong đêm trừ tịch vác cả dao búa đi đẵn cây trong vòng các đình đền chùa miếu, thật người ta đã biến tục lệ tốt đẹp thành một tai hại cho các nơi thờ tự vậy.

Về tục xuất hành cũng như tục hái lộc có nhiều người không đi trong đêm Giao thừa, mà họ kén ngày tốt giờ tốt trong mấy ngày đầu năm và đi đúng theo hướng chỉ dẫn trong các cuốn lịch đầu năm để có thể có được một năm hoàn toàn may mắn.

HƯƠNG LỘC

Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái lộc cành cây, lại xin lộc tại các đình đền chùa miếu bằng cách đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ công ở nhà.

Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa từ các nơi thờ tự mang về, tức là xin Phật Thánh phù hộ cho được phát đạt tốt lộc quanh năm.

Trong lúc mang nắm hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nắm hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm.

Thường những người làm ăn buôn bán hay xin hương lộc tại các nơi thờ tự.

XÔNG NHÀ

Thường cúng giao thừa ở nhà xong, người gia chủ mới đi lễ đền chùa. Gia đình có nhiều người, thường người ta kén một người dễ vía ra đi từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch, rồi khi lễ trừ tịch tới thì dự lễ tại đình chùa hoặc ở thôn xóm, sau đó xin hương lộc hoặc hái cành lộc về.

Lúc trở về đã sang năm mới, người này đã tự xông nhà cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình.

Đi xông nhà như vậy tránh được sự phải nhờ một người tốt vía khác đến xông nhà cho mình.

Nếu không có người nhà dễ vía để xông nhà lấy, người ta phải nhờ một người khác trong thân bằng cố hữu tốt vía để sớm ngày mồng một Tết đến xông nhà, trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem sự dễ dãi may mắn lại.

ĐỐT PHÁO

Đêm hôm giao thừa, mọi nhà đều đốt pháo. Sau khi làm lễ trừ tịch xong, tiếng pháo thi nhau vang nổ từ nhà này sang nhà khác ở thành thị cũng như ở thôn quê.

Nhiều gia đình bắt đầu đốt pháo ngay từ buổi chiều hôm 30 tháng Chạp, lúc bắt đầu cúng gia tiên.

Đốt pháo cốt để trừ ma quỷ. Theo sách cũ chép lại thì ma núi gọi là Sơn tiêu, khi phạm đến người thì người đau ốm, người ta phải đốt pháo để nó tránh xa.

Điển sách thì nói vậy, nhưng thật ra tiếng pháo giúp vui cho ngày Tết, tăng sự hân hoan, xua đuổi mọi sự phiền não trong lòng người.

Ngày xuân có tiếng pháo xuân thêm tưng bừng và tết thêm nhộn nhịp.

 

KT

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện