Đời sống - Xã hội

Hương vị Tết quê

08:00, 09/02/2024
Với những người xa quê, Tết là dịp để trở về, cho những ngày đoàn viên sau bao ngày bươn trải, lo toan cuộc sống. Hành trình trở về đó không chỉ là về với cội nguồn, về với xóm làng mà còn để được nương náu, tìm lại hình bóng mình trong hình bóng của quê hương.

Giáp Tết, cứ sau khoảng ngày ông Công, ông Táo là các gia đình lại sắp xếp để về quê ăn Tết. Cho dù cuộc sống bây giờ đã hiện đại, “thoáng” lên rất nhiều, không ít gia đình trẻ chọn đi du lịch đúng kỳ nghỉ Tết, nhưng hầu hết người người, nhà nhà đều háo hức về quê. Ăn Tết ở quê, trong lòng nhiều người, mới thực sự là Tết đoàn viên, sum họp. 

Người dân về quê ăn Tết, đồ đạc chất đầy trên xe. 

Trên các nẻo đường, ở các cửa ngõ ra vào thành phố lớn, lượng xe máy, xe ô tô tăng đột biến. Những dòng sông người đổ ra hướng ngoàit hành phố, một cuộc “trở về” lớn nhất năm!

Mệt nhọc vì tàu xe chen chúc, mất thời gian vì tắc đường, kẹt xe và cả tốn kém khi giá vận chuyển “đội lên” so với ngày thường. Nhưng làm ăn cả năm mới có vài ngày nghỉ Tết, những vất vả ấy nhanh chóng được thay bằng những háo hức, khi xe đã bon bon trên đường.

Một không khí Tết ùa ra đường. Xe chở đào, xe chở quất, người người lỉnh kỉnh đồ đạc, gói lớn gói nhỏ quà Tết mang về. Không khí ấy khiến lòng người giãn ra, bỏ lại phía sau những ngày tất bật, những bộn bề lo toan cuộc sống ngày thường.

Vượt cả chặng đường dài, có khi vài trăm thậm chí là cả nghìn cây số, về đến quê, tới cổng làng, đặt chân lên mảnh đất quê hương, ấy là đã thấy Tết.

Làng quê giờ đã thay đổi rất nhiều. Nhiều nơi, làng không khác gì phố thị. Nhà cao tầng san sát, đất được rào giậu, xây tường bao quanh. Đường bê tông ra đến tận ruộng. Nhiều nhà không còn con trâu, cây rơm ở chái bếp. Nhưng nếp sống quê hương thì vẫn vậy. 

Phiên chợ Tết náo nức từ làng trên đến xóm dưới, bao sản vật đều được mang ra. Nhà thì nải chuối, buồng cau, mẹt lá trầu không. Nhà thì vài chục quả bưởi vàng xanh đủ cả, trên mỗi quả có cành lộc mơn mởn trông càng bắt mắt. Quất vàng ươm được túm thành từng chùm nhỏ. Thanh long, dưa hấu quả xanh quả đỏ, to nhỏ đủ loại. Cứ đi một lượt vòng quanh các sạp hàng thì đủ cho mâm ngũ quả. Nhà thì thu hoạch cả ruộng rau củ, từ su hào, bắp cải, rau cần, cà chua, cà rốt... ; cũng có nhà chỉ vài mớ rau, con cá, mấy chục con cua để trong chậu. 

Phiên chợ Tết náo nức từ làng trên đến xóm dưới, bao sản vật vườn nhà đều được mang ra, từ quả bưởi, quả gấc, lá trầu...

Tất cả mang hết đến phiên chợ Tết, mong được mua may bán đắt, nhanh hết hàng để còn về nhà trang hoàng nhà cửa. Chợ Tết quê không như chợ ở thành phố họp cả ngày mà họp sớm, tan nhanh, ai ngủ dậy muộn, ra tới chợ thì không còn gì để mua nữa.  

Lá dong được bày bán nhiều trong phiên chợ Tết.  

Chợ quê còn cái thân quên của người trong xóm, cùng làng. Có khi đang ở chợ, mà có việc gấp phải về nhà thì dặn cô bán hàng phần cho chút trái cây tươi, mớ rau mới hái trong vườn, hay dặn để cho cặp gà trống cúng giao thừa, chục trứng gà, cân miến, ít mộc nhĩ để làm nem, tiền sẽ trả sau. Đi chợ mà cả làng biết nhau nên vui lắm! 

Rồi chợ phiên về, còn kháo nhau mẻ cá ao nhà ông này tươi quá, cân thịt lợn nhà bà này là lợn sạch đấy... ai cũng biết ai nên rành rẽ mọi thứ. Thế nên, mỗi lần về quê, ai cũng lễ mễ tha thực phẩm lên thành phố, phấn khởi bảo: quà quê đấy, quí lắm!

Nhưng háo hức nhất, không chỉ với đám trẻ là canh nồi bánh chưng sôi. Có nhà nấu bánh chưng sớm, chừng 27-28 Tết cả nhà đã trải chiếu giữa sân ngồi gói bánh. Có nhà thì tối 30 bếp vẫn còn đỏ lửa, cách giao thừa một vài tiếng mới vớt bánh. Một chiếc bếp dã chiến được đạt ở góc sân, “ba kiềng” được xếp bằng gạch xỉ tự đóng, củi gộc đút vào cùng trấu lửa đỏ rực. Quây quần bên nồi bánh, nét mặt người già, trẻ nhỏ hồng lên trong đêm lạnh, ánh mắt chăm chú nhìn vớt bánh và vui mừng xiết bao khi được thưởng thức chiếc bánh bé con. 

Những củ khoai tây, khoai lang được vùi trong than củi thơm phức. Bắp ngô nướng nóng hổi được lũ trẻ khoái chí chuyền tay nhau ăn. Một chiếc nồi to đun lá mùi già để tắm gội được gầy cạnh nồi bánh chưng, mùi thơm bốc lên ngào ngạt cả một khoảng sân nhà. 

Giờ ở đâu cũng có thể mua bánh chưng gói sẵn, nhưng các nhà ở quê thì nhà nào cũng như nhà nào, vẫn tự gói lấy, nhà ít thì vài đồng bánh, nhà nhiều thì vài chục. Bánh chưng để bày bàn thờ gia tiên, trong mâm cỗ Tết, và cả làm quà nữa. Tấm quà mộc mạc, thân tình, dẻo thơm tình nghĩa xóm làng. Dù ai ít ăn bánh, cũng không nỡ chối từ bởi tấm lòng thơm thảo, chứa đựng cả bao công sức mùa vụ gói ghém mà thành! 

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các thành viên trong gia đình lại quây quần gói bánh chưng xanh.  

Đêm giao thừa thiêng liêng, trong thời khắc giao hoà của đất trời, cháu con tề tựu bên ông bà, cha mẹ, cùng thắp nén nhang thơm trên bàn thờ gia tiên. Những lời chúc cho một năm mới với nhiều sức khoẻ, bình an, an khang, thịnh vượng. Mỗi người nâng chén rượu mừng, con cháu chúc phúc, tặng bao lì xì cho người thân. Ngoài kia, pháo hoa nổ ì ùng, những chòm sáng rực nối tiếp nhau muôn màu sắc hình khối. Mưa xuân lất phất bay. Hương của đất trời hoà quyện, lòng người xốn xang đón chào một năm mới đến. Sau những giây phút ấy, nhiều người ra chùa làng, “chuyến xuất hành” đầu năm về cùng một hướng. 

Năm mới ở làng quê bắt đầu như thế, đường nông thôn mới sáng ánh đèn, sạch sẽ và phong quang. Hai bên đường, hàng cây hoa của đoàn thanh niên và hội phụ nữ thôn, xóm nhận trông nom tươi tốt, được cắt tỉa gọn ghẽ. Một không khí thanh sạch, tươi mới lan toả trong đêm. Tân niên vui vẻ và an lành như thế!

Nhưng có lẽ Tết quê nhộn nhịp nhất không chỉ ngày 30, mà trong những ngày sau đó mới thật sự rạo rực.Từ làng trên đến xóm dưới, nhiều nhà vẫn giữ nếp xưa, đi chúc tụng bà con, hàng xóm làng giềng. Tới nhà nào cũng bày ra mâm cơm Tết, toàn đồ nhà tự làm đấy: bánh chưng tự gói, giò các loại (nhất là khoanh giò tai, giò mỡ), thịt nấu đông là từ con lợn mấy nhà đụng từ chiều 30 Tết; cá trắm có con dễ tới năm, sáu cân đánh trong ao nấu canh dấm cá; su hào, bắp cải, xà lách, hành lá thì trồng xanh tốt được đánh luống trong vườn nhà, khi nào ăn là ra nhổ mang vào,... tất cả đều tươi, sạch (nhiều nhà trồng ngoài ruộng, sau Tết, trước khi nước đồng đổ về chuẩn bị cho vụ lúa mới, sẽ đánh cây dặm vào trong vườn để ăn dần). Người quê trọng lời mời, nhất là trong bữa ăn ngày Tết, thành thử đã mời là khó mà từ chối. Về ăn tết quê, chơi Tết ở quê, vì thế nhất quyết không thể vội được!  

Dù tất bật, nhưng hành trình “trở về quê ăn Tết” vẫn cứ là cuộc hành trình được trông đợi nhất trong năm. 

Hết Tết rồi, khi trở lại thành phố làm việc, là quà quê lễ mễ mang lên, anh chị em cô bác đã chuẩn bị rất chu đáo. Nào bánh chưng (đương nhiên rồi), trứng gà, rau thì xách lên cả bao (rau sạch đấy, trên thành phố không tự trồng được đâu!) và gạo... Quê có thứ gì thì mang lên thứ ấy, không được từ chối. Nhiều người vì thế nói đùa, “ăn hết sạch Tết ở quê” mới đi! 

Tạm biệt xóm làng lên phố, tiếp tục một năm mới với bộn bề, hối hả của cuộc sống. Tiếp tục một hành trình của “dòng sông người” sau Tết, các cửa ngõ vào thành phố lại chật cứng, lại thấy tắc đường, kẹt xe... Nhưng dù thế nào, thì hành trình “trở về quê ăn Tết” vẫn cứ là cuộc hành trình được trông đợi nhất. Hành trình đó không chỉ là trở về với cội nguồn, về với xóm làng mà còn để được nương náu, tìm lại hình bóng mình trong hình bóng của quê hương!

Theo Tin tức

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện