Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phân luồng sau THCS đã thực sự hiệu quả và thực chất?

10:41, 30/05/2018

Phân luồng học sinh sau THCS được xác định là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên trên thực tế, việc phân luồng đối với học sinh THCS đã thực sự hiệu quả và thực chất ?

 

Kết thúc năm học 2017 – 2018, con gái anh Trần Văn Trung ở xóm Xuân Giang, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc là một trong những trường hợp đưa vào diện phân luồng của Trường THCS Nghi Xuân. Do đã thống nhất với nhà trường thực hiện phân luồng để được công nhận tốt nghiệp THCS nên con anh không có cơ hội dự thi vào trường THPT công lập dù nguyện vọng muốn tiếp tục học lên. Sau khi suy nghĩ lại, gia đình đã quyết tâm cho cháu ở nhà ôn luyện để sang năm thi vào trường THPT công lập mà không cho cháu học nghề như đã cam kết.

Anh Trần Văn Trung chia sẻ thêm: “Nguyện vọng của cháu và gia đình là được thi và học tập tại một trường THPT công lập. Việc không được thi, phải đi học nghề khiến cháu và gia đình rất buồn”.

a
Nhiều trường thực hiện phân luồng sau THCS bằng hình thức xét tốt nghiệp.

Không chỉ con gái anh Trung mà có khá nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bản chất của việc phân luồng là hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên thực tế, tại một số trường giáo viên vẫn chịu áp lực về chỉ tiêu và thành tích. Để đảm bảo số lượng phân luồng, một số trường đã thực hiện sự “nhân văn” trong xét công nhận tốt nghiệp nếu học sinh đó thực sự muốn học nghề. Ngay tại Trường THCS Nghi Xuân cũng vì chỉ tiêu giao mà nhà trường đã xét công nhận tốt nghiệp cho 6 em với điều kiện phân luồng đi học nghề.

a
Việc phân luồng sau THCS được hầu hết các trường áp vào chỉ tiêu.

Nói thêm về cách thức phân luồng, ông Nguyễn Hữu Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc cho biết: “Quy trình bình xét được thực hiện bài bản. Năm nay có 92 em chia cho 3 lớp, trong đó có 2 em phải học lại do học lực quá kém, 6 em khác cũng yếu kém nhưng gia đình đã trình bày nguyện vọng xin cho con được học nghề để đi xuất khẩu lao động”.

Chủ trương phân luồng đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng như ngành giáo dục Nghệ An thực hiện từ nhiều năm nay, với mục tiêu đến năm 2020, học sinh sau THCS vào học các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung cấp nghề là 25%, học nghề ngắn hạn là 5%. Với kế hoạch này, các địa phương xem đây là chỉ tiêu cứng cho từng năm học và áp cho các trường học.

Quan điểm của bà Lô Thị Minh Huệ - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nghi Tân, thị xã Cửa Lò: “Chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể 2 trường: THPT Cửa Lò và THPT Cửa Lò 2 có chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 chỉ đạt khoảng 70 - 75%, tỷ lệ dự tuyển ít; Đồng thời căn cứ vào năng lực học thực tế của học sinh để thực hiện phân luồng”.

a
Phân luồng sau THCS đã thực sự hiệu quả và thực chất?

Ngay trong năm học 2017 – 2018 này, toàn tỉnh có trên 40.700 học sinh tốt nghiệp THCS. Nếu theo chỉ tiêu mà tỉnh đưa ra dành cho các trường công lập và ngoài công lập chỉ có gần 32.000 chỉ tiêu thì việc gần 9.000 học sinh lớp 9 phải phân luồng gần như là điều dĩ nhiên phải thực hiện. Vị vậy, nhiều trường thực hiện phân luồng theo chỉ tiêu vì lo ngại thành tích và bị ảnh hưởng do tỷ lệ học sinh đậu vào lớp 10 thấp dù vẫn biết đây là thành tích ảo, không chính xác./.

Thanh Hà - Hồng Phong