Chương trình giáo dục mới triển khai đại trà ở lớp 1 vào năm 2020
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện lộ trình áp dụng như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.
Chiều 27/12, Bộ GD-ĐT họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD-ĐT họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. |
Theo chương trình mới, bậc Tiểu học có một số điều chỉnh. Lớp 1 và lớp 2 sẽ chỉ có 7 môn học, lớp 3 có 9 môn học (chương trình hiện hành lớp 1,2,3 là 10 môn). Lớp 4,5 có 10 môn học (chương trình hiện hành có 11 môn học).
Học sinh Tiểu học sẽ học 2.838 giờ, theo thiết kế 9 buổi/tuần (chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ, theo thiết kế 5 buổi/tuần).
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, để học sinh không quá tải, một trong những điều kiện khả thi là các nhà trường ở bậc Tiểu học phải có đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày. Mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Cơ sở giáo dục Tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ở cấp Tiểu học, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có trên 80% số học sinh trong cả nước đang được học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày là khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân.
Trao đổi với báo chí về những khó khăn khi thực hiện, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết để thực hiện được quy định của chương trình mới, bảo đảm cho con em địa phương không thiệt thòi so với học sinh những nơi khác, các địa phương có thể chọn một trong các giải pháp như cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội, bắt đầu từ năm 2020-2021 với lớp 1.
Ngoài ra, ở những nơi không thực hiện được 2 buổi/ngày, có thể bố trí thêm buổi học thứ 6 trong tuần để bảo đảm hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, không dạy các môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số; Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2).
Ở các cấp THCS, THPT, việc tổ chức buổi học thứ hai cần dựa trên sự tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh.
Trao đổi thêm về cơ sở vật chất để dạy học theo chương trình mới, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, Bộ GD-ĐT khẳng định, với việc thực hiện chương trình mới ở lớp 1 vào năm 2020-2021 thì hiện các trường học đã đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày.
Chương trình được thực hiện cuốn chiếu đến năm 2025
Theo thông tin của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện lộ trình áp dụng như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Trao đổi tại cuộc họp báo, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có các hướng dẫn cụ thể thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có hướng dẫn cho việc thực hiện dạy lớp có sĩ số đông, việc dạy tích hợp, hướng dẫn cách tổ chức dạy học theo hướng tự chọn ở bậc THPT...
"Quan trọng nhất trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là tăng cường triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó đề cao vai trò chủ động của hiệu trưởng, tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường", ông Vũ Đình Chuẩn nói.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, nhiều nội dung tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai có thành quả ở nhiều địa phương, nhiều nhà trường.
Đó là việc dạy tích hợp liên môn, dạy học với di sản, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh, vận dụng kiến thức vào cuộc sống qua các dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật…
Nhiều nhà trường đã thực hiện thành công việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Đây là cơ sở thực tiễn để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều giáo viên bước đầu áp dụng phương pháp dạy học mới
Đối với việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh đã bắt đầu từ 5 năm trước. Hiện tại, nhiều giáo viên đã bước đầu áp dụng phương pháp mới trong quá trình dạy học nên sẽ không quá bỡ ngỡ trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán tại Trung ương. Tiêu chí chọn lọc những giáo viên cốt cán là những giáo viên có kinh nghiệm nhất, khả năng thích ứng tốt nhất. Tuy nhiên, những giáo viên cốt cán này sẽ không thực hiện việc tập huấn lại cho các giáo viên khác.
Việc bồi dưỡng đại trà cho giáo viên sẽ được hỗ trợ thông qua các phương pháp và bài giảng mẫu, được cập nhật trên hệ thống internet. Các giáo viên sẽ tiếp cận với phương pháp mới thông qua các bài giảng này. Nhiệm vụ của giáo viên cốt cán là tổ chức, tháo gỡ, kết nối, chia sẻ thêm thông tin cho giáo viên với những vấn đề còn khó khăn.
Về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT đã xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13. Đồng thời, Bộ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương đề xuất danh mục và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để giao vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2017 - 2020; tổ chức rà soát quy định hiện hành về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tiêu chuẩn bàn ghế học sinh phổ thông.
Sách giáo khoa mới sẽ được triển khai từ năm học 2020
Về việc biên soạn sách giáo khoa, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, sau khi công bố chương trình các môn học mới, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa (bao gồm bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn và sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân) để kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021.
au khi công bố chương trình các môn học, Bộ GD-ĐT và các tổ chức, cá nhân sẽ biên soạn sách giáo khoa mới. Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới, Bộ sẽ ban hành các văn bản phục vụ triển khai chương trình mới như: Hướng dẫn các địa phương triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; hướng dẫn xây dựng nội dung giáo dục địa phương; Hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Điều lệ trường phổ thông; quy định về đánh giá học sinh./.
Theo VOV