Giáo dục

Chuyển đổi số ngành giáo dục, nhiệm vụ cấp bách nhưng còn khó khăn

10:08, 21/11/2020
Bộ GD-ĐT cho biết đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu của gần 53.000 trường học các cấp, 25 triệu học sinh và 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Theo Bộ GD-ĐT, ưu tiên cấp bách hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi kỹ thuật số nhằm giảm thiểu tình trạng bị gián đoạn giáo dục trong tương lai (như trong mùa đại dịch Covid-19 phải đóng cửa trường học, dạy học từ xa…).

Để phát triển giáo dục số, các giải pháp ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy đang được triển khai tại nhiều tỉnh - thành, bước đầu gặt hái nhiều thành tựu đáng kể.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ GD-ĐT cho biết đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu của gần 53.000 trường học các cấp, 25 triệu học sinh và 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cuộc thi toàn quốc về xây dựng các bài giảng điện tử để xây dựng kho học liệu số dùng chung. Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng với Bộ GD-ĐT và các đối tác tài trợ đang xây dựng một nền tảng kho học liệu số trực tuyến. Hệ thống này sẽ thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung, cung cấp nguồn học liệu số phong phú, tin cậy góp phần triển khai ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt phục vụ dạy học trực tuyến. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung.

Với những bài giảng e-learning sinh động, học sinh ở những khu vực khó khăn có thể được học những bài giảng của thầy cô dạy giỏi ở thành thị, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học giữa các vùng miền.

Đến nay, dự án này đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình và hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến. 

TS Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng chuyển đổi số trong ngành giáo dục còn gặp những khó khăn nhất định như trang thiết bị CNTT, đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh, đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số.

Ngoài ra, thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho rằng, cách làm của Bộ GD-ĐT trong chuyển đổi số được đánh giá là đang đi đúng hướng và cụ thể. Bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục tập trung và thống nhất có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data. Đây là cơ sở dữ liệu dùng chung và gồm toàn bộ hệ thống giáo dục cả nước, cho tới cả nhóm trẻ gia đình, mỗi cơ sở giáo dục và quản lý giáo dục đều được cấp tài khoản truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục.

Mỗi học sinh, sinh viên đều có mã định danh và sử dụng vĩnh viễn trong xã hội học tập suốt đời. Bộ đang đi theo hướng thống nhất công nghệ thay vì riêng rẽ như trước, thống nhất nhưng không tạo ra độc quyền. Tất cả ứng dụng phần mềm dù do nơi nào phát triển cũng đều phải tương thích và liên thông với nền tảng khung của bộ, kết nối với cơ sở dữ liệu giáo dục quốc gia. Từ đây giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được giải thoát khỏi tình trạng phải nhập dữ liệu riêng rẽ cho từng ứng dụng./.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện