Ngày 23/3, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM vừa công bố tuyển sinh ngành Tôn giáo học, một ngành học quen thuộc tại các trường ĐH ở nước ngoài nhưng vẫn khá mới tại Việt Nam.
Để giúp bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về ngành học này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo trường ĐH KHXH&NVTP.HCM, Trưởng Bộ môn Nhân học - Tôn giáo.
Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Trưởng Bộ môn Nhân học - Tôn giáo. |
- Thưa Tiến sĩ, có thể nói ngành Tôn giáo học còn khá mới lạ tại Việt Nam nói chung và ở khu vực phía Nam nói riêng. Vậy ông có thể nói rõ hơn về ngành học này?
Chúng ta đều biết rằng mọi khoa học đều nhằm mục đích phục vụ cuộc sống con người. Vấn đề "con người" luôn là vấn đề mới trong những đề tài khoa học đã cũ, vì cho đến nay con người vẫn chưa xác định được mục đích tồn tại của mình. Cho nên, trong khoa học đã và đang diễn ra tiến trình dường như mang tính tất yếu, đó là mọi khoa học đều hướng về khoa học lịch sử, mọi khoa học lịch sử đều hướng về khoa học con người...
Nhân học tôn giáo là một hướng nghiên cứu của Nhân học. Thông qua nghiên cứu tôn giáo, nhân học góp phần tìm hiểu, tái hiện và khắc họa chân dung của con người tôn giáo.
Mục tiêu đào tạo của ngành Tôn giáo học là cung cấp cho người học những kiến thức liên ngành toàn diện và chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và trên thế giới; hình thành các kỹ năng vận dụng các hệ giá trị tôn giáo vào trong đời sống cá nhân và xã hội.
- Để đào tạo ngành Tôn giáo học thì Khoa Nhân học đã có những chuẩn gì?
Về giảng viên của ngành này, ngoài giảng viên cơ hữu của trường, sẽ có những giảng viên thỉnh giảng là Tiến sĩ, Thạc sĩ đang công tác thực tiễn tại Ban Dân vận, Ban tôn giáo Chính phủ...
Tài liệu giảng dạy sẽ bao gồm sách, giáo trình, bài báo nghiên cứu về tôn giáo trong và ngoài nước. Ngoài ra, Khoa cũng kết hợp với các tổ chức tôn giáo, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, các công ty du lịch để giảng dạy và đưa sinh viên đi thực tập....
Sinh viên học ngành này sẽ trải nghiệm những nội dung điền dã phong phú, như khảo sát tình hình thực tế về tôn giáo ở một địa bàn hay cộng đồng cư dân; khảo sát sự hình thành và phát triển của một giáo phái tại Việt Nam; tìm hiểu một chứng tích tôn giáo đang hoặc cần được bảo tồn...
Một phần rất quan trọng mà sinh viên học ngành Tôn giáo học ở nước ngoài rất thích thú tìm hiểu, nghiên cứu là lịch sử tôn giáo thế giới cũng sẽ được chú trọng giảng dạy cho sinh viên học ngành này.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Tôn giáo học có thể đảm nhận các vị trí như giảng dạy tôn giáo, nghiên cứu tôn giáo tại các trường, viện, các trung tâm, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tôn giáo; chuyên trách công tác tôn giáo ở các quận, huyện, sở, các ban ngành trung ương.
Ngoài ra, người học ngành này có thể công tác tại các cơ quan báo chí chuyên môn về tôn giáo, công tác tại các công ty du lịch liên quan văn hóa tâm linh… Sinh viên ra trường cũng có thể học lên cao hơn về tôn giáo trong và ngoài nước, học cao học về Việt Nam học, Văn hóa học, Quản lý nhà nước, Nhân học...
Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đang xây dựng Cao học về ngành Tôn giáo học.
- Công tác tuyển sinh cụ thể đối với sinh viên ngành Tôn giáo học như thế nào?
Về đối tượng tuyển sinh, trường sẽ áp dụng quy chế tuyển sinh đại học chính quy dựa trên kết quả kỳ thi THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM; xét tuyển thẳng học sinh giỏi cấp quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tổ hợp môn xét tuyển ngành Tôn giáo học, gồm: Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh; Ngữ văn – Lịch sử – Tiếng Anh; Ngữ văn – Địa lý – Tiếng Anh.
Sinh viên theo học ngành Tôn giáo học trong thời gian từ 3,5 - 6 năm và được cấp bằng cử nhân Tôn giáo học. Bộ môn Nhân học Tôn giáo dự kiến mỗi năm sẽ tuyển 60 sinh viên, tối thiểu 30 sinh viên.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin