Ảnh minh họa. |
Hủy bỏ, lùi lịch hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến là các phương thức đã và đang được các trường đại học có tổ chức thi riêng trong mùa tuyển sinh năm nay triển khai để ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Hủy thi, hoàn học phí
Theo đề án tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội, trường dành từ 30 đến 40% chỉ tiêu xét tuyển theo Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2021. Tuy nhiên, sau khi phải lùi lịch thi vì dịch bệnh mà vẫn không thể tổ chức được kỳ thi, Đại học Bách khoa Hà Nội đã quyết định hủy thi, chuyển toàn bộ chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này sang chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có 80-85% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tương tự, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thông báo hủy bài thi Năng khiếu báo chí. Trước đó, Học viện dự kiến tổ chức kỳ thi này tại trường để tuyển sinh ngành Báo chí. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Học viện quyết định chuyển sang sử dụng điểm xét ngành Báo chí để thay thế.
Cụ thể, điểm xét ngành Báo chí được tính bằng điểm trung bình cộng tất cả các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với thí sinh thi bài thi Khoa học Xã hội; điểm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học đối với thí sinh thi bài thi Khoa học Tự nhiên). Đối với thi sinh hệ giáo dục thường xuyên, điểm xét ngành Báo chí được tính bằng điểm trung bình cộng của tất cả các môn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trường hợp thí sinh tự do xét tuyển bằng học bạ (không tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021) được sử dụng kết quả kỳ thi năm tốt nghiệp để tính điểm xét tuyển ngành Báo chí.
Đối với thí sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, học viện sẽ dành chỉ tiêu riêng và xem xét, quyết định với từng trường hợp cụ thể.
Cùng với việc thông báo hủy thi năng khiếu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho biết sẽ rà soát, hoàn trả lệ phí dự thi cho thí sinh trong tháng Tám.
Với Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi hủy kỳ thi tuyển sinh riêng, ngay cả việc hoàn trả lệ phí dự kỳ này cho thí sinh cũng phải hoãn. Theo thông báo của trường, vì số lượng đăng ký dự thi khá đông và ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 nên quá trình xử lý hồ sơ cần thêm thời gian để hoàn tất nên trường sẽ hoàn trả lệ phí cho thí sinh sau ngày 20/8 thay vì ngày 20/7 như dự kiến.
Chuyển thi tuyển online
Với các trường, ngành học bắt buộc phải thi môn năng khiếu thì phương án thi trong bối cảnh dịch COVID-19 càng trở nên khó khăn hơn khi không thể hủy thi như các trường trên. Tổ chức thi online là giải pháp đã được nhiều trường tính đến và triển khai.
Đại học Sư phạm Hà Nội đã quyết định tổ chức thi trực tuyến qua phần mềm Zoom thay vì thi trực tiếp với các môn thi năng khiếu đối với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non-Sư phạm Tiếng Anh.
Theo đó, thí sinh sẽ tham gia vào Zoom Meeting để dự thi. Thí sinh tự chuẩn bị khu vực thi (phòng thi), máy tính hoặc điện thoại có cài sẵn phần mềm Zoom có webcam hoặc camera để quay trực tiếp buổi thi với góc quay đủ rộng để giám thị có thể kiểm soát được bài thi và thí sinh.
Các dụng cụ cần thiết và cách thức thi cho từng ngành, từng nội dung thi được nhà trường hướng dẫn chi tiết để thí sinh chuẩn bị và thực hiện.
Với ngành Giáo dục thể chất, thí sinh sẽ thi nội dung ngồi xuống, đứng lên và nằm ngửa gập bụng. Thí sinh ngành Sư phạm Âm nhạc thi hát và thẩm âm, ngành Giám dục mầm non thi hát, kể chuyện và đọc diễn cảm.
Với ngành Sư phạm Mỹ thuật, thí sinh làm bài thi trước camera trong suốt thời gian thi, tuyệt đối không được đưa bài ra khỏi vùng kiểm soát camera. Kết thúc bài thi, thí sinh hướng thẳng bài thi về camera giám sát sao cho bài có kích thước đầy khung hình camera để cán bộ coi thi chụp lại bài thi, sau đó nộp lại bài thi chính thức qua đường bưu điện.
Thi trực tuyến cũng là giải pháp được Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng đối với các ngành phải thi năng khiếu. Nội dung thi có sự tương đồng với Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng qua phần mềm Office 365 MS Team. Để đảm bảo hơn chất lượng đầu vào, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ thực hiện hậu kiểm đối với các thí sinh dự thi năng khiếu trực tuyến sau khi các em nhập học tại trường. Cụ thể, đối với ngành Giáo dục mầm non, trường tổ chức hậu kiểm 30% thí sinh trúng tuyển; với ngành Giáo dục Thể chất sẽ hậu kiểm 100% thí sinh trúng tuyển.
Tại trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, thay vì đến trường thi trực tiếp bài thi đánh giá năng lực mỹ thuật, thí sinh sẽ làm bài thi từ xa với hai nội dung: Trắc nghiệm năng lực mỹ thuật và vẽ. Cụ thể, bài thi trắc nghiệm được thi theo hình thức trực tuyến với sự giám sát của giám thị qua camera. Với bài thi vẽ, thí sinh chọn ít nhất hai bài vẽ tốt nhất của mình đã từng vẽ thuộc một trong các chủ đề tĩnh vật, đầu tượng thạch cao, chân dung, phong cảnh, điền đầy đủ thông tin lên bài vẽ chụp trực diện với độ phân giải cao, không được thông qua bất kỳ phần mềm xử lý ảnh nào. Thí sinh phải viết giấy cam kết bài vẽ do chính thí sinh thực hiện viết tay. Bài vẽ gốc và giấy cam kết được thí sinh lưu giữ và nộp bổ sung hồ sơ khi làm thủ tục nhập học tại trường.
Đại học Kiến trúc Đà Nẵng thậm chí chấp nhận kết quả thi môn Vẽ mỹ thuật năm 2021 của thí sinh đã dự thi môn Vẽ mỹ thuật, Hình họa, Bố cục màu tại các trường đại học trong cả nước để xét tuyển./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin