Khung kế hoạch năm học mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 4/8 áp dụng với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Ngoài quy định ngày tựu trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định thời gian tổ chức khai giảng là ngày 5/9, tương tự mọi năm.
Thời điểm kết thúc học kỳ I trước 16/1/2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.
Các trường sẽ xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2022. Việc tuyển sinh các lớp đầu cấp học xong trước ngày 31/7/2022. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia và thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Bộ sẽ có hướng dẫn riêng.
Dựa vào khung kế hoạch năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch riêng, nhưng tuân thủ một số nguyên tắc chung như đảm bảo số tuần thực học. Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, số tuần thực học là 35 (học kỳ I 18 tuần và học kỳ II 17 tuần). Giáo dục thường xuyên có 32 tuần chia đều hai kỳ.
Năm học trước, nhiều địa phương tổ chức khai giảng bằng hình thức online. Ảnh minh hoạ. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định thời gian nghỉ học, tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 trên toàn quốc, bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình trong trường hợp đặc biệt, chẳng hạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như hai năm học qua.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.
Cùng với khung thời gian năm học, hôm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo khẩn trương rà soát, tổ chức công tác dạy học hợp lý, đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiết kiệm tối đa chi phí. Các địa phương, nhà trường ổn định học phí năm học 2021 - 2022 như năm học qua.
Đối với dạy trực tuyến, Bộ đề nghị các địa phương và nhà trường tính toán, xác định mức thu hợp lý theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa nhà trường và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh và phải minh bạch.
Hồi tháng 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản yêu cầu giữ ổn định học phí. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số địa phương, trường học chưa thực hiện đúng, còn tình trạng một số cơ sở giáo dục tăng học phí, thu một số khoản thu ngoài quy định trong bối cảnh đời sống và kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai.
Hai năm học vừa qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Trong đó, năm 2019 - 2020 phải kết thúc muộn hơn so với dự kiến một tháng rưỡi. Năm học 2020 - 2021, nhiều địa phương cũng phải lùi thời gian kết thúc năm học. Nhiều trường ở Hà Nội thậm chí đến giờ chưa hoàn thành năm học. Cũng do tác động của Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản chương trình từ 37 xuống 35 tuần thực học như hiện nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin