Phần lớn các địa phương ở Nghệ An đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan phức tạp. Phương án dạy học online đang được xem là giải pháp tối ưu, đảm bảo an toàn sức khoẻ. Thế nhưng, đối với những huyện vùng khó khăn, biên giới như Kỳ Sơn, Tương Dương…rất khó thực hiện do nhiều nơi mạng Internet và trang thiết bị chưa đáp ứng được.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, với phương châm “Dừng đến trường, không ngừng việc học”, các đơn vị trường học, địa phương tại Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp giúp việc dạy và học diễn ra thuận lợi. |
Thầy Nguyễn Văn Thành, ở huyện Kỳ Sơn cho biết: “Nghệ An khai giảng thí điểm, sau đó học online. Mình nghĩ khó triển khai, vì phương tiện, trang bị rất thiếu, đặc biệt vùng khó khăn, ai hướng dẫn cài đặt phầm mềm cũng là cả 1 vấn đề. Tuy nhiên, đây là chủ trương của ngành, của trường, anh em cố gắng thực hiện, nhưng hiệu quả đến đâu thì chưa biết”.
Được biết, trong số gần 10.000 học sinh tiểu học của huyện biên giới Kỳ Sơn thì chỉ có khoảng 2.500 học sinh có phương tiện để học online như máy tính, điện thoại. Số còn lại ở trong vùng không có kết nối Internet.
Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, phải linh hoạt trong tình hình dịch bệnh và áp dụng hình thức học trực tuyến hay trực tiếp sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn.
“Căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế, chúng tôi chỉ tổ chức dạy học online ở vùng thị trấn, thuận lợi. Còn đối với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa thì phương án chúng tôi đang tính nhiều phương án để triển khai chứ không nhất thiết phải học online; vì sĩ số học sinh không đông chúng tôi sẽ chia nhỏ ra học vẫn đảm bảo giãn cách, an toàn”, ông Thiết chia sẻ.
Trong khi các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, tỷ lệ học sinh có thể tiếp cận được việc học online chưa đến 50%, thì đối với học sinh vùng thuận lợi ở Nghệ An, tỷ lệ này là trên 90%. Cụ thể như, Trường THPT Nghi Lộc 4, qua khảo sát của nhà trường, có 34 trong tổng số 1.417 học sinh không có thiết bị dạy học, nhà trường đã huy động xã hội hoá, đảm bảo 100% học sinh của trường có đủ thiết bị để học trực tuyến từ năm học này. Tại Trường THPT Kim Liên sau 24 giờ triển khai lá “thư ngỏ” của Ban Giám hiệu, đã được các tổ chức, doanh nghiệp và phụ huynh học sinh ủng hộ, đủ trang bị máy móc cho các em học sinh.
Lo lắng trong tình hình hiện nay, các cơ sở giáo dục ở Nghệ An liệu có đáp ứng được điều kiện để dạy và học trực tuyến và hiệu quả đến đâu? Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An lý giải: Trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát và chưa biết đến khi nào kết thúc, trong khi khung chương trình và thời gian thì không thể chờ được.
“Với Nghệ An từ lớp 6 đến lớp 12, trong năm 2020 chúng tôi đã triển khai dạy trực tuyến và đến thời điểm này chúng tôi cũng đã triển khai việc dạy học trực tuyến và thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Bộ. Chúng tôi nghĩ rằng, việc dạy học trực tuyến đó là một phương án phù hợp và thích ứng trong điều kiện dịch Covid- 19 và bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp. Chúng ta cũng phải phân định ra những địa phương, việc dạy học trực tuyến đảm bảo thì lúc đó ta sẽ cho triển khai trực tuyến kéo dài. Còn lại những địa phương nào mà dạy học trực tuyến có thể khó khăn thì chúng ta cũng có thể tìm thêm các phương án khác để bổ trợ, bây giờ không thể lùi thời gian năm học, vì chưa biết lúc nào dịch Covid- 19 kết thúc”, ông Nguyễn Trọng Hoàn cho hay.
Để việc dạy và học có thể thu hút được nhiều nhất số học sinh tham gia, ngành giáo dục Nghệ An đã lên kế hoạch, chia thành các múi giờ để dạy đối với từng cấp học, nhằm giảm tải lượng máy móc phương tiện, đặc biệt đối với những gia đình có nhiều học sinh. Bên cạnh đó, đối với những địa phương học sinh chưa đủ thiết bị thì khuyến khích việc học theo nhóm cùng chung 1 bộ máy, tại khu dân cư. Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng sẽ linh động việc áp dụng tổ chức vừa dạy trực tuyến, vừa trực tiếp. Đối với những vùng dịch bệnh an toàn, đủ điều kiện thì vẫn triển khai dạy trực tiếp.
Lường trước những khó khăn trong việc áp dụng dạy học trực tuyến trong thời điểm hiện nay nhưng với Nghệ An đó là giải pháp tối ưu. Với tinh thần vừa dạy - học, vừa khắc phục, quan trọng hơn là học sinh Nghệ An dù “không đến trường nhưng vẫn duy trì việc học”./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin